Nhật Bản ngày nay nổi tiếng là một quốc gia có công nghệ robot phát triển. Các robot đi bộ, đi xe đạp, robot y tá… khiến thế giới trầm trồ về sự phát triển vượt bậc của Nhật Bản trong lĩnh vực này. Thế nhưng, có lẽ chúng ta sẽ bất ngờ hơn khi biết rằng từ thời kỳ Edo (1603 - 1868), các nghệ nhân Nhật Bản đã chế tạo được loại búp bê có thể đi lại, cử động như robot ngày nay, đó chính là Karakuri.
Lịch sử
Búp bê xuất hiện ở Nhật Bản từ thời kỳ xa xưa là biểu tượng của các vị thần và là các đồ vật linh thiêng. Những con búp bê được trình diễn tại các lễ hội, các hoạt động văn hoa xa xưa chính là nguồn gốc dẫn đến sự ra đời của Karakuri. Theo tài liệu Nihon Soki, Karakuri xuất hiện từ năm 658 khi một nhà sư tạo ra một cỗ xe Shinansha. Tiếp đó, Naka-nô Oe no Oji, người sau này trở thành Thiên Hoàng Tenji đã chế tạo ra chiếc đồng hồ nước đầu tiên vào tháng 5/660 sau Công nguyên và sử dụng chiếc đồng hồ này để yêu cầu thần dân đúng giờ.
Karakuri dâng trà được gọi là Chahakobi. Ảnh: Nguyễn Tuyến - Gia Quân |
Karakuri mô hình người sớm nhất được cho là của Hoàng tử Kaya, con trai thứ bảy của Thiên hoàng Kammu (781-806). Hoàng tử Kaya đã tạo ra búp bê lớn, cao 1m2, có hình dáng một bé trai đang bê chiếc bình cao quá đầu. Mỗi khi đầy nước, chiếc bình tự động lật úp đổ nước xuống đầu bé trai. Hoàng tử cho đặt búp bê đó giữa cánh đồng. Người hiếu kỳ từ mọi nơi đổ về, đổ nước đầy bình để xem cảnh tượng chiếc bình đổ ụp nước xuống đầu bé trai. Nhờ vậy, cánh đồng khô hạn chỉ sau vài ngày đã đầy ắp nước.
Cũng theo các tư liệu trên, có lưu truyền câu chuyện được nghệ nhân nổi tiếng của Nhật Bản Kudara Kawanari (mất năm 835) kể lại rằng mỗi khi đi vào sảnh của một tòa lâu đài do người thợ máy Hida no Takumi xây dựng, ông rất ấn tượng với việc cánh cửa của tòa lâu đài này tự động khép lại. Có thể nói, đó là những yếu tố nền tảng đầu tiên của nghề chế tác Karakuri tại Nhật Bản.
Cấu trúc bên trong của Chahakobi. |
Karakuri phát triển mạnh mẽ vào nửa đầu thời kỳ Edo, thời kỳ giao thương giữa châu Âu với Nhật Bản khá nhộn nhịp. Các nghệ nhân chế tác Karakuri kết hợp với các kỹ thuật rãnh xoắn, bánh xe trong đồng hồ do các thương nhân châu Âu mang vào Nhật Bản để tạo ra những Karakuri có cử động phức tạp hơn so với những Karakuri thuở sơ khai.
Nghệ nhân Tamaya Shobei (đời thứ 9) chuẩn bị gài mũi tên cho Yumihiki. |
Dòng họ có công lớn trong việc phát triển Karakuri là gia tộc Tamaya Shobei. Theo sử sách, trong lễ hội Toshogu năm 1733 tại Nagoya, nghệ nhân Tamaya Shobei đã trình diễn kiệu rước có tên gọi là Rinnasei-sha. Kiệu rước được trang trí với nhiều búp bê Karakuri với mỗi búp bê có một loại cử động như gật, lắc đầu, vẫy tay và đặc biệt là một Karakuri hình một chú bé đuổi bắt một chú chim sếu đang vỗ cánh. Ông Tamaya Shobei đã giới thiệu với người dân cách thức chế tạo và hoạt động của các Karakuri. Sau lễ hội này, nghệ nhân Tamaya Shobei đã được mời trình diễn thêm nhiều lần tại Nagoya. Đó chính là lý do dẫn đến việc ông quyết định chuyển đến sống tại Nagoya. Từ đó, nghề chế tác Karakuri được lưu truyền từ đời này sang đời khác trong gia tộc và hiện nay, Takashima Shoji sinh năm 1954 là truyền nhân đời thứ 9 của dòng họ này, được gọi là Tamaya Shobei đời thứ 9.
(Còn tiếp)