Mỗi công ty trong số 21.000 công ty bình phong do Mossack Fonseca lập ra cho khách hàng lại có một hoặc vài giám đốc hoạt động theo kiểu bù nhìn. Nhiệm vụ của họ là ký các hợp đồng quan trọng, thông qua tài liệu cho dù không có quyền quyết định. Họ thực hiện các nhiệm vụ mà chủ thực sự của công ty bình phong giao phó. Và họ làm nhiệm vụ này cho hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn công ty.
Cho thuê tên và chữ ký
Giám đốc bình phong thực chất chỉ là nghề cho chủ thực sự mượn tên. Khi các điều tra viên muốn phát hiện ra ai đứng đằng sau một công ty bình phong, họ thường lúng túng vì không biết bắt đầu từ đâu trong hệ thống giám đốc bình phong nhằng nhịt. Mossack Fonseca và các công ty luật khác ở Panama đều dùng hệ thống này. Trong khi đó, các điều tra viên chỉ có thể tiếp cận dữ liệu được đăng ký công khai ít ỏi, còn thông tin họ cần lại không có. Nhiều khi, danh sách đăng ký chỉ liệt kê thông tin tối thiểu gồm tên các giám đốc cùng với tên công ty. Mà tên giám đốc cũng không phải là tên thật. Có trường hợp như ở nhà máy bánh quy Bavaria đăng ký tại Panama có tên giám đốc là Michael Jackson (tất nhiên không phải là cố ca sĩ nổi tiếng).
Bản sao hộ chiếu của bà Leticia Montoya - một giám đốc bình phong của vô số công ty. |
Theo thuật ngữ “lịch sự”, các giám đốc bù nhìn này được gọi là người được ủy thác. Trong thực tế, họ là các “bộ binh” của các công ty bình phong tại nước ngoài. Việc gì cũng liên quan tới họ và họ có thể được thay thế cho nhau dễ dàng, chi phí thuê họ cũng vô cùng rẻ.
Một mẫu giám đốc bình phong điển hình: Thường là người ít học, không có khả năng hiểu các tài liệu mình ký. Họ thường là người thuộc tầng lớp thấp trong xã hội Panama, hiếm khi nói tiếng Anh. Ví dụ như Leticia Montoya - một trong những giám đốc bình phong mà tên xuất hiện nhiều nhất trong “Hồ sơ Panama”. Trong nhiều thập kỷ liền, người phụ nữ này làm giám đốc cho hàng chục nghìn công ty. Dữ liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca còn có một bản sao hộ chiếu của Leticia Montoya. Cách đây không lâu, bà này nói qua điện thoại với phóng viên tờ Süddeutsche Zeitung rằng bà không biết chi tiết về các công ty bình phong mà bà làm giám đốc. Bà này cũng từ chối trả lời phóng viên dưới dạng văn bản.
Leticia Montoya sống ở ngoại ô thủ đô Panama City, nơi mà giới nhà giàu không bao giờ đặt chân tới. Bà thường được trả khoản tiền ít ỏi 500 USD/tháng cho công việc giám đốc bình phong. Trong khi đó, Mossack Fonseca kiếm được hàng triệu USD nhờ công việc của những người như bà. Công ty luật này tính phí dịch vụ cung cấp giám đốc bình phong là 150 USD/năm. Trong phần lớn trường hợp, Mossack Fonseca sử dụng hai hoặc ba giám đốc cho mỗi công ty. Theo “Hồ sơ Panama”, bà Montoya làm giám đốc cho gần 3.200 công ty. Nhân với số tiền 150 USD/năm/công ty, bà này đã kiếm về cho Mossack Fonseca gần nửa triệu USD mỗi năm. Bà làm giám đốc bình phong tại Mossack Fonseca từ đầu những năm 1980.
Tại nhiều “thiên đường trốn thuế”, giám đốc bù nhìn là một nghề phổ biến, một phần là do đó là một nghề dễ làm, không cần được đào tạo chính thức. Mọi thứ họ cần chỉ là một cây bút và một cái tên chưa từng dính líu tới bất kỳ hoạt động kinh doanh bất hợp pháp nào. Khi một công ty bình phong được thành lập, giám đốc bù nhìn sẽ ký vào ba tài liệu ban đầu để gửi cho chủ sở hữu thực của công ty. Tài liệu đầu tiên là một giấy tuyên bố họ sẽ không đòi hỏi gì từ chủ thực sự và công ty bình phong. Giấy thứ hai là giấy ủy quyền đảm bảo giám đốc bình phong chuyển giao quyền kiểm soát công ty cho chủ sở hữu thực. Giấy thứ ba là thư chấm dứt tuyển dụng giám đốc bình phong. Giấy này không có ngày tháng. Nhờ đó, chủ sở hữu thực có thể tùy ý điền ngày sa thải giám đốc bình phong.
Ngoài ba giấy tờ trên, giám đốc bình phong còn ký giấy tờ như tờ khai mở tài khoản ngân hàng, biên bản họp hàng năm. Các biên bản này là không thể thiếu cho dù ai cũng biết chúng là biên bản giả.
Các tầng lớp bí mật
Xét về một số khía cạnh, giám đốc bình phong chính là một dạng trá hình. Các bên muốn giữ bí mật ở mức độ cao hơn sẽ thêm một lớp bảo vệ nữa dưới dạng cổ phiếu vô danh. Loại hình sở hữu cổ phiếu ẩn danh này hợp pháp ở một số “thiên đường trốn thuế”. Cổ phiếu vô danh chỉ là một mảnh giấy đơn giản mà ai sở hữu toàn bộ cổ phiếu này sẽ sở hữu công ty. Loại cổ phiếu này là một công cụ lý tưởng cho bất kỳ loại giao dịch làm ăn nào cần che giấu dấu vết.
Dưới áp lực quốc tế, phần lớn các “thiên đường trốn thuế” giờ đã cấm cổ phiếu vô danh. Nguyên nhân là ngày càng khó biện minh rằng cổ phiếu vô danh là hợp pháp trong khi nó là một công cụ lý tưởng để rửa tiền. Tuy nhiên, có nhiều cách khác để che giấu thân phận thật của chủ công ty. Nhiều công ty được nhắc tên trong “Hồ sơ Panama” được thành lập kiểu như búp bê Matryoshka của Nga: lật hết lớp này lại thấy lớp khác nhỏ hơn.
Cổ đông “ma” cũng có thể được sử dụng để che giấu sự thật. Cổ đông này có thể là người hoặc công ty bình phong nắm cổ phiếu ủy thác, tức là nắm cổ phiếu của một ai đó. Điều này nhìn chung là hợp pháp, trái với dịch vụ giám đốc bình phong của Mossack Fonseca. Cho dù có nhiều lớp bí mật hợp pháp, luật chống rửa tiền đòi hỏi phải có người thật sở hữu công ty. Ngày nay, các ngân hàng uy tín chỉ mở tài khoản cho các công ty ở nước ngoài nếu họ biết ai là chủ thực sự. Sau đó, ngân hàng sẽ kiểm tra lý lịch để đảm bảo biết đang làm ăn với ai.
Theo “Hồ sơ Panama”, Mossack Fonseca liên tục gợi ý khách hàng tránh khả năng bị kiểm tra lý lịch này. Với một số tiền chừng 5 con số, công ty luật này cung cấp cho khách hàng một người đóng vai chủ sở hữu thật của công ty. Một trong số những giám đốc bình phong “thượng hạng” này là một người đàn ông tên là Edmund W., bố vợ cũ của Ramon Fonseca - một trong hai chủ sở hữu của Mossack Fonseca. Việc của ông Edmund là đóng giả làm người chủ thực sự. Tuy nhiên, Mossack Fonseca cho biết mình không có dịch vụ này và bản thân ông Edmund thì từ chối bình luận.
Tóm lại, thế giới công ty bình phong ở nước ngoài có thể chỉ thành công là vì có một lượng người dồi dào sẵn sàng cho thuê tên và chữ ký cho mọi hoạt động kinh doanh mờ ám. Họ làm việc này cho dù về mặt lý thuyết, họ có thể bị truy tố vì hành vi vi phạm luật pháp của chính công ty họ làm chủ trên giấy tờ. Giám đốc bình phong thậm chí có thể bị phạt hàng triệu USD tiền thiệt hại. Nếu họ phải ra tòa vì các hoạt động mờ ám của một công ty thôi thì đã đủ để họ sống dở chết dở.