Quá trình tìm kiếm vẫn gian nan một năm sau vụ MH370

Cách đây đúng 1 năm, vào ngày 8/3/2014, chuyến bay mang số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia trong hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh (Trung Quốc) đã biến mất một cách bí ẩn.

Kể từ đó đến nay, một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn và tốn kém nhất trong lịch sử do Australia dẫn đầu đã được tiến hành tại vùng biển được cho là nơi máy bay rơi, song dấu vết chiếc Boeing 777-200 này vẫn biệt tăm.

Binh sĩ Australia trong một cuộc tìm kiếm máy bay MH370 mất tích. Ảnh: AFP-TTXVN


Vụ mất tích đầy bí ẩn

Chuyến bay số hiệu MH370 khởi hành từ thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, dự kiến tới Bắc Kinh lúc 6 giờ 30 phút sáng 8/3/2014 giờ địa phương (tức là 22 giờ 30 phút ngày 7/3 theo giờ GMT).

Tuy nhiên, khoảng 2 tiếng sau khi khởi hành, vào khoảng 2 giờ 40 phút sáng 8/3/2014 theo giờ địa phương (tức 18 giờ 40 phút ngày 7/3/2014 giờ GMT), máy bay đột ngột mất liên lạc với Trạm kiểm soát lưu không Subang tại vị trí 6 độ 56 phút Bắc, 103 độ 35 phút Đông, thuộc vùng biển cách mũi Cà Mau của Việt Nam 120 hải lý (khoảng 230 km) về phía Tây Nam.

Trên máy bay khi đó có 239 người, bao gồm 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn. Trong số hành khách có 153 người Trung Quốc, 38 người Malaysia, 12 người Indonesia, 7 người Australia, 4 người Mỹ, 2 người Canada, 2 người New Zealand, 2 người Ukraine và một số người từ các nước khác.

Ngay sau khi nhận được thông báo chiếc máy bay mất tích, Việt Nam đã tích cực tham gia và dẫn đầu nhóm tìm kiếm quốc tế trên khu vực thuộc lãnh hải Việt Nam nhưng không ghi nhận kết quả khả quan nào.

Đến ngày 15/3/2014, Thủ tướng Malaysia Najib Razak xác nhận máy bay số hiệu MH-370 đã bay ít nhất 7 giờ kể từ khi mất tín hiệu với mặt đất. Nhiều khả năng phi hành đoàn hoặc một phi công dày dạn kinh nghiệm và nắm rõ các vị trí của radar cố tình chuyển hướng để máy bay này bay qua khu vực phía Bắc Malaysia về phía Ấn Độ Dương.

Nỗ lực tìm kiếm không mệt mỏi

Chính quãng thời gian bay nhiều giờ sau khi mất liên lạc đã khiến công tác khoanh vùng định vị khu vực tìm kiếm chiếc máy bay MH370 càng thêm khó khăn và mơ hồ. Việc tìm kiếm hầu như phải dựa vào hình ảnh được chụp từ vệ tinh do các quốc gia chia sẻ, mà vốn dĩ những hình ảnh này cũng không rõ ràng và chính xác.

Tuy nhiên, Malaysia và cộng đồng quốc tế vẫn không từ bỏ hy vọng giải đáp bí ẩn về chiếc Boeing 777-200 này.

Từ Biển Đông, công tác tìm kiếm cứu nạn sau đó đã được mở rộng tới phía Tây bờ biển Australia, nơi mà các chuyên gia phát hiện hàng loạt tín hiệu liên lạc giữa MH370 với vệ tinh liên lạc Inmarsat, cùng với phỏng đoán chuyến bay thực tế có thể đã hướng về phía Ấn Độ Dương và bay trong vòng nhiều giờ trước khi rơi tại đâu đó trên vùng biển này.

Hoạt động tìm kiếm cứu nạn đã được thực hiện một cách quy mô và liên tục. Rất nhiều tàu thuyền cùng trang thiết bị tối tân đã được đưa vào sử dụng, trong đó có một số thuyền được trang bị công cụ hiện đại có thể tìm kiếm ở độ sâu lên tới 6.000 m dưới mực nước biển hay tàu ngầm không người lái có khả năng tiếp cận các vách núi ngầm hoặc vực sâu.

Hiện Australia đang dẫn đầu công tác tìm kiếm MH370 tại Ấn Độ Dương, cách bờ biển phía Tây nước này 1.600 km, với 4 tàu sử dụng hệ thống định vị dưới nước chuyên nghiệp nhằm tìm kiếm một vùng rộng lớn. Các tàu hiện tập trung tìm kiếm ở khu vực ưu tiên có diện tích 60.000 km2.

Người thân thắp nến tưởng niệm các hành khách máy bay mất tích MH370 tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 8/4/2014. Ảnh: AFP/ TTXVN


Tính từ tháng 10/2014 đến nay, đã có hơn 26.000 km2, tương đương 40% vùng được coi là “khu vực khả nghi” dưới đáy đại dương đã được khảo sát, tìm kiếm, tuy nhiên vẫn không cho thấy một dấu hiệu khả quan nào. Điều này đã khiến nhiều người hoài nghi và đặt ra câu hỏi: “Liệu họ có đang tìm kiếm đúng chỗ?”. Nhiều giả thuyết khác về chuyến bay đã được đưa ra, nhưng phần lớn số đó đều chưa được kiểm chứng.

Trong bối cảnh đó, ngày 29/1/2015, Malaysia đã chính thức tuyên bố vụ máy bay của hãng hàng không quốc gia thực hiện chuyến bay MH370 mất tích là một tai nạn, hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay được coi là đã thiệt mạng.

Hiện chiến dịch tìm kiếm MH370 vẫn tiếp tục dù thông tin về MH370 ngày càng xuất hiện ít hơn. Trên vùng biến phía Tây Australia, các tàu tìm kiếm cùng đội ngũ chuyên gia và các trang thiết bị tối tân có khả năng tìm kiếm ở độ sâu 4.000 m dưới mặt biển…vẫn đang tích cực truy tìm dấu vết của MH370.

Tuy nhiên công việc này gặp phải rất nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Rất nhiều cơn bão biển, tạo nên cột sóng cao 16 m, đã khiến chiến dịch tìm kiếm phải tạm ngừng hồi đầu tháng 2/2015 vừa qua.


Có ngừng chiến dịch tìm kiếm?

Trong bối cảnh quá trình tìm kiếm MH370 gặp nhiều khó khăn như vậy, ngày 5/3/2015, Thủ tướng Australia Tony Abbott đã đề nghị thu hẹp quy mô tìm kiếm máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines.

Phó Thủ tướng Australia Warren Truss cũng cho rằng, việc tìm kiếm MH370 không thể kéo dài mãi mãi và hiện Australia đang cùng với Trung Quốc và Malaysia thảo luận việc có nên chấm dứt chiến dịch này trong vòng vài tuần tới.

Không những thế, chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370 còn được coi là chiến dịch tìm kiếm tốn kém nhất trong lịch sử. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tìm kiếm cho đến nay, Australia đã chi khoảng 93 triệu USD, đồng thời huy động nhiều tàu và trực thăng tới khu vực tìm kiếm.

Do quá tiêu tốn nguồn lực trong khi lại không có kết quả nên chiến dịch này hiện đang được chính phủ các nước liên quan cân nhắc xem có nên tiếp tục hay không.

Tuy nhiên, các chuyên gia hàng không lại cho rằng cần bắt buộc phải tìm thấy MH370 để có thể đảm bảo an toàn hàng không thế giới trong những lần sau. Do đó, Thủ tướng Abbott cũng khẳng định, dù không thể cam kết công tác tìm kiếm sẽ tiếp tục được duy trì như ở cường độ hiện nay, song Australia sẽ nỗ lực hết mình để giải đáp bí ẩn và đưa ra câu trả lời cho vụ việc này.

Bên cạnh đó, ông Abbott cũng nhận định việc máy bay trên mất tích cho thấy lỗ hổng cơ bản trong việc theo dõi các chuyến bay đường dài, đặc biệt khi bay qua đại dương. Vì vậy, Australia, Malaysia và Indonesia đang có kế hoạch thử nghiệm hệ thống đầu tiên trên thế giới cho phép theo dõi máy bay trên các vùng đại dương hẻo lánh với tần suất 15 phút/lần thay vì 30-40 phút/lần như hiện nay.

Australia cũng vừa mới thông báo sẽ hợp tác với Tập đoàn Thales của Pháp để phát triển một hệ thống kiểm soát giao thông dân sự trên không đầu tiên trên thế giới, nhằm hỗ trợ công tác tìm kiếm dấu vết trong các vụ việc tương tự như MH370 nhanh hơn và chính xác hơn.


Thông tin tư liệu- TTXVN


Australia đề xuất thu hẹp tìm kiếm máy bay MH370
Australia đề xuất thu hẹp tìm kiếm máy bay MH370

Australia đã đề nghị thu hẹp quy mô tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia, đồng thời bày tỏ hy vọng máy bay này sẽ được tìm thấy sau một năm mất tích bí ẩn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN