Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong vùng biển Việt Nam - Bài 2

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, xuất phát từ những thế mạnh về biển, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác trong lĩnh vực biển với các quốc gia bao quanh Biển Đông như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia… Nhiều đối tác lớn trên thế giới như Mỹ, Nga, Nhật, Úc, Hàn Quốc… hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực như khai thác tài nguyên hải sản, khai thác dầu mỏ và khí đốt, bảo vệ môi trường, giao thông vận tải và hợp tác du lịch. Những lĩnh vực này được Việt Nam thúc đẩy hợp tác thông qua hợp tác song phương và hợp tác đa phương.

KẾT QUẢ VÀ TRIỂN VỌNG

Một số kết quả nổi bật

Malaysia là quốc gia đầu tiên tiến hành mô hình hợp tác khai thác chung với Việt Nam ở vùng biển chồng lấn. Giữa Việt Nam và Malaysia tồn tại một vùng chồng lấn thềm lục địa rộng khoảng 2.800 km2, đây là khu vực có tiềm năng lớn về dầu khí. Xuất phát từ nhu cầu khai thác dầu khí phục vụ phát triển của hai nước nên ngày 5/6/1992, tại cuộc đàm phán cấp thứ trưởng ngoại giao ở Kuala Lumpur, hai bên đã ký Bản thoả thuận về hợp tác thăm dò khai thác chung vùng chồng lấn. Theo biên bản ghi nhớ, hai bên ủy quyền cho Công ty dầu khí PetroVietnam của Việt Nam và Petronas của Malaysia tiến hành thỏa thuận đàm phán thương mại.

Theo đó, vùng thềm lục địa chồng lấn giữa hai quốc gia được đặt dưới chế độ quản lý của Ủy ban điều phối Việt Nam-Malaysia gồm đại diện của hai công ty dầu khí. Ủy ban này có trách nhiệm quyết định các vấn đề về khai thác chung trên cơ sở bỏ phiếu đồng thuận của các thành viên, đồng thời giải quyết các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí trên cơ sở nguyên tắc hữu nghị, thận trọng và phù hợp với thực tiễn dầu khí quốc tế.

Các giàn khoan khai thác dầu khí của Liên doanh Vietsovpetro tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN


Với Trung Quốc, Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam-Trung Quốc được ký kết cùng với Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000 và chính thức có hiệu lực ngày 30/4/2004. Theo quy định của Hiệp định, khu vực đánh cá chung giữa hai nước có diện tích 33.500 km2, chiếm khoảng 27,9% diện tích Vịnh, kéo dài từ vĩ tuyến 20 độ Bắc đến đường đóng cửa vịnh và cách đều đường phân định về hai bên là 30,5 hải lý.

Bên cạnh hợp tác trong lĩnh vực nghề cá, Việt Nam và Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận trong lĩnh vực khai thác dầu mỏ và khí đốt. Trên cơ sở quy định của điều VII về các mỏ dầu nằm trên đường phân định tại Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Việt Nam và Trung Quốc đã thành lập Ủy ban quản lý và tiến hành họp hàng năm để thông qua chương trình làm việc và ngân sách. Hiện nay, hai bên đang tiến hành các hoạt động thăm dò tại các mỏ dầu được phát hiện nằm vắt ngang đường phân định. Năm 2006, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Dầu khí ngoài khơi Trung Quốc, thỏa thuận này đã được gia hạn bốn lần, lần gần đây nhất là tháng 6/2013 và được gia hạn đến năm 2016.

Việt Nam đã tiến hành hợp tác trên Biển Đông với Philippines trong lĩnh vực khoa học biển từ năm 1994. Xuất phát thực tế thiếu hụt cơ sở dữ liệu về môi trường sinh thái Biển Đông, năm 1994, hai nước đã thành lập Chương trình Khảo sát Nghiên cứu Khoa học Biển chung ở Biển Đông (JOMSRE-SCS). Đây là mô hình hợp tác song phương quan trọng giữa Philippines và Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu của JOMSRE được ứng dụng nhằm phòng chống và giảm thiểu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo vệ sự đa dạng của đại dương và hệ sinh thái, xây dựng quy trình quản lý bền vững môi trường biển.

Bên cạnh mô hình hợp tác trong lĩnh vực khoa học, trong năm 2010, Philippines và Việt Nam đã ký 3 Biên bản thỏa thuận là Hợp tác về Thủy sản, Chuẩn bị và Ứng phó sự cố tràn dầu, về Tìm kiếm và Cứu hộ trên biển. Sau đó, hai nước tiếp tục ký kết thỏa thuận về Hợp tác Nghề cá ngày 28/06/2010 tại Hà Nội. Những thỏa thuận này giúp thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thủy sản, nghiên cứu biển và phòng chống đánh bắt cá bất hợp pháp tại Biển Đông.

Trải qua quá trình đàm phán bắt đầu từ năm 1978, đến ngày 26/6/2003, Hiệp định giữa Việt Nam và Indonesia về phân định thềm lục địa giữa hai nước đã được ký chính thức. Trên cơ sở phân định rõ ràng của Hiệp định năm 2003, đến năm 2009 Việt Nam cũng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về biển và nghề cá với Indonesia, nhằm tiến hành hợp tác về kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh hàng thủy sản, liên doanh và đầu tư khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản và hợp tác trao đổi thông tin. Việt Nam và Indonesia cũng đã ký Biên bản hợp tác chống đánh bắt cá bất hợp pháp ngày 28/11/2011, trong đó có những thỏa thuận về việc tránh thông báo thông tin về đánh bắt cá bất hợp pháp của hai nước cho một bên thứ ba.

Về hợp tác đa phương trong lĩnh vực nghề cá, tháng 12/2009, Hội nghị thường niên lần thứ 6 của Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC) đã chính thức thông qua đơn gia nhập của Việt Nam, theo đó Việt Nam được hưởng quy chế quốc gia không phải là thành viên nhưng có hợp tác. Việc tham gia vào Ủy ban này có ý nghĩa quan trọng, một mặt giúp Việt Nam thể hiện quyết tâm và mong muốn trong việc đóng góp vào các nỗ lực chung của khu vực, nhằm chống lại các hình thức khai thác cá bất hợp pháp, mặt khác giúp Việt Nam vượt qua được các rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào các thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật trong việc khai thác và chế biến thủy sản.


Vận chuyển ống khoan phục vụ khoan khai thác dầu khí. Ảnh: Hà Thái-TTXVN


Trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt, ngoài hoạt động hợp tác song phương với Malaysia, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ…, hiện nay Việt Nam cũng đang tham gia quá trình đàm phán ba bên giữa Việt Nam, Malaysia và Thái Lan về khả năng khai thác chung khu vực thềm lục địa chồng lấn giữa ba quốc gia trong Vịnh Thái Lan. Các bên đã tổ chức được ba phiên đàm phán cấp chuyên viên và ba phiên họp của nhóm công tác không chính thức. Qua các cuộc đàm phán, các bên đã nhất trí được về khu vực khai thác chung rộng 875km2. Tuy vậy, các bên còn cần tiếp tục đàm phán về mô hình hợp tác, cơ cấu tổ chức, người quản lý, nhà điều hành và các vấn đề khác liên quan đến hợp tác chung giữa ba nước.

Trong lĩnh vực hợp tác hàng hải, nằm trên một trong những tuyến đường giao thông hàng hải tấp nập nhất thế giới, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực này. Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của 20 điều ước quốc tế về lĩnh vực giao thông hàng hải của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) như: Công ước về Tổ chức hàng hải quốc tế 1948, Nghị định thư sửa đổi 1988 sửa đổi Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển, Công ước quốc tế về tìm kiếm và cứu nạn hàng hải 1979, Nghị định thư ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng hải đối với các giàn khoan cố định ở thềm lục địa 1988.

Nhằm hỗ trợ đội ngũ lao động của Việt Nam tham gia vào lĩnh vực dịch vụ hàng hải quốc tế, Việt Nam cũng đã ký kết thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên theo tiêu chuẩn STCW 78/95 với 24 quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Hà Lan, Nga, Ấn Độ,... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thúc đẩy dịch vụ vận chuyển hàng hải phát triển thông qua việc ký kết hiệp định vận tải biển với 23 quốc gia và vùng lãnh thổ như Nga, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc…Đồng thời, Việt Nam cũng chú trọng nâng cấp, phát triển các cảng biển và cung cấp các dịch vụ hàng hải quốc tế như các dịch vụ vận tải đa phương thức, dịch vụ hậu cần, dịch vụ lai dắt tàu biển và dịch vụ môi giới hàng hải.

Trong lĩnh vực du lịch, các mô hình hợp tác quốc tế để khai thác tiềm năng du lịch của Việt Nam cũng được chú trọng. Bên cạnh việc chú trọng hợp tác để xây dựng và phát triển các khu du lịch trọng điểm theo đề án phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển, các hoạt động hợp tác mới như du lịch sinh thái biển, phát triển du lịch tàu biển với các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia đã được thực hiện.

Phát huy tối đa thế mạnh

Nhờ vào sự thúc đẩy hợp tác quốc tế song phương và đa phương trong các lĩnh vực đánh bắt thủy sản, khai thác dầu khí, phát triển hàng hải, du lịch, bảo vệ môi trường biển, phát triển khoa học kỹ thuật mà ngành kinh tế biển Việt Nam đã ngày càng tăng trưởng và đạt được những thành tựu đáng kể. Năm 2003 tổng GDP từ biển chỉ bằng 32% GDP quốc gia, đến giai đoạn năm 2011 tổng GDP từ biển đã chiếm 48% GDP cả nước. Trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) đã xác định “phấn đấu đến năm 2020 kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP cả nước”.

Bên cạnh thành tựu tổng thể đó, các ngành thuộc kinh tế biển đều có bước tăng trưởng đột phá như ngành đánh bắt và nuôi trồng hải sản tăng bình quân 7,7%/ năm về sản lượng; ngành kinh tế hàng hải bình quân tăng 11% về trọng tải/năm; trong lĩnh vực khai thác dầu khí, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước sản xuất dầu khí lớn thứ ba trong khu vực; ngành du lịch biển Việt Nam cũng tăng 12,6%/năm về doanh thu. Những thành tựu này là nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến những khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương, đã tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế biển Việt Nam phát triển trong những năm vừa qua và trong thời gian tới.

Mặc dù đạt được những thành tựu trên, nhưng vẫn còn những trở ngại trong hợp tác quốc tế ở vùng biển Việt Nam. Nếu so sánh với một số nước trong khu vực, giá trị hoạt động kinh tế biển Việt Nam chỉ bằng 24% của Trung Quốc, 14% của Hàn Quốc và 1% của Nhật Bản.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Linh, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao cho rằng: Nguyên nhân trước hết là do năng lực hợp tác của các cơ quan phụ trách hợp tác khai thác biển của Việt Nam còn rất hạn chế. Để đảm bảo hợp tác khai thác biển hiệu quả, ngoài các điều kiện về kỹ thuật như tàu thuyền, trang thiết bị trên tàu thuyền, kỹ thuật thăm dò, khai thác tài nguyên, chúng ta còn hạn chế về nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật và ngoại ngữ để đáp ứng được yêu cầu hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khai thác biển. Bên cạnh đó, hiện còn tồn tại tranh chấp về chủ quyền và vùng biển, về vùng đặc quyền kinh tế, về vùng biển... Ngoài ra, những khuôn khổ hợp tác khai thác biển Việt Nam với các nước còn chưa được hoàn thiện.

Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được các nước ASEAN và Trung Quốc ký kết ngày 4/11/2002 tại Campuchia, là bước đột phá trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Song sự hợp tác theo các quy định của DOC mới chỉ bắt đầu được thúc đẩy sau 10 năm văn kiện này được ký kết, các lĩnh vực hợp tác đang bắt đầu từ những lĩnh vực ít nhạy cảm như nghiên cứu khoa học, tìm kiếm cứu nạn,... Trung tâm phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) - Tổ chức nghề cá của khu vực chưa thực sự phát huy được vai trò thúc đẩy hợp tác khai thác nghề cá, kiểm soát việc đánh bắt bất hợp pháp mà mới chỉ dừng ở một số sự trợ giúp về kỹ thuật.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP cả nước, Việt Nam cần phát huy tối đa các thế mạnh vùng biển Việt Nam để tận dụng hết mức các quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các nước, nhằm khai thác, quản lý và sử dụng tài nguyên biển hiệu quả. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần khắc phục những tồn tại trong mối quan hệ hợp tác với các nước bằng cách áp dụng những mô hình hợp tác thành công đang có với Trung Quốc, Malaysia, Philippines để giải quyết các tranh chấp hiện còn tồn tại với các nước; xây dựng cơ sở luật pháp vững chắc để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đồng thời, Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng công tác quản lý, xây dựng hoàn thiện các thể chế luật pháp trong nước, các cơ chế hợp tác; thực hiện nhất quán, đồng bộ chủ trương từ Trung ương đến địa phương; chú trọng xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc tế. Cần chú trọng xây dựng thương hiệu biển Việt Nam từ thế mạnh địa lý, thiên nhiên, văn hóa, xã hội, con người Việt, nhằm nâng cao, quảng bá hình ảnh vùng biển tươi đẹp, giàu tiềm năng của Việt Nam với bạn bè quốc tế.


Xem Kỳ 1 tại đây

Văn Hào (TTXVN)
Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong vùng biển Việt Nam - Bài 1
Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong vùng biển Việt Nam - Bài 1

Có thể nói rằng, Biển Đông là “mặt tiền”, là nhân tố đảm bảo lợi thế địa - chiến lược trọng yếu của nhiều nước trong đó có Việt Nam, nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN