Stuxnet, vũ khí kỹ thuật số tàn phá cơ sở hạt nhân lớn nhất Iran - Kỳ 2: Phiên bản 2.0 'hung hãn'

Stuxnet không phải là một phần mềm độc hại thông thường. Thiết kế của nó phản ánh mức độ tinh vi chưa từng có trong lĩnh vực vũ khí mạng. Sâu máy tính độc hại này nhắm vào phần mềm Siemens Step7, được sử dụng để điều khiển thiết bị công nghiệp, đặc biệt tập trung vào các máy ly tâm tại cơ sở làm giàu uranium Natanz của Iran.

 

Chú thích ảnh
Hai phiên bản Stuxnet, liên tiếp tấn công cơ sở hạt nhân Natanz của Iran, khiến cơ sở này bị phá hỏng nhiều máy ly tâm và đình trệ hoạt động. Ảnh minh họa: Warographics

Bối cảnh chính trị rối loạn

Đó là vào tháng 6/2009 - khoảng một năm kể từ khi Stuxnet phiên bản đầu được tung ra, nhưng vẫn còn một năm nữa trước khi hoạt động bí mật này bị phát hiện và vạch trần. Trong khi Iran chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống, chủ mưu Stuxnet cũng đang chuẩn bị cuộc tấn công tiếp theo vào nhà máy làm giàu bằng phiên bản mới của virus độc hại này. Họ tung ra nó ngay khi nhà máy bắt đầu phục hồi sau tác động của cuộc tấn công trước đó.

Hai tuần trước khi cuộc tấn công kỹ thuật số phiên bản độc hại hơn được tung ra là những tuần hỗn loạn ở Iran. Vào ngày 12/6/2009, cuộc bầu cử tổng thống giữa đương kim Mahmoud Ahmadinejad và đối thủ Mir-Hossein Mousavi đã không diễn ra theo cách mà hầu hết mọi người mong đợi. Cuộc đua được cho là rất sít sao, nhưng khi kết quả được công bố -hai giờ sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc—ông Ahmadinejad đã giành chiến thắng với 63% số phiếu bầu so với 34% của Mousavi.

Nhiều cử tri đã lên tiếng chỉ trích, và ngày hôm sau, đám đông người biểu tình giận dữ đổ ra đường phố Tehran để bày tỏ sự phẫn nộ và hoài nghi của họ. Theo các phương tiện truyền thông đưa tin, đây là cuộc biểu tình dân sự lớn nhất mà đất nước này từng chứng kiến.

Ngày Chủ Nhật của tuần đó, ông Ahmadinejad đã có bài phát biểu chiến thắng, tuyên bố một kỷ nguyên mới cho Iran. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục trong suốt cả tuần và vào ngày 19/6, trong nỗ lực xoa dịu đám đông, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã chấp thuận kết quả bầu cử, khẳng định rằng biên độ chiến thắng - 11 triệu phiếu bầu - là quá lớn để có thể đạt được thông qua gian lận. Tuy nhiên, đám đông vẫn không nguôi cơn giận dữ.

Ngày hôm sau, một phụ nữ 26 tuổi tên là Neda Agha-Soltan bị kẹt xe trong đám đông biểu tình, đã bị bắn vào ngực bởi một viên đạn bắn tỉa sau khi cô và giáo viên dạy nhạc của mình bước ra khỏi xe để quan sát.

Hai ngày sau, vào ngày 22/6, Hội đồng Bảo vệ, đơn vị giám sát các cuộc bầu cử ở Iran, chính thức tuyên bố ông Ahmadinejad là người chiến thắng và sau gần hai tuần biểu tình, Tehran trở nên im lặng một cách kỳ lạ. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay và đạn thật để giải tán người biểu tình, và hầu hết họ đã rời khỏi đường phố.

Chiều hôm đó, vào khoảng 4h30 giờ địa phương, khi người dân Iran đang cố gắng vượt qua nỗi kinh hoàng và đau buồn về những sự kiện của những ngày trước, một phiên bản mới của Stuxnet đã được tung ra.

Trong khi đường phố Tehran hỗn loạn, các kỹ thuật viên tại Natanz lại trải qua một khoảng thời gian tương đối bình lặng. Vào khoảng đầu năm, họ đã bắt đầu lắp đặt lại các máy ly tâm mới và đến cuối tháng 2, đã lắp được khoảng 5.400 máy, gần bằng con số 6.000 máy mà ông Ahmadinejad cam kết vào năm trước.

Không phải tất cả các máy ly tâm đều làm giàu uranium, nhưng ít nhất thì đã có sự chuyển động trở lại, và đến tháng 6, con số đã tăng vọt lên 7.052, với 4.092 máy làm giàu khí. Ngoài 18 tầng làm giàu khí tại đơn vị A24, hiện có 12 tầng làm giàu khí tại đơn vị A26. 7 tầng bổ sung thậm chí đã được lắp đặt tại A28 và đang trong tình trạng chân không, chuẩn bị tiếp nhận khí. Hiệu suất của các máy ly tâm cũng đang được cải thiện. Sản lượng urani làm giàu cấp độ thấp hàng ngày của Iran đã tăng 20% và dự kiến duy trì ổn định trong suốt mùa hè năm 2009.

Bất chấp những vấn đề trước đó, Iran đã vượt qua một cột mốc kỹ thuật và đã thành công trong việc sản xuất 839 kg urani làm giàu thấp - đủ để đạt được khả năng đột phá vũ khí hạt nhân.

Chú thích ảnh
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad trong chuyến tham quan các máy ly tâm tại Natanz năm 2008. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran

Nếu tiếp tục với tốc độ này, Iran sẽ có đủ urani làm giàu để chế tạo hai vũ khí hạt nhân trong vòng một năm. Ước tính này dựa trên công suất của các máy ly tâm IR-1 hiện đang được lắp đặt tại Natanz. Nhưng Iran đã lắp đặt máy ly tâm IR-2 trong một tầng nhỏ tại nhà máy thí điểm, và sau khi thử nghiệm hoàn tất và các kỹ thuật viên bắt đầu lắp đặt chúng trong hội trường ngầm, ước tính sẽ phải được điều chỉnh. Máy ly tâm IR-2 tiên tiến hơn có hiệu suất cao hơn. Cần 3.000 máy IR-1 để sản xuất đủ uranium cho một vũ khí hạt nhân trong một năm, nhưng chỉ cần 1.200 máy IR-2 để làm được điều tương tự.

Stuxnet 2.0

Trong khi tình hình Tehran đang rối loạn, cách cơ sở hạt nhân Natanz - trung tâm của chương trình hạt nhân Iran - khoảng 300 km về phía nam, những điều 'kỳ lạ' đã xảy ra. Chỉ vài ngày sau cái chết của cô gái vô tội Neda, CIA (Cục Tình báo Trung ương Mỹ) được cho là đã nhận được sự chấp thuận để tiến hành một chiến dịch mạng chống lại cơ sở này. Chiến dịch này bao gồm việc xâm nhập một phần mềm độc hại tinh vi, được gọi là Stuxnet, trực tiếp lên phần cứng của Iran. Phần mềm độc hại này là vũ khí kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới. Stuxnet không phải là sự hiện diện mới trong cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran; nó đã gây ra sự gián đoạn trong nhiều năm. Tuy nhiên, phiên bản mới này được thiết kế để giáng một đòn quyết định.

Stuxnet không phải là một phần mềm độc hại thông thường. Thiết kế của nó phản ánh mức độ tinh vi chưa từng có trong lĩnh vực vũ khí mạng. Virus độc hại này nhắm vào phần mềm Siemens Step7, được sử dụng để điều khiển thiết bị công nghiệp, đặc biệt tập trung vào các máy ly tâm tại cơ sở làm giàu uranium Natanz của Iran. Các máy ly tâm này, rất cần thiết để làm giàu uranium, hoạt động ở tốc độ cao và cần được điều khiển chính xác để hoạt động bình thường.

Xem tiếp Kỳ 3: "Bệnh nhân số 0"

Thu Hằng/Báo Tin tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN