Lịch sử 3 lần Thế vận hội bị hủy

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 24/3 thông báo Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ được hoãn lại 1 năm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nhưng đây không phải lần đầu tiên một kỳ Olympic gặp phải trục trặc tương tự.

Chú thích ảnh
Sau nhiều tuần cân nhắc, Nhật Bản và IOC đã nhất trí hoãn tổ chức Thế vận hội Mùa Hè Tokyo 2020 sang mùa Hè năm 2021. Ảnh: Reuters

Những lo ngại về dịch COVID-19 đã dẫn đến quyết định hủy hoặc hoãn nhiều sự kiện thể thao quan trọng như Giải vô địch thế giới Hockey trên băng 2020 ở Zurich, Thụy Sĩ, World Cup Đua ngựa tại Dubai... Và giờ đây Thế vận hội Mùa Hè Tokyo cũng nằm trong danh sách đó.

Theo thỏa thuận đạt được giữa nước chủ nhà Nhật Bản và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) ngày 24/3, Olympic Games 2020 sẽ được hoãn lại 1 năm, sang mùa Hè 2021. Ước tính 10.000 vận động viên đã được lên kế hoạch diễu hành vào sân vận động quốc gia ở Tokyo trong lễ khai mạc Olympic Mùa Hè và 600.000 du khách nước ngoài sẽ tới Tokyo nhân sự kiện này. 

Hủy hoặc hoãn một kỳ Thế vận hội chưa bao giờ là một quyết định dễ dàng. Cú sốc tài chính từ một quyết định như vậy với Nhật Bản là rất lớn. Theo tạp chí Time, quốc gia này đã đầu tư ít nhất 12,6 tỉ USD cho Olympic 2020, và theo một số ước tính, việc hủy sự kiện sẽ làm giảm 1,4% tăng trưởng GDP năm của Nhật Bản.

Nhưng hoãn Olympic không phải là một cú sốc với người dân Nhật Bản. Một khảo sát công bố thứ Hai tuần trước cho thấy khoảng 70% dân số nước này không trông đợi Olympic sẽ diễn ra như kế hoạch tại Tokyo vào mùa Hè này, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Chú thích ảnh
Người Nhật biểu tình phản đối tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020. Ảnh: Reuters

Đó thực sự là một quyết định hiếm hoi: Kể từ khi các kỳ Đại hội Olympic hiện đại được tổ chức vào năm 1896 đến nay, mới chỉ có 3 kỳ bị hủy bỏ, và cả ba đều do chiến tranh. 

Dưới đây là những kỳ Olympic chưa từng diễn ra theo kế hoạch.

Olympics Mùa Hè 1916

Những năm trước Thế vận hội Mùa hè 1916, Thủ đô Berlin của Đế quốc Phổ đã vượt qua các ứng cử viên Alexandria (Ai Cập), Amsterdam (Hà Lan), Brussels (Bỉ), Budapest (Roumani) và Cleveland (Mỹ) để giành quyền đăng cai Thế vận hội. Từ năm 1913, người Đức đã xây dựng Sân vận động Đức (Deutsches Stadion), có sức chứa chính thức 30.000 người để phục vụ sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.

Nhưng Thế vận hội Berlin đã bị hủy bỏ do Chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ vào tháng 7/1914. Ban đầu, ban tổ chức cho rằng cuộc chiến sẽ kết thúc vào dịp Giáng sinh, tuy nhiên một thỏa thuận đình chiến đã không đạt được cho đến tận tháng 11/1918.

Vài thập niên sau đó, Sân vận động Đức bị đánh sập để nhường chỗ cho Sân vận động Olympic, phục vụ Thế vận hội Mùa hè 1936, khi Berlin lại có cơ hội đăng cai một lần nữa. 

Olympic Berlin 1936 được tổ chức với 5.000 vận động viên từ 51 quốc gia thi đấu trước sự theo dõi của 10.000 khán giả. Tuy nhiên, kỳ Thế vận hội này đã diễn ra với những vết đen dưới thời Adolf Hitler nắm quyền, như việc chính quyền Đức quốc xã chỉ cho phép các vận động viên chủng tộc Aryan tranh tài, bắt giam hàng loạt người Di-gan…

Chú thích ảnh
Sân vận động Đức ở Berlin đã bỏ lỡ những cuộc tranh tài của Thế vận hội 1916.

Olympic năm 1940 và 1944

Hai thành phố Tokyo và Sapporo, Nhật Bản, ban đầu nhận vinh dự tổ chức Olympic Mùa Hè năm 1940, sau khi giành chiến thắng trong cuộc chạy đua đăng cai vào năm 1936, trở thành những thành phố không thuộc phương Tây đầu tiên được chọn là chủ nhà của một kỳ Thế vận hội.

Nhưng sau khi chiến tranh nổ ra giữa Nhật Bản và Trung Quốc vào tháng 7/1937, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định từ bỏ quyền tổ chức Thế vận hội, tuyên bố rằng chiến tranh đòi hỏi phải “tổng động viên cả vật chất và tinh thần của nước Nhật”.

Các thành phố đăng cai mới đã được chọn thay thế: Helsinki, Phần Lan, sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa Hè và Garmisch-Partenkirchen của Đức sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa Đông 1940.

Tuy vậy, Thế chiến thứ hai đã bùng nổ sau khi Đức Quốc xã xâm chiếm Ba Lan vào tháng 9/1939, khiến hai sự kiện thể thao này bị hủy bỏ hoàn toàn. 

Chú thích ảnh
Khán giả cổ vũ tại Thế vận hội London 1948, sau 12 năm gián đoạn. 

Kết cục tương tự cũng xảy ra với Thế vận hội Mùa Hè 1944 ở London và Thế vận hội Mùa Đông cùng năm ở Cortina dỉAmpezzo, Italy.

Cuối cùng, Helsinki được giao tổ chức "bù" vào Thế vận hội Mùa hè 1952, Tokyo tổ chức Thế vận hội Mùa Hè 1964 và thành phố Sapporo, Nhật Bản đăng cai Thế vận hội Mùa đông năm 1972.

Sau 12 năm gián đoạn các kỳ Thế vận hội, Thủ đô London của Anh đã tiếp tục tổ chức Thế vận hội Mùa Hè 1948 trong điều kiện thực sự khó khăn thời hậu Thế chiến. Khi đó chế độ lương thực vẫn được phân phối theo khẩu phần, các làng vận động viên được bố trí trong doanh trại quân đội, trường học và nhà trọ. Tuy nhiên, một con số kỷ lục đến thời điểm đó là 59 quốc gia đã cử 4.000 vận động viên tham dự.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Hoãn Olympic Tokyo - Lựa chọn khó khăn nhưng cần thiết
Hoãn Olympic Tokyo - Lựa chọn khó khăn nhưng cần thiết

Tối 24/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo ông đã nhất trí với Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach về việc lùi thời gian tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN