Những đại dịch khiến WHO phải công bố tình trạng khẩn cấp

Ngoài lần công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu mới đây do virus Corona gây ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã từng 4 lần công bố tình trạng này từ năm 2014.

Chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) gây ra đợt bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc từ cuối tháng 12/2019. Thành phố này và nhiều thành phố khác ở Trung Quốc đã bị phong tỏa để kiềm chế dịch lây lan.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiếp nhận bênh nhân viêm đường hô hấp cấp do nhiễm virus Corona tại bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 25/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù WHO tuyên bố dịch bệnh là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp đáng lo ngại ở Trung Quốc, nhưng khi dịch lan nhanh ra nhiều quốc gia khác, WHO đã tuyến bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Tại cuộc họp kín của Ủy ban Khẩn cấp của WHO tại Geneva (Thụy Sĩ) vào rạng sáng 31/1 (theo giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Trước đó, WHO từng hai lần từ chối ban bố PHEIC liên quan đến virus Corona mới. Tính đến sáng 4/2, virus lạ này đã khiến ít nhất 426 người tử vong, chủ yếu ở Trung Quốc.

WHO xây dựng cơ chế PHEIC vào năm 2005. Đây là phương pháp nhằm huy động sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế về tài chính, thuốc men và hoạt động tại những vùng bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. PHEIC lần đầu tiên được áp dụng tháng 4/2009 khi xảy ra dịch cúm lợn (H1N1).

PHEIC từng được áp dụng đối với những quốc gia thu nhập trung bình hoặc thấp như CH Congo, Guinea và Uganda trong hai lần bùng phát dịch bệnh Ebola, Brazil và một số quốc gia Mỹ Latinh khác do virus Zika, bệnh bại liệt ở Syria cùng Afghanistan và cúm A/H1N1 trong năm 2009 ở Mexico.

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (giữa) ban bố Tình trạng Y tế Công cộng Khẩn cấp Toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do chủng virus corona mới (2019nCoV) gây ra. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, chưa từng có tiền lệ về việc áp dụng PHEIC với dịch bệnh đối với quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng khi đưa ra quyết định, WHO đã phải đối mặt với áp lực lớn từ Trung Quốc vì điều này có thể gây tổn hại về kinh tế và uy tín.

Giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu (Thụy Sĩ) – ông Antoine Flahault - nhận định: “Bởi vì tình trạng lây lan virus Corona mới từ người sang người diễn ra cả ở bên ngoài Trung Quốc, do vậy khi được coi là chuỗi truyền bệnh kéo dài, WHO đã quyết định công bố đó là PHEIC. Với mọi tổ chức của Liên hợp quốc, luôn có những cân nhắc và đánh giá về phương diện chính trị khi đưa ra quyết định".

Về phần mình, Trung Quốc có thể không cần hỗ trợ tài chính như những quốc gia từng được ban bố PHEIC trước đây. Tuy nhiên, cảnh báo này cũng là tín hiệu cho thấy căn bệnh này đã vượt ngoài tầm kiểm soát của một quốc gia, trong trường hợp này là Trung Quốc.

Sau đây là các dịch khác khiến WHO công bố PHEIC theo trang pharmaceutical-technology.com

Dịch Ebola năm 2018

Chú thích ảnh
Tiêm phòng vaccine Ebola cho trẻ nhỏ ở Goma, tỉnh Bắc Kivu, CHDC Congo ngày 1/8/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

CHDC Congo ngày 1/8/2018 đã tuyên bố bùng phát bệnh Ebola. Đây là đợt bùng phát Ebola thứ hai trong cùng thập kỷ và là đợt bùng phát Ebola thứ 10 ở nước này.

WHO đã tuyên bố đợt bùng phát Ebola ở CHDC Congo năm 2018 là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Toàn cầu vào ngày 17/7/2019.

Bệnh do virus Ebola gây ra tiếp tục ảnh hưởng tới Congo tới tận năm 2020. Dịch bệnh khiến 3.421 người nhiễm bệnh tính tới tháng ngày 28/1/2020, trong số đó 3.302 ca được xác nhận. Số người chết vì Ebola là 2.123 tính tới ngày 28/1.

Có hai loại thuốc đang được thử nghiệm để trị virus Ebola trong khuôn khổ cuộc thử nghiệm mang tên PALM – một sáng kiến của WHO.

Dịch Zika năm 2016

Chú thích ảnh
Một em bé bị mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika được điều trị tại bệnh viện ở Salvador, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN

Virus Zika đã gây bùng phát dịch bệnh năm 2016. Virus này có nguồn gốc ở Brazil và lan sang các nước châu Mỹ và mọi quốc gia có muỗi vằn aedes (muỗi truyền bệnh sốt vàng da và sốt xuất huyết). Loài muỗi này là loài chủ yếu gây bệnh do virus Zika.

Tháng 2/2016, WHO tuyên bố đợt bùng phát virus Zika là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Toàn cầu khi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Zika có thể gây dị tật thai nhi cũng như các vấn đề thần kinh. Virus có thể truyền từ phụ nữ mang thai sang thai nhi, gây tật đầu nhỏ và các bất thường nghiêm trọng về não.

Nhiều quốc gia ban bố cảnh báo đi lại và đợt bùng phát Zika đã tác động mạnh tới ngành du lịch ở những nước bị ảnh hưởng. Một số quốc gia còn thực hiện biện pháp bất thường là khuyên người dân trì hoãn mang thai cho tới khi hiểu rõ hơn về virus và ảnh hưởng tới quá trình phát triển thai nhi. 

Ca nhiễm bệnh do virus Zika gần đây nhất được ghi nhận ở Pháp tháng 10/2019. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ cho biết có trên 2.300 ca nhiễm Zika trong nửa đầu năm 2016. Hiện chưa có vaccine phòng virus Zika.

Bệnh bại liệt năm 2014

Chú thích ảnh
Trẻ em uống vaccine phòng bại liệt năm 2014 ở Pakistan. Ảnh: Getty Images

Mặc dù toàn cầu nỗ lực loại bỏ virus gây bệnh bại liệt nhưng virus này vẫn gây nguy cơ cho một số nước châu Phi.

Lần gần đây nhất mà WHO tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Toàn cầu với dịch bại liệt là vào ngày 5/5/2014 do có trên 400 ca nhiễm virus bại liệt năm 2013 khi dịch lây lan ra nhiều nước.

Tại thời điểm đó, Pakistan, Cameroon và Syria bị coi là các nước có nguy cơ làm lây lan virus ra nhiều nơi.

Philippines xảy ra đợt bùng phát bệnh bại liệt gần đây nhất vào tháng 9/2019. Virus bại liệt nhiều loại cũng xuất hiện tại một số nước trong năm 2019 như Cameroon, Iran, Indonesia, Papua New Guinea, Mozambique và Congo.

Dịch Ebola năm 2014

Chú thích ảnh
Dịch Ebola năm 2014 lớn nhất lịch sử. Ảnh: NCB News

Ngày 8/8/2014, WHO cũng phải công bố Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Toàn cầu vì dịch Ebola. Đợt bùng phát dịch này bắt đầu từ một làng nhỏ ở Đông Nam Guinea, Tây Phi – nơi có ca bệnh đầu tiên được xác định vào tháng 12/2013. Virus Ebola lan ra nhiều khu vực trên thế giới, trở thành đại dịch toàn cầu chỉ trong vòng vài tuần.

Đợt bùng phát Ebola này chấm dứt năm 2016 với 28.639 ca bị nghi ngờ nhiễm, có thể nhiễm hoặc xác nhận nhiễm và 11.316 ca tử vong. Đây là đợt bùng phát Ebola lớn nhất trong lịch sử.
Đại dịch khiến ba nước châu Phi là Guinea, Liberia và Sierra Leone thiệt hại 2,2 tỷ USD.

Thùy Dương/Báo Tin tức
80 ca nghi nhiễm virus corona tại Philippines 
80 ca nghi nhiễm virus corona tại Philippines 

Bộ Y tế Philippines cho biết tính đến ngày 3/2 ở nước này có 80 trường hợp được theo dõi do nhiễm chủng mới của virus Corona (2019-nCov). 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN