50 năm đã trôi qua kể từ khi nhà văn Mỹ Ernest Hemingway qua đời, song vẫn còn đó những bí ẩn liên quan đến cái chết của tác giả của một loạt truyện ngắn và tiểu thuyết nổi tiếng như “Giã từ vũ khí”, “Chuông nguyện hồn ai” hay “Ông già và Biển cả” vẫn chưa có lời giải.
Nhà văn Mỹ Ernest Hemingway. |
Những tập tài liệu mật vừa được tiết lộ cho thấy có nhiều điều bí ẩn trong mối quan hệ giữa nhà văn với Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và đây có thể được xem là một mắt xích quan trọng giữa cơ quan này với cái chết được cho là tự sát của Hemingway. Những người từng có trong tay bộ hồ sơ của FBI về Ernest Hemingway đều khẳng định rằng trong số 124 trang tài liệu, có tới 15 trang bị kiểm duyệt bôi đen và được liệt kê vào loại đặc biệt quan tâm đối với quốc phòng. Trong số còn lại có 40 trang cũng bị tẩy xóa bôi đen, trừ những thư từ thăm hỏi và chữ ký, và một số trang không thể đọc nổi. Giữa những trang có thể đọc được và những trang bị tẩy xóa, người ta có thể xác định tài liệu cập nhật thông tin về Hemingway từ năm 1942 - khi Chiến tranh thế giới thứ hai đang trong giai đoạn ác liệt - đến năm 1974, gần 15 năm sau khi nhà văn qua đời.
Sự hiện diện của 15 trang bị kiểm duyệt và 40 trang bị tẩy xóa, cũng như một số trang khác trong đó hầu như không hề đề cập gì đến thời gian Hemingway đang theo dõi các tầu ngầm Đức hoạt động ngoài khơi Cuba, và sau cùng là việc nhà văn trở thành mục tiêu của các cuộc điều tra của FBI, kể cả sau khi ông qua đời, đã phần nào nói lên mối liên quan đầy nghi vấn giữa FBI với cái chết của ông. Các trang tài liệu còn đọc được xác nhận Hemingway, người từng chỉ trích mạnh mẽ FBI vào những năm xảy ra cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, đã quyết định hợp tác với tổ chức mà chính ông gọi là “Cơ quan Gestapo Hoa Kỳ” từ tháng 9/1942 (thời điểm ông đang định cư ở Cuba), với hai nhiệm vụ chính là thông tin về các hoạt động của những thành viên thuộc tổ chức Falange của Tây Ban Nha, về nơi ẩn náu của các phần tử thân phát xít tại Cuba, và đặc biệt truy tìm dấu vết các tầu ngầm Đức để phát hiện từ đâu và ai cung cấp nguồn nhiên liệu cho chúng tiếp tục hoạt động trong vùng biển Caribê.
Tháng 5/1960 (có tài liệu nói là tháng 11), Hemingway phải vào điều trị chứng rối loạn thần kinh tại Viện điều dưỡng “Los Hermanos Mayo” theo lời khuyên của một bác sĩ tâm thần người Mỹ. Trước đó, bạn bè cũng khuyên ông nên tìm gặp một bác sĩ thần kinh, do thường xuyên thấy Hemingway than vãn là bọn “feds” (đặc vụ FBI) đang theo dõi ông. Chứng hoang tưởng sợ mình bị theo dõi càng trầm trọng thêm trong dịp Hemingway trở lại thăm Tây Ban Nha vào năm 1959, và sau khi trở về, các bác sĩ buộc Hemingway phải điều trị bằng liệu pháp sốc điện từ 15 đến 25 lần. Liệu pháp sốc điện này chỉ áp dụng đối với những bệnh nhân vô phương cứu chữa; và chính nó đã hủy hoại toàn bộ khả năng văn chương của Hemingway. Một vài ngày sau khi ra viện, Hemingway, trong một cơn tuyệt vọng, đã tự sát ngày 2/7/1961 tại tư trang của ông ở Idaho. Tuy nhiên, đối với những ai quan tâm nghiên cứu về Hemingway, cái chết của con người từng đoạt Giải Nôben về Văn học năm 1954 vẫn còn là một dấu hỏi, khi người ta nhớ lại lời khẳng định của bà Mary Welsh - người vợ thứ tư của Hemingway và cũng là người duy nhất có mặt bên ông tại điền trang Idaho những giây phút cuối đời - là chồng bà không tự vẫn.
Những tài liệu được tiết lộ vào năm 1984 đã xác nhận thực tế Hemingway đã bị các nhân viên đặc vụ của FBI theo dõi và giám sát trong một thời gian dài theo lệnh của Edgar Hoover, người nhiều năm trước đó từng liệt Hemingway vào loại “Kẻ thù số 1”. Phải có lý do nào đó mới khiến FBI dành cho nhà văn một sự quan tâm “đặc biệt” đến thế?
Vào những năm 1950, FBI được biết Hemingway đang có ý định viết một cuốn sách về FBI. Các tài liệu mật đã tiết lộ mối lo ngại, đặc biệt là từ Hoover rằng cuốn sách có thể làm hại uy tín của FBI và chính bản thân Giám đốc. Có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết được liệu Hemingway đã bắt tay vào viết cuốn sách ấy chưa. Song, điều có thể khẳng định là tại điền trang Finca Vigia ở La Habana, nơi Hemingway đã sống trong suốt 20 năm, từng có khá nhiều tài liệu và giấy tờ quan trọng của nhà văn sau khi ông qua đời. Vài tháng sau khi Hemingway mất, bà quả phụ Mary Welsh đã bay sang La Habana để tìm lại những bức tranh có giá trị và giấy tờ quan trọng để mang về Mỹ. Còn bao nhiêu thứ giấy tờ, tài liệu khác, bà đã ném hết vào đống lửa trong khuôn viên Finca Vigia. Mary Welsh đã đốt đi những tài liệu gì? Chỉ có mình bà ấy biết. Rất có thể trong đống thứ giấy lộn đã biến thành tro bụi đó, có những lời giải đáp xác thực về mối liên quan giữa FBI và cái chết còn đang gây tranh cãi của nhà văn Hemingway.
Hà Thu Hoạch (P/v TTXVN tại Cuba)