Khởi nghĩa Philippines - Cuộc chiến bị lãng quên (kỳ cuối)

Rốt cuộc, việc sử dụng các trinh sát bản địa đã nâng cao hiệu quả chiến dịch. Đến tháng 6/1901, khi Washington cho phép chiêu mộ các trinh sát bản địa, thì 5.500 người bản địa bắt đầu phục vụ không chỉ trong vai trò người chỉ dẫn mà còn là những dân quân vũ trang. Việc sử dụng người địa phương trong lực lượng cảnh sát cũng như trong chính quyền dân sự của các thị trấn và làng mạc đã tăng cường vị thế của Lục quân Mỹ. Trong năm 1899, Mỹ đã sử dụng hơn 100.000 người Philippines trong các vai trò khác nhau.

Ở Luzon và Batangas, các lực lượng Mỹ sử dụng chiến lược hòa giải, tập trung dân vào những khu vực nằm trong tầm kiểm soát của các doanh trại Mỹ. Mặc dù chiến lược này làm mất đi nơi ẩn náu an toàn của lực lượng nổi dậy trong dân chúng, song ước tính có đến 1/6 dân số của Luzon bị chết trong các trại vì bệnh tật hoặc thiệt mạng ở các vùng nông thôn do chiến dịch bình định.

Các lực lượng Mỹ đốt cây trồng của những người ủng hộ khởi nghĩa, nhưng điều này càng thúc đẩy hoạt động di dân quy mô lớn và góp phần gây ra các dịch bệnh trong dân chúng Philippines cả trong và sau chiến tranh. Nhiều người dân Mỹ phản ứng hết sức tiêu cực trước tin tức về những trại này, bởi chúng hao hao giống những trại tập trung mà Tây Ban Nha thiết lập ở Cuba.

Các chiến binh Philippines hạ vũ khí đầu hàng.


Những mối quan ngại như vậy cũng như sự phân biệt chủng tộc và ngược đãi tù nhân phe nổi dậy đã phủ bóng đen lên phần lớn cuộc Khởi nghĩa Philippines. Nhiều người còn ví Chiến tranh Philippines - Mỹ là một cuộc chiến chủng tộc. Theo khía cạnh này, chủng tộc đóng vai trò cốt yếu đối với các hoạt động chính trị cũng như việc tiến hành chiến tranh. Nói một cách khách quan, phân biệt chủng tộc đóng một vai trò trong chế độ thực dân của Mỹ ở Philippines. Thậm chí một sử gia chừng mực cũng buộc phải kết luận rằng phân biệt chủng tộc là một đặc điểm cố hữu bất hạnh trong lịch sử nước Mỹ.

Một số bài học về tiến hành thành công chiến dịch chống nổi dậy bắt nguồn từ kinh nghiệm của Mỹ ở Philippines. Thứ nhất, chính sách của Mỹ thưởng người ủng hộ, trừng phạt kẻ chống đối đã chứng minh sự hiệu quả trong Khởi nghĩa Philippines. Chính sách “thu hút và trừng trị” khi đó, mà ngày nay thường được biết đến với cái tên “cây gậy và củ cà rốt”, đã rất thành công trong việc bóc tách quân nổi dậy khỏi quần chúng. Theo chính sách này, việc hậu thuẫn phong trào nổi dậy sẽ bị răn đe bằng biện pháp phạt tiền, bắt giữ, trục xuất, đốt mùa màng trong khi việc ủng hộ người Mỹ sẽ được trọng thưởng.

Thứ hai, Mỹ đã tiến hành hiệu quả một loạt chiến dịch chống nổi dậy phù hợp với sự đa dạng về sắc tộc và địa lý trong xã hội Philippines, thay vì áp dụng cách tiếp cận chung nhất cho tất cả các chiến dịch. Điều này cho phép các chỉ huy địa phương đưa ra phản ứng phù hợp trong những khu vực ảnh hưởng của mình.

Thứ ba, Mỹ chiêu mộ và huấn luyện các lực lượng bản địa. Biện pháp này giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực mà quân đội Mỹ đã đối mặt cũng như hợp pháp hóa sự hiện diện của Mỹ. Những trinh sát này tỏ ra đặc biệt hữu dụng trong việc giúp các binh sĩ Mỹ di chuyển qua các địa hình.

Báo Mỹ đưa tin về chiến thắng trước các lực lượng của Aguinaldo.


Thứ tư, Mỹ bỏ tiền nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, phát triển dân sinh và giáo dục, nhằm đồng hóa “thiện chí” và lôi kéo sự hợp tác giữa người bản địa với các lực lượng Mỹ.


Thứ năm, Lục quân Mỹ thiết lập các doanh trại trên khắp quần đảo Philippines, mà một trong những mục đích chính là tiếp cận dân chúng để thu thập thông tin tình báo và tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập bản đồ các khu vực nhờ “hệ thống địa hình con người” (những người bản địa giúp các chỉ huy hiểu rõ hơn về tình hình địa bàn mà họ đóng quân).

Thứ sáu, các sĩ quan Lục quân Mỹ đảm đương cả trách nhiệm quân sự lẫn dân sự. Bằng cách này, lực lượng Cảnh vệ Quốc gia, với kinh nghiệm cả về quân sự lẫn dân sự mà thường là ở những khu vực khác nhau, có thể trực tiếp tham gia quá trình xây dựng ở quốc gia Đông Nam Á này.

Trong khi đó, về phía các lực lượng nổi dậy Philippines, họ gặp nhiều trở ngại do không thể tranh thủ bất cứ sự ủng hộ nào từ bên ngoài, liên tục thiếu vũ khí và đạn dược và kể cả những tác động từ chính sự phức tạp về địa hình, địa lý ở Philippines. Trong hoàn cảnh đó, ý định của Aguinaldo tiến hành một cuộc chiến tranh thông thường trong những tháng đầu của cuộc xung đột tỏ ra là sai lầm chết người. Quân nổi dậy Philippines đã phải hứng chịu tổn thất nghiêm trọng về người và của trước khi chuyển sang các chiến thuật du kích. Lẽ ra, những chiến thuật này có lẽ sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu được áp dụng ngay từ đầu.


Huy Lê


Khởi nghĩa Philippines - Cuộc chiến bị lãng quên (kỳ 3)
Khởi nghĩa Philippines - Cuộc chiến bị lãng quên (kỳ 3)

Chiến tranh Philippines - Mỹ, hay còn gọi là Khởi nghĩa Philippines (1899 - 1902), là một trong những cuộc chiến bị lãng quên và một trong những chiến dịch chống nổi dậy thành công nhất của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN