Nhà báo Dương Đức Quảng xem lại những di vật của các liệt sĩ TTXVN hy sinh tại Hòn Tàu năm 1972, trong Bảo tàng Đà Nẵng. |
Không có mảnh đất nào trên đất nước này và cả ở trên đất bạn Campuchia và Lào lại không có máu của cán bộ, phóng viên TTXVN đổ xuống. Và có lẽ không có cơ quan báo chí nào như TTXVN lại lập bàn thờ và có bảng ghi tên các liệt sĩ của cơ quan ngay trong nhà làm việc của Trụ sở chính để anh em, bạn bè và gia đình các liệt sỹ có dịp đến thăm cơ quan được dâng nén hương thơm tưởng nhớ các anh chị đã hy sinh! Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1966, tôi cùng một số anh chị được điều động về Việt Nam Thông tấn xã, nay là Thông tấn xã Việt Nam.
Tôi công tác tại TTXVN liên tục từ 1966 đến 1993 được điều động lên Văn phòng Chính phủ làm việc cho đến khi nghỉ hưu. Trong suốt 27 năm làm phóng viên rồi trưởng thành từ Trưởng Phân xã TTXVN Phú Khánh, Phó Trưởng Tiểu ban Công thương, Trưởng Tiểu ban Nội chính rồi Phó Trưởng Ban Tin Trong nước, Phó Tổng Biên tập báo Tuần Tin Tức và cả sau này, khi không còn công tác ở TTXVN, tôi luôn gắn bó với công việc của một nhà báo và gắn bó với TTXVN và những người bạn, người anh mà tôi luôn quý mến ở cơ quan cũ, nhất là với các đồng chí, đồng nghiệp cùng cơ quan đã hy sinh, không còn có mặt với chúng ta trong ngày kỷ niệm 72 năm thành lập TTXVN năm nay.
Tôi có 8 năm làm phóng viên thường trú của TTXVN tại các chiến trường, trong đó có 4 năm làm phóng viên thường trú tại Quảng Bình, Vĩnh Linh trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc Việt Nam và 4 năm là phóng viên thường trú tại chiến trường Quảng Đà và Quảng Ngãi. Trong những năm đó tôi đã biết, đã gặp, đã cùng ăn, cùng ở, cùng sống chết với nhiều người anh, người bạn đã hy sinh. Ở Phân xã Quảng Bình những ngày chống Mỹ ấy, ngoài anh Nguyễn Đình Thuyên, Trưởng Phân xã trước khi tôi vào bị thương còn có hai anh Lê Duy Quế, Nguyễn Đình Ân điện báo viên hy sinh.
Sau này có thêm Phạm Vũ Bình, kỹ thuật viên ảnh, người em tôi rất quý mến khi cùng công tác tại Phân xã Quảng Bình, được điều động đi chiến trường miền Nam đã hy sinh tại Thừa Thiên Huế. Năm 1971, khi tôi được điều động vào chiến trường Quảng Đà thì Phân xã Thông tấn xã Giải phóng tại đây đã mấy lần bị xóa sổ, thay quân, lần gần nhất là anh Đinh Trọng Quyền, Trưởng Phân xã bị thương nặng, mất một chân, anh em còn lại trở ra Bắc.
Khi tôi vào, tỉnh điều động anh Hoàng Quốc Thăng, điện báo viên của Ban Tuyên huấn Đặc khu Quảng Đà, anh Nguyễn Văn Hy, chụp ảnh, anh Võ Công Thu, điện báo viên, cả hai là người địa phương, bổ sung cho Tổ phóng viên TTXGP Quảng Đà do tôi phụ trách. Anh Nguyễn Văn Hy sau này hy sinh trong một chuyến xuống đồng bằng công tác, còn hai anh Hoàng Quốc Thăng, Võ Công Thu cùng ba anh khác của Ban Tuyên huấn Quảng Đà đã hy sinh trong một trận ném bom của Mỹ vào đúng nơi đóng quân của Ban.
Hôm ấy là ngày 19/5/1972, trong một hang đá trên núi Hòn Tàu, thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, nơi đặt điện đài đồng thời là chỗ ở của Tổ phóng viên TTXGP Quảng Đà mấy anh em chúng tôi tổ chức một bữa “liên hoan” nho nhỏ, chỉ là vài nắm mì chay với một chút cà phê loãng, để tiễn tôi xuống đồng bằng tham gia chiến dịch và tiễn anh Hoàng Quốc Thăng ra Bắc chữa bệnh. Anh Thăng vào chiến trường từ năm 1964, bị ốm đau, bệnh tật, sức khỏe kém, đang chờ ngày lên đường trở về hậu phương. Gần nửa đêm, trước khi chia tay để tôi theo giao liên xuống đồng bằng, anh Thăng ôm chặt tôi dặn dò: - Chỉ còn vài ba ngày nữa tôi sẽ được ra Bắc. Ra đến Hà Nội thế nào tôi cũng đến thăm gia đình anh, chuyển quà của anh tới ông cụ. Còn anh, xuống dưới đó nhớ cẩn thận và giữ gìn để sớm về với anh em...
Món quà mà anh Thăng nói sẽ chuyển ngay tới bố tôi khi ra Hà Nội là một tấm vải dù của Mỹ tôi được một chiến sĩ Quân giải phóng tặng sau một đợt tham gia chiến dịch, nay tôi nhờ anh Thăng mang ra Bắc tặng bố tôi, kèm theo bức thư tôi viết, báo tin tôi vẫn còn sống, khỏe mạnh để gia đình yên tâm. Tôi cũng hiểu ý anh Thăng dặn dò phải cẩn thận và giữ gìn, vì trong những năm trước đó, mỗi năm thường có một, hai nhà báo hy sinh trên mảnh đất này, còn từ đầu năm đến giữa tháng 5/1972 chưa có nhà báo nào hy sinh! Xuống đồng bằng, bám theo du kích vào sát thị trấn Ái Nghĩa huyện Đại Lộc được hai ngày, đêm 21/5/1972 và mấy đêm sau đó tôi nhìn lên núi Hòn Tàu thấy máy bay B.52 của Mỹ liên tục rải bom xuống khu vực chúng tôi ở. Tôi cứ thấy cồn cào ruột gan, lòng như lửa đốt.
Gặp một cô giao liên từ trên núi xuống hỏi thăm, tôi đau đớn biết tin bom B.52 đã đánh trúng căn cứ tiền phương của Ban Tuyên huấn Quảng Đà, 10 đồng chí hy sinh, 6 đồng chí khác bị thương. Hết đợt công tác trở về, tôi bàng hoàng đứng trước hang đá, gồm hàng chục tảng đá, mỗi tảng nặng hàng chục tấn xếp chồng lên nhau, rất chắc, là chỗ để điện đài đồng thời là chỗ ở của mấy anh em TTXGP chúng tôi, đã bị bom đánh sập, không còn nhận ra đâu là hang đá cũ. Một quả bom tấn đã rơi trúng nóc hang, ngoài anh Thăng, anh Thu có thêm ba anh nữa trong hang đã bị tảng đá nặng hàng chục tấn vỡ ra, đổ xuống, hy sinh, không kể còn 5 đồng chí trong các căn hầm khác cũng hy sinh.
Những anh chị em còn sống sót nói với tôi, sau trận bom đó, đứng trước hang đá, nơi đặt điện đài của TTXGP Quảng Đà các anh, các chị còn nhìn thấy một cái chân của một đồng chí hy sinh vì bị tảng đá nặng hàng chục tấn đè xuống mà không làm sao có thể bẩy tảng đá ra để lấy thi thể của đồng chí mình. Anh em đành phải lấy thêm đất đắp vào cho ngôi mộ chung của 5 người. Tôi nhờ anh Thăng mang tấm vải dù ra Bắc tặng bố tôi, anh Thăng lo tôi hy sinh thì tôi vẫn còn sống, còn anh Thăng đã mất, mãi mãi tôi không còn được gặp lại anh! Sau năm 1975, mỗi người mỗi ngả, mỗi số phận khác nhau.
Nhưng các đồng chí, đồng đội cũ ở Ban Tuyên huấn Quảng Đà khi xưa vẫn canh cánh trong lòng vì 10 đồng chí của mình hy sinh trên núi Hòn Tàu vẫn chưa đưa về được với gia đình, quê hương, đồng chí. Các anh, các chị, nhiều người đã cao tuổi, nhiều lần trở lại chiến trường tìm đồng đội. Tuy nhiên do thời gian lùi xa, mọi vật thay đổi, việc xác định vị trí các liệt sĩ hy sinh vẫn là một điều nan giải. Suốt mấy chục năm, công việc tìm kiếm vẫn được các đồng chí trong Ban liên lạc Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà miệt mài với quyết tâm chừng nào tìm thấy các liệt sĩ mới yên lòng.
Sau gần chục lần thăm dò, khảo sát, tìm kiếm, cuối cùng nơi nằm lại của các liệt sĩ đã được tìm thấy. Hài cốt của 5 đồng chí: Nguyễn Thị Hồng, Lê Thị Toán, Lê Văn Phô, Võ Văn Ấn và Nguyễn Đức Tân được các đồng đội ở Ban Tuyên huấn Quảng Đà năm xưa chôn tại một vạt núi gần căn cứ đã được gia đình đón về. Còn 5 đồng chí hy sinh trong chiếc hang đá bị những khối đá lớn hàng chục tấn đè lên, vẫn không thể cất bốc được; đồng chí, đồng nghiệp đành dựng một tấm bia tại nơi đây để tưởng niệm các anh.