40 năm ngày Giải phóng miền Nam- Phần IV: Thông tấn xã Việt Nam trong Mùa Xuân đại thắng

Những ngày tháng không quên

Sau Tết Nguyên đán, Tổng Biên tập báo Tin Tức gặp tôi: Sắp tới kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, anh viết cho báo một bài. Tôi nhận lời dù chưa hình dung mình sẽ viết gì. Tuy vậy, mình nghĩ phải viết vì đó là trách nhiệm của người cầm bút, hơn nữa, trong những ngày tháng ấy, mình cũng là người trong cuộc, dù đóng góp của mình rất nhỏ và những việc mình làm và chứng kiến chỉ ở một phạm vi hẹp.


Biên tập tin chiến thắng


Một ngày cuối tháng 4 năm 1975, tôi đang công tác tại địa bàn một xã ở ngoại ô Tây Ninh thì nhận được lệnh về cơ quan gấp nhận nhiệm vụ mới. Chập tối, xã đội trưởng Năm Long chèo thuyền đưa tôi vượt sông Vàm Cỏ Đông qua vùng giải phóng, nơi đặt căn cứ của xã ủy. Đêm cuối cùng, trước khi chia tay với đội du kích, tôi trằn trọc không thể nào ngủ được, dù biết rằng ngày mai và những ngày tiếp tôi phải đi bộ một quãng đường rất dài. Bao cảm xúc, buồn vui lẫn lộn cứ giằng xé trong tôi. Tôi buồn vì phải xa mảnh đất đã ít nhiều gắn bó, xa những chiến sĩ du kích quả cảm từng sống chết bên nhau và vui vì sau một năm xa cơ quan nay được trở về với công việc của mình, được gặp lại bạn bè, đồng nghiệp. 5 giờ sáng hôm sau, trời vừa hừng đông, tôi đeo ba lô trên vai lên đường. Các đồng chí địa phương tiễn tôi đi một quãng, lưu luyến chia tay, hẹn gặp nhau sau ngày chiến thắng.

Tổ ảnh quân sự của TTXVN. Ảnh: Tư liệu


Sau bốn ngày cuốc bộ vất vả, tôi về đến cứ của Thông Tấn Xã Giải phóng đóng sâu trong rừng Lò Gò, giáp với Campuchia. Bước vào nhà, thật vui, tôi gặp Xuân Bân cũng vừa từ Bà Rịa về trước tôi vài ngày. Anh em tíu tít chuyện trò. Vui nhất là một năm đi chiến trường gian khổ, ác liệt nhưng tất cả đều bình an. Một lúc lâu, Xuân Bân bảo tôi: Cậu tranh thủ sang báo cáo lãnh đạo B (B73 biên tập tin) và lãnh đạo phòng đi, họ đang mong cậu đấy. Tôi sang chào và báo cáo công việc với các anh. Anh Bảy Khiết và anh Đình Khuyến là những thủ trưởng trực tiếp của tôi khi thấy tôi về rất vui vì có thêm lính. Anh Bảy Khiết trưởng phòng tin Quân sự trao cho tôi chén trà và nheo mắt nói: Dạo này tin tức các địa phương về rất nhiều, anh em lại đi công tác gần hết, chúng tớ phải biên tập, xử lý liên tục, không có cả thời gian nghỉ. Cậu nghỉ hết ngày hôm nay, mai bắt đầu vào việc.

Lúc này, tình hình trên chiến trường rất khẩn trương, diễn biến nhanh từng ngày. Từ sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, các cánh quân của ta đang tiến như vũ bão, liên tục giải phóng các tỉnh, thành từ Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Nha trang, Phan Rang… Tại Thông Tấn Xã Giải phóng (TTXGP), các tổ phóng viên của TTXGP đi theo các cánh quân, các hướng tiến công đều đã lên đường. Ngày hôm sau tôi được biết Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã Đào Tùng cũng đã vào trực tiếp chỉ đạo công tác tin, ảnh. Tại B73, anh em cũng đi công tác gần hết, chỉ còn lại rất ít người: Anh Đức Giáp, Phó Trưởng B đi trong đoàn công tác đặc biệt của TTXGP; anh Hoàng Đình Chiến sang công tác bên Cục Chính trị Miền; anh Bùi Thanh Liêm đi cánh quân hướng tây nam; các anh Lê Doãn Tặng, Vũ Xuân Hoạt đi theo cánh Y.4; anh Đoàn Việt đi theo mặt trận Tây Ninh; các anh: Phùng Đăng Bách đang ở Trà Vinh, Phạm Văn Phú ở Long Châu Hà, Nguyễn Đăng Thục ở Bến tre… Lực lượng biên tập ở nhà chủ yếu là số phóng viên trẻ thuộc lứa GP10 gồm: Tôi ( Phạm Nhật Nam), Vũ Xuân Bân, Đỗ Minh Hưng, Phùng Quang Chính, Trần Bích San… đều vừa các chiến trường về.

Những ngày này, làm biên tập rất bận rộn, khẩn trương, không kể giờ giấc, nhiều đêm phải thức thật khuya, nhưng ai cũng vui mừng, phấn khởi, hào hứng vì những tin từ các mặt trận, các chiến trường về đều là tin vui, tin thắng trận. Trên bàn làm việc của chúng tôi ai cũng có một tấm bản đồ để theo dõi tin chiến sự và đánh dấu vào những tỉnh thành đã giải phóng. Ngoài việc biên tập tin, chúng tôi còn được phân công đọc báo từ Sài Gòn gửi ra để khai thác tình hình viết tin, bài cổ vũ phong trào đấu tranh trong các đô thị miền Nam. Đáng nhớ nhất là chúng tôi còn được phân công thay mặt cho chính quyền cách mạng các địa phương chưa được giải phóng ở Nam Bộ viết lời kêu gọi các tầng lớp nhân dân nhất tề nổi dậy, đập tan bộ máy kềm kẹp của chính quyền sài Gòn, giành chính quyền về tay nhân dân; kêu gọi binh lính chế độ Sài Gòn buông súng về với cách mạng, với nhân dân.

Mỗi buổi sáng hàng ngày chúng tôi dậy rất sớm tập thể dục, sau đó nghe buổi phát thanh thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam để nắm tình hình trong nước, quốc tế, nhất là tin chiến sự. Những ngày này, tin vui liên tiếp báo về. Chúng tôi ai ai cũng trong tâm trạng hồ hởi, mong đợi ngày chiến thắng. Rồi ngày đó cũng đến. Trưa 30/4, khi nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, các cánh quân của ta từ nhiều hướng tiến vào Sài Gòn, niềm vui vỡ òa. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, reo hò. Cả ngày hôm ấy người cứ lâng lâng. Vậy là 30 năm bền bỉ, gan góc chiến đấu, hy sinh, cả dân tộc reo vui ngày toàn thắng. Đất nước thống nhất, non sông liền một dãi.

Làm tin sau ngày giải phóng

Sau ngày Sài Gòn giải phóng chừng một tuần, chúng tôi rời cứ về Sài Gòn. Dọc đường đi không khí và âm hưởng của ngày chiến thắng vẫn còn nguyên vẹn. Cờ Mặt trận tung bay trên khắp các nẻo đường. Trên khuôn mặt mỗi người dân hiện rõ nét hân hoan, rạng rỡ. Ở Sài Gòn chúng tôi được bố trí ở nhà tập thể số 218 đường Phan Đình Phùng (nay đổi tên thàng Nguyễn Đình Chiểu) cao 8 tầng, có thể chứa được nhiều người và có ưu điểm rất gần cơ quan ở số 116 đường Hồng Thập Tự (nay đổi thành Nguyễn Thị Minh Khai), hàng ngày có thể đi bộ đến nơi làm việc. Đến thời điểm này, tất cả phóng viên đi theo các cánh quân và xuống tăng cường cho các phân xã địa phương đều đã trở về cơ quan.

Ngoài ra, còn có một số phóng viên VNTTX chi viện, lực lượng rất hùng hậu. Sau giải phóng, nhiệm vụ, yêu cầu thông tin thay đổi, nên cơ cấu tổ chức cũng có một số thay đổi phù hợp. Ví dụ như tên cơ quan được gọi công khai và đầy đủ là Thông tấn xã Giải phóng, không gọi là B7 nữa. Tương tự như vậy các ban tin, ảnh không gọi là B73 hay B22 nữa. Các ban tin ảnh chuyển thành phòng tin, phòng ảnh. Nói sâu thêm về phòng tin (trong nước), ban phụ trách phòng lúc đầu có các anh: Bảy Hòa, nguyên B trưởng B73, anh Châu Quì từ ban Liên hợp quân sự bốn bên ở trại Đa vít ra. Sau này ban phụ trách phòng bổ sung thêm anh Cao Mì, từ trường báo chí về, anh Lam Thanh từ Tổng xã vào.

Phòng tin lại chia thành nhiều tổ: Anh Đình Khuyến, tổ trưởng tổ tin chính trị - ngoại giao; anh Hoàng Lượng, tổ trưởng tổ tin văn xã; anh Trọng Linh, tổ trưởng tổ tin kinh tế… Mạng lưới các phân xã phía Nam cũng được hình thành trên cơ sở nhân sự tách ra từ tiểu ban Thông tấn - Báo chí các địa phương. Riêng phân xã Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi thống nhất VNTTX và TTXGP, ngày 8/6/1976, Tổng Biên tập TTXVN Đào Tùng ký thành lập, do Phó Tổng Biên tập Đỗ Văn Ba trực tiếp làm Trưởng phân xã. Phòng biên tập Tin và phòng biên tập ảnh hoạt động đến ngày 29/5/1981 thì giải thể để thành lập các đơn vị mới, phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Trong thời gian phòng tin còn tồn tại, chúng tôi có nhiệm vụ biên tập tin các phân xã gửi về, đồng thời viết tin, bài các hoạt động chính trị, ngoại giao, kinh tế xã hội… trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tin bài tổng hợp, các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn các tỉnh phía Nam.

Thế hệ chúng tôi đã đi qua chiến tranh, đã được sống và làm việc trong những ngày hào hùng nhất của dân tộc, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi luôn tự hào về điều đó. 40 năm đã trôi qua, lớp bụi thời gian đã phủ dầy, ký ức có cái nhớ, cái quên. Hơn nữa, lúc đó với vị trí của tôi, không thể có cái nhìn bao quát, chỉ phản ánh ở một góc nhỏ hẹp, nơi tôi từng công tác. Xin ghi lại vài dòng để nhớ về những ngày tháng đẹp nhất của cuộc đời.

Nhật Nam

Kỳ tới: Ký ức ngày đại thắng
Xuống đường! Sài Gòn!
Xuống đường! Sài Gòn!

Một bữa sáng đầu tháng tư, 5 anh em chúng tôi, gồm: Trần Thiêm (phóng viên ảnh), Nguyễn Văn Chức (kỹ thuật điện đài), Đỗ Sĩ Mến, Phạm Trọng Tiệp (báo vụ) và tôi (phóng viên tin), được ban giám đốc triệu tập gấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN