Buổi biểu diễn Bản giao hưởng số 7 của nhà soạn nhạc Dmitry Shostakovich tại Phòng hòa nhạc lớn của Nhà Công đoàn vào ngày 29/3/1942. Ảnh: Sputnik
Theo đài RT, khi thế giới kỷ niệm 80 năm Hồng quân và các đồng minh chiến thắng Đức Quốc xã, có một câu chuyện ít người biết về buổi hòa nhạc góp phần vào chiến thắng đó. Đó là câu chuyện về kiệt tác âm nhạc từng góp phần gây quỹ tại châu Phi để ủng hộ Liên Xô trong Thế chiến II.
Ngày 9/7/1944, Bản giao hưởng số 7 của Dmitri Shostakovich – một tác phẩm đã trở thành bản tuyên ngôn âm nhạc chống chủ nghĩa Quốc xã – được công diễn tại Nhà hát Metro ở Johannesburg, Nam Phi. Trong khán phòng chật kín khán giả, nhạc trưởng Jeremy Schulman giơ cao đũa chỉ huy và dàn nhạc bắt đầu chơi chủ đề mở đầu: một giai điệu hành khúc mô phỏng tiếng giày của lính Quốc xã.
Đó là cách Nam Phi tham gia vào buổi công diễn toàn cầu của bản giao hưởng được sáng tác trong thời kỳ thành phố Leningrad (nay là St. Petersburg) bị bao vây gần 900 ngày, từ 8/9/1941 đến 27/1/1944.
Bản giao hưởng sinh ra dưới làn đạn pháo
Vào thời điểm ra mắt ở Nam Phi, Bản giao hưởng Leningrad đã trở thành một huyền thoại. Shostakovich bắt đầu sáng tác vào tháng 9/1941, khi quân Đức sắp bao vây Leningrad. Ông hoàn thành ba phần đầu dưới làn đạn pháo của Đức và hoàn thành toàn bộ bản nhạc sau khi sơ tán khỏi thành phố.
Buổi công diễn đầu tiên diễn ra ngày 5/3/1942 tại thành phố Kuibyshev (nay là Samara) và ngày 9/8 cùng năm tại chính Leningrad. Các nhạc công được điều động khẩn cấp từ tiền tuyến để biểu diễn tại thành phố bị vây hãm này. Một số người đã chết vì kiệt sức và suy dinh dưỡng.
Bản giao hưởng không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là một hành động chiến tranh tâm lý. Binh lính Đức và Phần Lan đóng quân ở ngoại vi thành phố hiểu ra rằng không thể khuất phục ý chí kháng chiến của Leningrad.
Buổi công diễn dưới bầu trời châu Phi
Bản nhạc được đưa đến Nam Phi qua Iran và Ai Cập trong khuôn khổ chiến dịch ngoại giao văn hóa của Liên Xô. Solomon ‘Solly’ Aronowsky – nghệ sĩ violin gốc Do Thái sinh tại Đế quốc Nga – đã giúp tổ chức buổi hòa nhạc. Ông xem bản giao hưởng như một công cụ để đoàn kết hàng triệu người đang chiến đấu cho tự do. Cuối cùng, kiệt tác giao hưởng này đã được biểu diễn tại Johannesburg và Cape Town.
Ngày 9/7/1944 tại Johannesburg, buổi hòa nhạc mở màn với lần đầu tiên bản giao hưởng được biểu diễn tại châu Phi. Jeremy Schulman chỉ huy dàn nhạc. Một tờ báo Nam Phi mô tả: “Chương đầu tiên là nổi bật nhất, đan xen các chủ đề âm nhạc rất lay động và cuốn hút, thể hiện các cuộc đụng độ, nỗi đau nhân loại và quyết tâm mãnh liệt đánh bại mối đe dọa độc tài. Chương hai và ba nhẹ nhàng hơn, nhưng chương bốn lại khơi dậy tinh thần phục sinh chiến thắng”.
Chương trình còn có các trích đoạn nhạc trong các vở opera của Rimsky-Korsakov và Tchaikovsky do nữ ca sĩ soprano Xenia Belmas trình bày. Toàn bộ tiền vé được quyên góp cho tổ chức Medical Aid for Russia – một tổ chức từ thiện nổi bật tại Nam Phi.
Hai tháng sau, ngày 11/9/1944, Dàn nhạc thành phố Cape Town do tiến sĩ William Pickerill chỉ huy đã trình diễn bản giao hưởng tại Tòa thị chính Cape Town.
Những tranh cãi
Nhà soạn nhạc người Nga Dmitri Shostakovich. Ảnh: Sputnik
Tổ chức những sự kiện như vậy là một thách thức trong xã hội Nam Phi lúc bấy giờ, vốn bị chia rẽ sâu sắc vì mâu thuẫn sắc tộc và ý thức hệ. Thời điểm đó, nhóm đa số người thuộc các dân tộc không phải gốc châu Âu bắt đầu lên tiếng qua các chiến dịch phản kháng và công đoàn. Trong cuộc sống thường nhật, họ vẫn bị chi phối bởi luật phân biệt chủng tộc hà khắc là không cho phần lớn người da đen, người Ấn và người lai da màu sở hữu đất, đại diện chính trị và hưởng giáo dục công bằng. Chính sách phân biệt chủng tộc đó là nền tảng của chế độ apartheid kéo dài tại Nam Phi cho đến năm 1994.
Tổ chức Friends of the Soviet Union (Bạn bè Liên bang Xô Viết - FSU) – một nhóm trí thức da trắng và nhà hoạt động da đen thiên tả – đã sử dụng bản giao hưởng để cổ vũ tinh thần chống phát xít. Các tờ rơi của FSU kêu gọi đoàn kết với Liên Xô được phát tại các buổi hòa nhạc.
Trong khi đó, lãnh đạo đảng Quốc gia Nam Phi phản đối và gọi bản giao hưởng là “tuyên truyền”.
Tuy nhiên, bất chấp tranh cãi, tất cả các suất diễn đều bán hết vé. Tại Cape Town năm 1944, trong ngày lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga 7/11, Tòa thị chính chật kín khán giả.
Sau khi Đức đầu hàng, bản giao hưởng vẫn giữ nguyên tính thời sự. Năm 1945, tác phẩm được đưa vào chương trình buổi hòa nhạc gây quỹ cho một bệnh viện ở Stalingrad. Dàn nhạc thành phố Cape Town trình diễn phần đầu và nghệ sĩ violin Ralph Koorland chinh phục khán giả với bản Serenade của Tchaikovsky. Tháng 1/1946, bản giao hưởng lại được biểu diễn trong khuôn khổ sự kiện “Đêm nước Nga” tại Johannesburg.
Qua đó, Shostakovich gửi đến thế giới hậu chiến một thông điệp: dù chiến tranh đã kết thúc, nhưng tư tưởng Quốc xã vẫn chưa tắt hẳn.