Những nút rối vô tận về những viên đạn, đường đạn, những vết thương, trình tự thời gian và những lời khai không phù hợp đã phủ bóng đen lên vụ ám sát và cái chết của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy ngày 22/11/1963. Dư luận không ngừng đặt câu hỏi nghi vấn và chưa bao giờ có một câu trả lời thỏa mãn. Tuy nhiên, nhân vật trung tâm trong vụ ám sát lại không phải là Kennedy mà chính là Lee Harvey Oswald – kẻ đã giết chết Tổng thống.
Kỳ 1: Lee Harvey Oswald là ai?
Lee Harvey Oswald ra đời tại thành phố New Orleans thuộc bang Louisiana (Mỹ) vào ngày 18/10/1939. Oswald không có được tuổi thơ êm đềm như các bạn đồng trang lứa vì chỉ 2 tháng sau khi Oswald lọt lòng mẹ, cha Oswald đã lâm bệnh nặng rồi qua đời. Thủa ấu thơ, cuộc sống của Oswald rất chật vật và buồn tẻ do thiếu người cha làm trụ cột trong gia đình.
Lên 3 tuổi, Oswald được mẹ là bà Marguerite Oswald gửi vào sống ở nhà trẻ Bethleham. Chỉ cho đến khi mẹ lập gia đình lần thứ hai với người chồng mới tên là Edwin Ekdahl, Oswald mới chuyển đến sống cùng với mẹ ở Benbrook, bang Texas. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân lần hai này cũng không mấy hạnh phúc. Một thời gian sau đó, bà Marguerite Oswald dẫn 3 người con trai của mình đến sống tại một ngôi nhà mới ở Fort Worth. Sau khi hai người anh cả là John và Robert tìm được việc làm để có thể tự nuôi thân, năm 1952, bà Marguerite lại đưa Lee Harvey Oswald đến sống ở New York.
Hồi nhỏ, Oswald được xem là cậu bé thông minh nhưng lại có những hành vi kỳ quặc ở trường học. Oswald không hay nói chuyện với bạn bè và đôi khi trầm buồn, ưu tư. Nhà trường đã gửi Oswald đến một trung tâm điều trị tâm lý với hy vọng cậu bé sẽ trở nên hoạt bát và yêu đời hơn.
Năm 1955, Oswald tham gia vào lực lượng tuần tra Hàng không dân dụng, làm việc dưới quyền của David Ferrie. Không lâu sau, Oswald bắt đầu thể hiện sở thích bàn luận chuyện chính trị. Oswald tham gia sinh hoạt xã hội và được kết nạp vào Liên đoàn Xã hội Thanh niên.
Tháng 10/1959, sau hai năm làm người điều khiển hệ thống rađa, Oswald rời khỏi Thủy quân lục chiến Mỹ. Là một công dân Mỹ nhưng Oswald không chỉ công khai từ bỏ gốc gác Mỹ mà còn công khai tuyên bố ý định chuyển giao cho phía Nga các bí mật quân sự mà hắn đã nắm được trong thời gian làm việc cho lực lượng Thủy quân lục chiến, đồng thời nhấn mạnh rằng mhững tài liệu này là mối quan tâm đặc biệt của người Nga.
Oswald cùng vợ và con gái. |
Kể từ khi tiếp xúc với các bí mật quân sự như máy bay gián điệp U-2 và hệ thống nhận dạng rađa, và cũng kể từ khi Oswald tổng hợp thông tin tình báo trong thời gian đang tại ngũ, hắn ta tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm trong nghề gián điệp. Thực ra, những tài liệu quân sự bí mật mà Oswald nắm trong tay chính là những thương vụ dàn xếp bí mật giữa hắn với những người có chức vụ trong lực lượng hải quân Mỹ. Những thương vụ đó cho đến ngày nay vẫn là dấu hỏi khó trả lời. Những ai trong Hải quân Mỹ đã phản bội tổ quốc khi bắt tay hợp tác với Oswald?
Ngoài hoạt động gián điệp cho Nga, Oswald cũng nằm trong tầm ngắm giữa hai cường quốc công nghệ quốc phòng lớn nhất thế giới thời đó. Sau khi “bán đứng” nước Mỹ, cuộc sống của Oswald hoàn toàn lệ thuộc nguồn chu cấp tiền bạc và sự bảo vệ của Liên Xô.
Trước khi ẩn sâu vào lục địa Liên Xô trong vòng một năm để hoạt động, Oswald đã viết một lá thư dài bày tỏ tất cả mục tiêu hoạt động chính trị của mình gửi cho người anh trai tại Mỹ. Trong thư, Oswald đã nói với anh trai rằng hắn đã sẵn sàng thực hiện một hành động mưu sát vì những nguyên nhân chính trị, Oswald viết: “Em muốn anh hiểu về những gì mà em đang nói lúc này, em không cần những lời hoa mỹ, không cần nhẹ nhàng, hay vô tình vì em từng được rèn luyện trong quân ngũ.... Trong trường hợp có chiến tranh xảy ra, em thề sẽ giết bất kỳ người Mỹ nào mặc quân phục phòng vệ của chính phủ Mỹ”. Chưa hết, Oswald còn nhấn mạnh thêm: “Em không tha cho bất kỳ người Mỹ nào”. Mặc dù kể từ khi công khai phản bội Mỹ, các lá thư của Oswald gửi về quê hương luôn bị Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) chặn lại. Thế nhưng, ngay cả người Mỹ cũng không rõ những mối nguy hiểm tiềm tàng ẩn chứa bên trong những lá thư đó.
Tháng 1/1960, Oswald được phái tới Minsk. Tại đây, hắn làm nhân viên lắp ráp tại đài phát thanh truyền hình địa phương. Trong thời gian làm việc tại Minsk, Oswald tình cờ gặp gỡ Marina Prusakova, một cô gái Nga 19 tuổi, khi đó làm công nhân dược. Tháng 4/1960, hai người làm đám cưới. Do công việc phải đi lại nhiều mà đồng lương kiếm được cũng không nhiều, Oswald bắt đầu cảm thấy thất vọng với cuộc sống ở Liên Xô. Tháng 6/1962, Oswald đem vợ và con gái nhỏ từ Liên Xô trở về Mỹ (nhờ sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao Liên Xô với mong muốn rằng người Mỹ có thể mở lòng khoan hồng đối với một người đào ngũ). Lúc đầu, gia đình nhỏ của Oswald định cư tại Fort Worth rồi mới chuyển nhà đến sống ở Dallas và New Orleans.
Thanh Hải
Đón đọc kỳ 2: Vụ ám sát đầu tiên bất thành