Vai trò cầm cân nảy mực của ICJ - Kỳ cuối

Do cộng đồng quốc tế rất khác so với cộng đồng một quốc gia nên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) cũng khác biệt so với các tòa án quốc gia. Vậy tầm quan trọng của ICJ trong cộng đồng quốc tế là gì? Nhiều người có thể nghĩ rằng một tòa án mà phán quyết không bắt buộc phải thực hiện, không có cơ chế thực thi phán quyết thì tòa án này chẳng có ý nghĩa gì to tát. Nhưng suy nghĩ đó là sai lầm và phiến diện.

 

ICJ đã thành công trong phân xử tranh chấp dải Aouzu giữa Chad và Libya.

Ngay cả trong thời gian “đói kém” vụ án những năm 1970, ICJ cũng chứng tỏ được vai trò nhất định của mình, đó là ảnh hưởng tới quá trình ra quyết định của các nước có liên quan tới vụ kiện. Điển hình là hai vụ sau đây:


Năm 1973, Australia và New Zealand kiện Pháp vì các vụ thử hạt nhân. Pháp tẩy chay vụ kiện nhưng không thể phớt lờ mọi việc có liên quan. Quá trình kiện tụng đã khiến Pháp phải quyết định chấm dứt thử hạt nhân mặc dù quyết định này không diễn ra sớm như mong đợi của Australia và New Zealand.


Khi nhân viên ngoại giao Mỹ bị bắt cóc làm con tin ở Iran, Mỹ lần đầu tiên trong 25 năm đã nhờ cậy đến ICJ. Điều này chứng tỏ chính quyền Mỹ cho rằng vấn đề này đáng để đưa ra tòa và phán quyết này ít nhất đã có ảnh hưởng tới quan điểm của quốc tế. Dù vậy, Iran từ chối tuân theo phán quyết ra ngày 24/5/1980, theo đó phải ngay lập tức thả các con tin. Iran chỉ thực hiện điều này tháng 1/1981 sau khi dàn xếp xong với Mỹ.


Sau giai đoạn “mất mùa” này, ICJ có một giai đoạn hoạt động tích cực, “bội thu” vụ án và chứng tỏ được vai trò không thể thay thế trong cộng đồng toàn cầu. Tòa đã đóng một vai trò quan trọng trong giải quyết một loạt tranh chấp. Từ sau thập kỷ 1970, ICJ nhận 11 vụ án quan trọng, phần lớn liên quan tới tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải. ICJ là công cụ được nghĩ tới đầu tiên khi các nước nghiêm túc muốn giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế.


Nếu như trong những năm 1970, các nước bị kiện đã tẩy chay 7 trong số 8 vụ án mà ICJ xét xử, thì từ năm 1981, chỉ có duy nhất một vụ trong tổng số 50 vụ bị tẩy chay. Mặc dù trong số 50 vụ đó, có nhiều vụ xảy ra tranh cãi nảy lửa về thẩm quyền phán xét của ICJ, nhưng đa số các vụ đều được tiến hành đến phút chót.


Dù thiếu cơ chế thực thi phán quyết nhưng trên thực tế, các phán quyết của ICJ đều được các nước có liên quan tuân thủ. Một vụ điển hình là vụ kiện giữa Libya và CH Chad liên quan tới tranh chấp lãnh thổ, cụ thể là khu vực biên giới có tên là dải Aouzu. Trong phán quyết ra tháng 2/1994, có 16 trong 17 quan tòa ICJ quyết định trao khu vực tranh chấp cho Chad trong khi khu vực này đang bị Libya chiếm đóng. Chỉ trong hai tháng sau khi tòa ra phán quyết, hai nước đã đạt được thỏa thuận theo đó binh sĩ Libya rút quân khỏi Aouzu, và chính quyền dải Aouzu do một phái bộ Liên hợp quốc giám sát. Libya nhanh chóng rút quân sau thỏa thuận và toàn bộ dải Aouzu do Chad quản lý từ đó. Mặc dù trong phán quyết, ICJ chỉ đơn thuần quyết định rằng vùng tranh chấp thuộc về Chad và không nói rõ biện pháp thực hiện cụ thể, nhưng bản thân phán quyết đã ngầm chỉ rõ rằng Libya phải rút quân khỏi khu vực.


Một vụ nữa thể hiện rõ vai trò của ICJ là vụ kiện giữa Argentina và Uruguay về các nhà máy bột giấy. Tòa cho rằng Uruguay đã vi phạm quy trình sản xuất bột giấy khiến sông Uruguay bị ô nhiễm, nhưng không vi phạm cam kết liên quan đến bảo vệ môi trường dòng sông này. Phán quyết không kêu gọi các bên có hành động cụ thể nào nhưng trong đoạn 281 của phán quyết, ICJ nhấn mạnh rằng hai nước cần có nghĩa vụ hợp tác tuân thủ đạo luật về sông Uruguay. Không lâu sau đó, Argentina và Uruguay đã nhất trí hợp tác giám sát nhà máy sản xuất bột giấy gây ô nhiễm.


Vai trò của ICJ được thể hiện thành công đặc biệt và không thể thay thế sau khi Luật Biển quốc tế trải qua một cơn “đại phẫu” quan trọng trong giai đoạn cuối những năm 1960 và 1980. Những thay đổi này được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Quá trình đàm phán công ước kéo dài hơn 10 năm và được coi là chất xúc tác cho những thay đổi có ảnh hưởng sâu rộng trong luật pháp quốc tế. Một trong số những thay đổi đó là tăng đáng kể diện tích lòng biển và vùng nước bên trên cho các nước ven biển. Một diện tích rộng lớn từng được coi là “res communis”, tức là tài sản của toàn nhân loại và không thuộc chủ quyền của một quốc gia nào, giờ đã thuộc về lãnh hải của nhiều quốc gia duyên hải.


Công ước đã tạo ra hàng trăm trường hợp, trong đó các nước láng giềng hoặc nằm đối diện nhau tuyên bố chủ quyền chồng lấn về vùng thềm lục địa, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Điều này có thể tạo ra một loạt xung đột về chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, trong thực tế, phần lớn các nước đã tránh được các cuộc xung đột chủ quyền nhờ một loạt phán quyết về lãnh hải. Những phán quyết này không chỉ giải quyết các tranh chấp có liên quan mà là tiền đề cho một loạt nguyên tắc xử lý vùng chủ quyền chồng lấn. Chỉ có một số nguyên tắc bắt nguồn từ các tòa án trọng tài, phần lớn các nguyên tắc còn lại xuất phát từ 10 phán quyết của ICJ.


Mặc dù ICJ hay bất kỳ tổ chức quốc tế nào không thể là người xóa bỏ xung đột chỉ bằng phán quyết, nhưng ICJ đã góp phần lớn vào giải quyết các vụ xung đột và tranh chấp. Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của ICJ trong việc góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định của cộng đồng quốc tế. Thời gian mà gần như mọi quốc gia đều phớt lờ các phán quyết của ICJ giờ đã qua. Thách thức của ICJ trong tương lai là tiếp tục bảo đảm xét xử công bằng, khẩn trương các vụ việc trong bối cảnh ngày càng có nhiều vụ kiện có tầm quan trọng quốc tế.


Thùy Dương

Vai trò cầm cân nảy mực của ICJ
Vai trò cầm cân nảy mực của ICJ

Là nơi mà các nước muốn giải quyết xung đột một cách hòa bình tìm đến, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã góp công lớn trong thúc đẩy và duy trì ổn định trên thế giới với vai trò cầm cân nảy mực của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN