Thiếu tá Richardson giảm độ cao lần cuối cùng để chuẩn bị hạ cánh và giảm vận tốc xuống 400 km/h nhưng vẫn lo ngại về động cơ số 6 đang treo lơ lửng ở cánh. Richardson hy vọng rằng vận tốc lúc hạ cánh sẽ rơi vào khoảng 330km/h hoặc thấp hơn.
Một trong những chiếc thuộc Phi đội tiêm kích F-86 này của Mỹ đã va chạm với chiếc máy bay B-47 có bom nguyên tử hôm 4/2/1958. |
Trong lúc cố gắng giữ cho hai cánh thăng bằng và đưa máy bay vào giữa đường băng, Richardson đã giảm tốc độ nhiều hơn nữa. Đến khi máy bay bắt đầu tiếp xúc đường băng, vận tốc của nó vẫn quá nhanh nên đã khiến máy bay nảy bật lên một cái rồi mới chạm đất hẳn. Richardson ngay lập tức thả dù phanh đồng thời bật phanh hãm tốc độ.
Ngoài cú nảy lên lúc chiếc B-47 chạm đất, phi hành đoàn đã may mắn không gặp vấn đề gì khác. Quá phấn khích, cả ba đã cúi xuống hôn lên đường băng. Kiểm tra máy bay, họ thấy trên cánh nhỏ có một vệt rách dài hơn 1,2 m, rộng khoảng 50cm. Còn bộ thăng bằng đứng đặt trong bình xăng đã cạn kiệt có một lỗ thủng lớn. Kiểm tra tiếp, họ lại thấy ở bộ thăng bằng ngang có một lỗ thủng khác và cuối cùng họ phát hiện thấy xà dọc chính của cánh máy bay đã bị gẫy.
Khu vực đảo Tybee, nơi có quả bom Mk-15 đang “yên nghỉ”. |
Một lúc sau, phi hành đoàn vào căn cứ không quân và nghỉ trong phòng dành cho sĩ quan của Bộ Tư lệnh. Vừa về phòng, Richardson đã đề nghị cả ba ghi lại toàn bộ những gì họ nhớ từ khi xảy ra vụ va chạm đến khi hạ cánh. Với kinh nghiệm dày dặn, Richardson chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho hai người còn lại trong phi hành đoàn rằng họ sẽ sớm bị thẩm vấn về những vấn đề liên quân. Cả ba cũng biết rằng họ sẽ phải ở căn cứ không quân Hunter một thời gian và có thể phải ở đây cho đến khi kết thúc điều tra sự cố. Cuộc điều tra sẽ do đích thân tướng Power, Tư lệnh Lực lượng Không quân Chiến lược cùng các trợ lý thực hiện. Ông đang từ căn cứ Homestead tới Hunter.
Nằm ngủ được vài tiếng thì phi hành đoàn bị gọi dậy để chuẩn bị báo cáo tướng Power. Sau khi đọc bản tường trình và kiểm tra lại thiệt hại của chiếc máy bay, họ chuẩn bị đón nhận điều tồi tệ nhất. Phi hành đoàn dùng một tấm bản đồ để báo cáo với tướng Power và các cộng sự của ông về nơi xảy ra vụ va chạm, về tuyến đường họ bay trở về căn cứ Hunter và cả nơi họ thả quả bom Mk-15. Sau khi nghe phi hành đoàn báo cáo và trả lời hết tất cả các câu hỏi, tướng Power yêu cầu họ chuẩn bị đồ đạc để lên máy bay trở về căn cứ Homestead. Đích thân tướng Power đã lái chiếc KC-135.
Sau khi máy bay lên đến độ cao ổn định, tướng Power đổi người lái và đi xuống phía phi hành đoàn của chiếc B-47 đang ngồi. Vì không biết tại sao lại phải nhanh chóng lên chiếc máy bay riêng của tướng Power nên họ tỏ ra khá căng thẳng khi vị tướng tới gần. Và thật bất ngờ, tướng Power nói với họ rằng ông ta vừa báo cáo xin ý kiến trung tướng LeMay (Tổng tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ thời điểm đó) về việc thưởng huy chương "anh hùng phi công" cho thiếu tá Richardson và các huy chương ghi nhận công trạng khác cho hai người còn lại là trung úy Lagerstrom và đại úy Woolard.
Không lâu sau đó, thiếu tá Richardson được thăng hàm trung tá và được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng đơn vị máy bay ném bom. Viên phi công may mắn này sau đó được lái B-52 và nghỉ hưu vào năm 1973 sau 31 năm công tác. Một trong những đóng góp của Richardson sau vụ tai nạn là đề xuất việc gắn đèn tín hiệu giúp phòng tránh va chạm với tất cả các máy bay quân sự cũng như dân sự.
Viên phi công lái chiếc F-86 hôm đó là Clarence Stewart, người đã nhấn nút thoát hiểm ngay sau khi va chạm với chiếc B-47, đã rơi xuống một đầm lầy ở bang Georgia. Rất may là anh đã được người dân địa phương phát hiện rồi đưa đi cấp cứu. Nhưng do hôm đó Stewart chỉ mặc một bộ quần áo mỏng và bị nhiễm lạnh nên cũng phải mất hơn một tháng sau mới hồi phục.
Đến tận bây giờ, quả bom Mk-15 vẫn chưa được tìm thấy và người ta cho rằng nó đã bị vùi sâu dưới biển gần hòn đảo Tybee ở Savannah, bang Georgia. Mặc dù lực lượng không quân Mỹ luôn khẳng định quả bom Mk-15 đã được tháo lõi hạt nhân và bộ phận dùng để kích hoạt phản ứng hạt nhân trước khi nó được đặt lên chiếc máy bay B-47 nhưng một số người khác cho rằng, đây là một quả bom hạt nhân có đầy đủ công năng sử dụng. Năm 1966, trong một cuộc điều trần trước cuộc hội Mỹ, W.J. Howard, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ lúc đó, đã nói rằng quả bom Mk-15 buộc phải thả xuống gần đảo Tybee là “một quả bom hoàn chỉnh có cả đầu đạn hạt nhân”.
Ngọc Du (Theo Businessinsider)