Kon Tum - vùng đất lửa hồi sinh

Ngày 16/3/1975, thị xã Kon Tum - sào huyệt trung tâm, hang ổ ẩn trú cuối cùng của địch trong tỉnh Kon Tum đã bị quân và dân ta quét sạch. Chiến thắng này đã đập tan sào huyệt cuối cùng của Mỹ-ngụy ở Kon Tum, giải phóng toàn tỉnh. 40 năm trôi qua, chiến thắng lịch sử của ngày 16/3 mãi khắc sâu vào tâm khảm của lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Kon Tum - một sự kiện đáng nhớ, một dấu ấn khó quên.

Vùng đất lửa hồi sinh

Sau giải phóng, Kon Tum gặp không ít khó khăn. Cơ sở hạ tầng đổ nát, hoang tàn sau chiến tranh, lại không có những điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu…Vì vậy, hơn lúc nào hết, vấn đề khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế đã được tỉnh khẩn trương triển khai.

Để thực hiện vấn đề này, bên cạnh việc cứu đói, ổn định đời sống nhân dân, tỉnh đã đặc biệt chú trọng công tác định canh, định cư khai hoang, đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là khai hoang mở rộng diện tích lúa nước hai vụ. Đến tháng 10/1975, tỉnh đã khai hoang được 736,3 ha, phục hoá được 471 ha, tổng diện tích đất gieo trồng của tỉnh là 14.661 ha; từ 806 con trâu (năm 1974) tăng lên 3.114 con (năm 1975).

Theo thời gian, một trong những điều kỳ diệu mà người dân Kon Tum làm được là hồi sinh những vùng đất chết vì chất độc hóa học và bom đạn chiến tranh. Màu xanh của rừng nguyên liệu giấy, của hàng chục nghìn héc-ta cao su, cà phê, lúa nước đã phủ kín những địa danh khói lửa, như dãy Sạc ly, Đắc Tô - Tân Cảnh, điểm cao 601…

Thành phố Kon Tum đang trong quá trình đầu tư để trở thành đô thị loại II. Ảnh: Dương Giang - TTXVN


Bên cạnh đó, hoạt động thương nghiệp, giao thông vận tải, bước đầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đi lại của nhân dân. Hệ thống giáo dục của tỉnh cũng dần dần được phục hồi và ổn định; hệ thống các cơ sở y tế được khôi phục để chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Cuối năm 1975, Kon Tum và Gia Lai sáp nhập lại thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Đảng bộ và nhân dân tỉnh tiếp tục khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh và đạt được những kết quả tích cực bước đầu: khắc phục một bước quan trọng về lương thực-thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; bước đầu ổn định đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Bước chuyển mình mạnh mẽ

Ngày 12/8/1991, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết giải thể tỉnh Gia Lai-Kon Tum và thành lập lại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Việc thành lập lại tỉnh Kon Tum xuất phát từ yêu cầu phát triển chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới, xu thế và điều kiện phát triển của khu vực Tây Nguyên và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Với tinh thần tự lực, tự cường, cần cù sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tranh thủ sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương, xây dựng tỉnh phát triển theo bước đi chung của cả nước.

Sự vươn lên mạnh mẽ của Kon Tum thật sự ấn tượng, qua những con số cụ thể trên từng lĩnh vực mà tỉnh đã đạt được kể từ khi thành lập lại tỉnh đến nay.

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm luôn duy trì ở mức cao, năm sau cao hơn năm trước: Tăng trưởng GDP giai đoạn 1992-1995 đạt 9,15%/năm; giai đoạn 1996-2000 đạt 9,85%/năm; giai đoạn 2001-2005 đạt 11%/năm; giai đoạn 2005-2010 đạt 14,51%/năm. Riêng năm 2014 tăng trưởng GDP đạt 12,78%.

Tổng thu ngân sách nhà nước tại địa bàn tăng nhanh. Những năm đầu tách tỉnh, tổng thu ngân sách trên địa bàn trên dưới 10 tỷ đồng thì đến năm 2005 đạt gần 270 tỷ đồng và năm 2014 đạt hơn 2000 tỷ đồng.

Để đạt được những con số “biết nói”, như trên, trong từng lĩnh vực sản xuất, các cấp, các ngành của tỉnh đã có những giải pháp, quyết sách, chủ trương phù hợp. Đó là đối với nông nghiệp có sự đầu tư phát triển nhanh theo hướng sản xuất hàng hoá. Ngoài các loại cây- con truyền thống, các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê đã được chú trọng phát triển và đem lại nguồn lợi kinh tế nông nghiệp cao. Kon Tum hiện là tỉnh có diện tích rừng khá lớn, rừng và đất rừng là một trong những thế mạnh của tỉnh.

Đua thuyền độc mộc truyền thống trên dòng sông Đăk Bla, Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN


Về công nghiệp, khi mới tách tỉnh, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành công nghiệp của tỉnh hết sức nghèo nàn, lạc hậu. Từ chỗ không có một nhà đầu tư nào thì giờ đây, các khu công nghiệp Hòa Bình, Sao Mai... đang dần được "lấp đầy". Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y nơi ngã ba Đông Dương đang đêm ngày hối hả mời gọi đầu tư, trở thành nơi khởi đầu, đột phá phát triển kinh tế Kon Tum.

Về du lịch, Kon Tum đã biết khai thác thế mạnh của tỉnh là nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên mang nét nguyên sơ, các khu rừng nguyên sinh, di tích đường mòn Hồ Chí Minh, di tích lịch sử chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh, ngục Kon Tum, ngục Đắk Glei,…các làng văn hoá truyền thống bản địa tạo thành các cung, tuyến du lịch sinh thái - nhân văn.


Không chỉ đầu tư phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng được tỉnh Kon Tum chú trọng. Ngành giáo dục của tỉnh không ngừng phát triển với những thành tích đáng ghi nhận. Đó là năm 1991 tỷ lệ mù chữ trong độ tuổi 15 - 25 là 46,6%, thì đến năm 2004 tỷ lệ này đã giảm xuống còn 6,3%. Năm 2000, tỉnh được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ; năm 2010 được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục Trung học cơ sở.

Công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và hoàn thiện. Tỉnh Kon Tum có 9 bệnh viện, 13 phòng khám đa khoa khu vực, 97 trạm y tế phường xã… Đến nay, số xã, phường, thị trấn có bác sỹ công tác tại trạm y tế chiếm 91,2%; có 20 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các chương trình 134, 135 của Chính phủ về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% xã có trường học kiên cố, 100% xã, phường có điện lưới quốc gia. Đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Một diện mạo mới của đời sống văn hóa Kon Tum đang mở ra.

Bên cạnh đó, công tác xoá đói giảm nghèo cũng được đẩy mạnh triển khai với việc đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các chương trình 134, 135 của Chính phủ về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ổn định cuộc sống của người nghèo trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy khi mới thành lập lại tỉnh, tỷ lệ hộ đói, nghèo của toàn tỉnh là trên 65%, đến nay toàn tỉnh không còn hộ đói kinh niên, tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 giảm xuống còn 14,7%.

Kinh tế-văn hóa xã hội phát triển, đời sống của người dân đã từng bước được nâng lên, cuộc sống mới đã lan tỏa đến từng nhà. Cho dù ở phố phường hay tít tắp vùng sâu, người dân đã không còn chỉ lo cho "cái bụng" mà còn hướng đến của ăn, của để, mặc đẹp, ăn ngon. Mừng vui hơn cả là trên mỗi buôn làng, từ Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Kon Plông, Đăk Hà, Kon Rẫy.... đã thấy vững vàng một thế trận lòng dân - quốc phòng, an ninh bền vững.

40 năm - một chặng đường vượt khó với một ý chí quyết tâm làm giàu, làm đẹp quê hương. Để rồi hôm nay đây, trên vùng đất lửa năm xưa, cuộc sống mới đã hồi sinh diệu kỳ. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Kon Tum đã và đang xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, vững vàng ở vị trí cửa ngõ phía Bắc của Tây Nguyên.

Phát huy kết quả đã đạt được, đồng bào các dân tộc Kon Tum lại xiết chặt tay, viết tiếp bản đại hợp xướng hào hùng về chủ đề cách mạng, về tấm lòng trung thành, son sắt với Đảng, với quê hương Kon Tum kiên cường và anh dũng. Những kỳ tích trên chặng đường mới đã minh chứng cho sự chỉ lối, soi đường của các Nghị quyết hợp quy luật, đúng lòng dân của Đảng; biết dựa vào dân, bắt nhịp hơi thở cuộc sống của nhân dân.


Kim Chung
(tổng hợp)
Chiến thắng Kon Tum đi vào lịch sử
Chiến thắng Kon Tum đi vào lịch sử

Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 từ phía Đông đường 14 đến đường 7, như một “mũi lao nhọn” cắt ngang đội hình địch. Dọc đường số 7, khoảng 2.000 chiếc xe ngổn ngang xếp hàng 3, hàng 4 tháo chạy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN