Nữ dân quân Lam Hạ: những bông hoa thép anh hùng

Cách đây 50 năm, ngày 1/10/1966, là ngày diễn ra trận hiệp đồng chiến đấu oanh liệt, tiêu biểu nhất của dân quân xã Lam Hạ, Hà Nam trong đó có Đại đội 1, Tiểu đoàn 6 pháo phòng không 37mm thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Hà.

Miếu thờ 10 nữ dân quân phòng không Lam Hạ đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ tại xã Lam Hạ (nay là phường Lam Hạ, TP Phủ Lý, Hà Nam). Ảnh: nhandan.com.vn

Huyền thoại mười cô gái Lam Hạ anh hùng

Trong trận đánh đó, dân quân tự vệ thôn Đình Tràng đã hiệp đồng chặt chẽ với đại đội cao xạ cản phá nhiều tốp máy bay của địch, khiến cho hầu hết bom đạn của chúng ném trượt khỏi mục tiêu. Không phá được các mục tiêu, địch điên cuồng quay sang tập kích hủy diệt trận địa pháo cao xạ đặt cách cầu Phủ Lý khoảng 300m.

Loạt bom bi và rocket đầu tiên dội xuống, sáu nữ pháo thủ dân quân là Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan và Vũ Thị Phương đã anh dũng hy sinh ngay trên trận pháo. Trong đó nữ dân quân Nguyễn Thị Thi hy sinh mới qua tuổi trăng rằm, cái tuổi 16, chưa kịp để lại dù chỉ một tấm hình.

Tám ngày sau - ngày 9/10/1966, trên các trận địa phòng không bảo vệ hướng bắc cầu Phủ Lý bố trí trên địa bàn xã Lam Hạ lại diễn ra trận chiến đấu quyết liệt với không quân Mỹ và năm dân quân thôn Đường Ấm, trong đó có ba nữ pháo thủ là Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh cũng đã anh dũng hy sinh.

Gần một năm sau, ngày 7/7/1967, tại trận địa pháo đặt tại thôn Hòa Mạc, trong trận đánh trả máy bay Mỹ đến phá cầu Phủ Lý, nữ dân quân Đặng Thị Chung đã chiến đấu dũng cảm đến hơi thở cuối cùng.

Như vậy, trong các trận chiến đấu quyết liệt (từ 1/10/1966 đến 7/7/1967) đánh trả máy bay Mỹ để bảo vệ trọng điểm giao thông thị xã Nam Hà cầu Phủ Lý và các vùng phụ cận, 10 nữ dân quân đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ mười sáu, đôi mươi, có chị mới làm lễ ra Đội được 2 ngày, có chị mới lấy chồng, có chị chưa từng yêu...

Giờ đây, tên tuổi của các chị đã mãi mãi đi vào huyền thoại, trở thành niềm tự hào của mỗi người con Lam Hạ, Hà Nam.
Để ghi nhớ công ơn và sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái Lam Hạ, ngay chính trên trận địa pháo năm xưa, cấp ủy, chính quyền, nhân dân Hà Nam đã xây dựng Miếu thờ 10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ.

Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ và nữ liệt sỹ Nguyễn Thị Thi – một trong 10 nữ dân quân Lam Hạ hy sinh khi mới 16 tuổi đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trận địa pháo phòng không Lam Hạ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Lam Hạ - ký ức một thời “tam giác lửa”

Từ lâu, hai tiếng "Lam Hạ" đã ăn sâu trong tâm trí nhiều người, thu hút sự quan tâm của những ai từng được nghe về sự hy sinh anh dũng và bi tráng của 10 nữ dân quân trên mảnh đất ngã ba sông - nơi được mệnh danh là vùng “tam giác lửa” trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Với vị trí như cận kề trung tâm tỉnh lỵ, gần các trục đường bộ, đường sắt, đường sông, vùng trọng điểm bờ Bắc sông Châu, thôn Đình Tràng nói riêng, xã Lam Hạ nói chung trở thành mắt xích xung yếu trong “cánh cung phòng không” bảo vệ Hà Nam.

Hơn nữa, cái thế của Lam Hạ không chỉ thuận ở việc dễ bề cơ động, phòng tránh, đánh trả, thuận cho liên lạc, mà còn là nơi có thể tự túc lương thực, thực phẩm; đặc biệt nhất là “áo giáp lòng dân”, “tuyến phòng thủ nhân dân” của vùng đất có bề dày văn hiến “địa linh, nhân kiệt” và truyền thống cách mạng hào hùng từ xa xưa.

Bởi vậy, những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đánh trả không quân Mỹ, trên vùng đất với diện tích hơn 4km2 đã có tới 8 trận địa phòng không từ 12,7mm, cho đến 14,5, 57, 88 và 100mm.

Trong cuộc đối đầu lịch sử với kẻ thù xâm lược, quê hương Lam Hạ có 163 người con anh dũng hy sinh, 92 người đã để lại một phần xương máu trên các chiến trường ở mọi miền Tổ quốc. Đặc biệt, sự hy sinh của 10 nữ dân quân Lam Hạ đã trở thành biểu trưng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là ký ức lịch sử thiêng liêng, bi tráng, hào hùng trong lòng mỗi người dân nơi vùng đất “tam giác lửa”.

Qua mỗi cuộc đụng độ không cân sức, những nữ dân quân Lam Hạ phơi phới tuổi xanh lần lượt ngã xuống, ngay trên mâm pháo, nhưng tinh thần chiến đấu kiên cường của các chị luôn truyền lửa cho những người còn sống và những người mới vào trận.

Dấu tích chiến tranh đã lùi xa, nỗi đau cũng dần vơi đi, nhưng bản anh hùng ca bất diệt vẫn ngân vang trong lòng bao thế hệ, góp phần tạc nên vóc dáng của một Lam Hạ đi đầu trong kháng chiến, cũng như trong sự nghiệp xây dựng, kiến thiết quê hương.

Minh Lan (TTXVN)
Dân quân tự vệ - lực lượng vô địch của dân tộc anh hùng
Dân quân tự vệ - lực lượng vô địch của dân tộc anh hùng

Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Dân quân tự vệ Việt Nam đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN