Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong vùng biển Việt Nam - Bài 1

Các nước trên thế giới biết đến Việt Nam như một “miền đất hứa”, bởi thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho đất nước ta đặc trưng “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”. Trong đó diện tích biển khoảng hơn một triệu km2, gấp hơn ba lần diện tích đất liền.

Với chủ trương “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới” được Đảng ta xác định từ Đại hội VII năm 1991, hội nhập quốc tế mà nội dung cơ bản là thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và đa phương với các nước, cũng như tham gia các tổ chức trong khu vực và thế giới đã trở thành vấn đề được Việt Nam hết sức quan tâm, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác cùng khai thác và phát triển vùng biển.

NHỮNG THẾ MẠNH HỢP TÁC

Khác với một số quốc gia trên thế giới, vùng biển Việt Nam có thế mạnh to lớn, thế mạnh đó đến từ vị trí chiến lược, từ nguồn tài nguyên vô cùng phong phú bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên hải sản, tài nguyên du lịch và hệ thống cảng phát triển dọc khắp bờ biển. Những thế mạnh đó tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực khai thác, quản lý và bảo vệ vùng biển

Cơ hội hợp tác quốc tế

Theo nhận xét của Tiến sĩ Đặng Hoàng Linh, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao: Vị trí chiến lược của biển Việt Nam là nằm ở rìa Biển Đông, vùng biển có vị trí địa kinh tế, chính trị đặc biệt quan trọng và từ lâu đã là nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển không chỉ của các nước xung quanh Biển Đông, mà còn của một số cường quốc hàng hải khác trên thế giới.

Biển Đông là một vùng biển nửa kín, nằm ở rìa Tây Thái Bình Dương, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, thuộc khu vực Đông Nam Á và được bao quanh bởi 9 quốc gia. Biển Đông là vùng biển có 1 trong số 10 tuyến đường hàng hải lớn nhất trên thế giới đi qua, giao thông nhộn nhịp đứng thứ 2 thế giới. Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, đặc biệt là eo biển Malacca.

Bản đồ Biển Đông.


Biển Đông rất quan trọng đối với nhiều nước xét về vị trí địa - chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế như Trung Quốc, Nhật, Mỹ. Nên có thể nói rằng, Biển Đông là “mặt tiền”, là nhân tố đảm bảo lợi thế địa - chiến lược trọng yếu của nhiều nước trong đó có Việt Nam, nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Lợi thế của vùng biển Việt Nam là nằm ngay trên một số tuyến hàng hải chính của quốc tế qua Biển Đông, trong đó có tuyến đi qua eo biển Malacca và Singapore là một trong những tuyến có số tàu qua lại nhiều nhất trên thế giới. Mặt khác, bờ biển nước ta lại rất gần các tuyến hàng hải nên rất thuận lợi trong việc phát triển thương mại quốc tế.

Căn cứ vào Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, Nhà nước ta đã công bố đường cơ sở để từ đó tính lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Theo đó, diện tích vùng biển Việt Nam bao gồm 226.000 km2 nội thủy cùng lãnh hải và hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế. Có thể nhận thấy rằng, vùng biển rộng lớn của nước ta nằm ngay rìa Biển Đông có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng. Bởi vậy, Chỉ thị 20-CT/TW tháng 9/1997 của Bộ Chính trị đã khẳng định “Vùng biển, hải đảo và ven biển nước ta là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế, an ninh-quốc phòng và môi trường sống; có nhiều lợi thế phát triển và là cửa ngõ lớn của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài”.

Bất chấp việc Trung Quốc công bố lệnh cấm đánh bắt cá bất hợp pháp ở Biển Đông, ngư dân Quảng Trị vẫn quyết tâm vươn khơi bám biển để khai thác nguồn lợi hải sản, giữ vững ngư trường, giữ vững chủ quyền biển đảo Việt Nam. Ảnh: TTXVN


Nguồn tài nguyên phong phú


Tài nguyên biển Việt Nam trước hết phải kể đến dầu mỏ và khí đốt. Trữ lượng dự báo tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam khoảng 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác từ 4 đến 5 tỷ tấn. Trữ lượng khí dự báo khoảng 1.000 tỷ m3. Ngoài ra, còn có các khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn như than, sắt, titan, băng cháy, cát thủy tinh, muối và các loại vật liệu xây dựng khác.

Theo các điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nguồn lợi hải sản, tính đa dạng sinh học trong vùng biển nước ta đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú, với 6.000 loài động vật đáy, 2.400 loài cá với 130 loài cá có giá trị kinh tế, 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù sa, 537 loài thực vật phù du, 225 loài tôm biển,...Trong số đó, phải kể đến các loài hải sản có giá trị kinh tế như cá, tôm he, tôm hùm, cua, yến sào, hải sâm, bào ngư, trai ngọc, sò huyết...

Về tài nguyên du lịch: Do đặc điểm kiến tạo khu vực, các dãy núi đá vôi vươn ra sát bờ biển đã tạo thành nhiều cảnh quan thiên nhiên sơn thủy rất đa dạng ở Việt Nam. Dọc bờ biển nước ta có khoảng 125 bãi biển lớn nhỏ như Nha Trang, Trà Cổ, Vịnh Hạ Long, Vũng Tàu, Hà Tiên, Sầm Sơn, Non Nước,...Bên cạnh đó, Việt Nam còn có 2.773 đảo ven bờ; ở dải ven biển còn có các Vườn quốc gia biển - đảo như Bái Tử Long, Côn Đảo, Phú Quốc…Nhờ thiên nhiên ưu đãi mà Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển đảo.

Dọc theo bờ biển Việt Nam có hệ thống cảng biển phát triển phục vụ cho việc thúc đẩy hoạt động khai thác và phát triển biển như nhóm cảng biển phía Bắc với cảng Hải Phòng, Cái Lân; nhóm Bắc Trung Bộ với cảng Nghi Sơn, Cửa Lò, Vũng Áng; nhóm Trung Trung Bộ gồm cảng Đà Nằng, Liên Chiểu-Chân Mây, Dung Quất; nhóm Nam Trung Bộ gồm cảng Quy Nhơn, Nha Trang; nhóm Đông Nam Bộ có cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh,.. và nhóm cảng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Những thế mạnh về vị trí địa lý chiến lược, về nguồn tài nguyên phong phú của vùng biển Việt Nam đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đó là sự gia tăng của các cơ chế hợp tác trong khu vực và thế giới. Các quốc gia đều xây dựng chiến lược biển, tập trung và coi trọng phát triển kinh tế biển, cộng với sự phù hợp về chính sách và khuôn khổ pháp luật trong nước, là cơ hội thúc đẩy hợp tác quốc tế trong vùng biển nước ta.


Xem Kỳ 2 tại đây


Văn Hào (TTXVN)
Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong vùng biển Việt Nam - Bài 2
Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong vùng biển Việt Nam - Bài 2

Xuất phát từ những thế mạnh về biển, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác trong lĩnh vực biển với các quốc gia quanh Biển Đông như Trung Quốc, Malaysia, Philippines...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN