40 năm ngày Giải phóng miền Nam-Phần 2: Những người góp phần làm nên lịch sử-Bài 16

Giọt nước mắt ngày độc lập

Đúng 13 giờ chiều 30/4/1975, Sư đoàn 9 chúng tôi tiến thẳng vào Bộ Tổng tham mưu của ngụy quyền Sài Gòn. Đi tới đâu, địch vứt súng ống giơ tay hàng đến đấy.

Trong giờ phút chiến thắng ấy, tất cả chúng tôi ôm nhau khóc, những giọt nước mắt mừng vui vì thắng lợi này là thành quả của biết bao ngày chiến đấu gian khổ và xương máu của biết bao đồng đội đã hi sinh”, ông Phạm Hữu Hiệu, lính Sư 9- Sư đoàn “thép” năm xưa, xúc động nhớ lại.

Ông Hiệu vẫn cất giữ những kỷ vật của chiến tranh.


Ông Phạm Hữu Hiệu sống trong một căn nhà nhỏ ở phố Minh Khai, Hà Nội. Cuộc sống yên bình của một cán bộ về hưu khiến ít ai có thể hình dung ra ông từng là người lính pháo binh đã một thời vào sinh ra tử, chiến đấu quên mình trong mưa bom bão đạn và tận mắt chứng kiến giờ phút độc lập của dân tộc.

Ở tuổi 75, với mái tóc đã bạc gần hết, giọng nói đã yếu, nhưng trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ở con người ông vẫn toát lên khí chất mạnh mẽ của một anh lính Sư đoàn “thép” ngày nào, khi ông ngồi lục lại từng trang ký ức và vẫn còn nhớ như in từng chặng tiến vào giải phóng Sài Gòn, từng phút, từng giây ngày 30/4 lịch sử năm ấy...

Là một trong những thanh niên ưu tú của Thành đoàn Hà Nội nhập ngũ đợt đầu tiên trong phong trào “Ba sẵn sàng” (1965), sau những ngày tháng hành quân gian khổ vượt Trường Sơn vào đến chiến trường Đông Nam Bộ, chàng thanh niên Phạm Hữu Hiệu vinh dự được phân công về Sư đoàn 9, được mệnh danh là Sư đoàn “thép” của Đông Nam Bộ.

Gọi là Sư đoàn "thép" vì đơn vị của ông làm một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đó là trực tiếp bảo vệ Trung ương Cục Miền Nam. "Với tôi đó là một nhiệm vụ hết sức vẻ vang. Được tiếp xúc với nhiều vị tướng giỏi đã giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều về tư tưởng", ông Hiệu chia sẻ.

Trong câu chuyện tưởng như bất tận, ông Hiệu kể với tôi rất nhiều những kỷ niệm trong quãng thời gian ông chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ, những câu chuyện về đồng đội, về tinh thần chiến đấu trong gian khổ, hi sinh.

“Giai đoạn chiến đấu ác liệt nhất có lẽ là những năm 1966 - 1968. Đó là thời gian tôi chiến đấu ở Tây Ninh, địch ngày đêm rải chất hóa học và thả bom kín đặc bầu trời, có lúc cảm tưởng như không thể mở nổi mắt ra để nhìn thấy gì nữa vì cả một thời gian dài, cứ ban ngày luyện tập ở dưới hầm, ban đêm chiến đấu. Trong mịt mùng bom đạn ấy, chỉ có những giọt nước mắt đêm Giao thừa ngừng tiếng súng mới biết ai cũng nhớ mẹ, nhớ người thân, gia đình. Nhưng có những ngày tháng chiến đấu gian khổ, có những con người quả cảm, chịu đựng hi sinh như vậy mới có Đại thắng mùa xuân năm 1975”.

“Biết bao gian khổ hy sinh, nhưng có lẽ cái khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ đã rèn giũa những thanh niên Hà thành chân yếu tay mềm ngày nào thành những chiến binh dũng cảm nhất”, ông Hiệu chia sẻ.



Ông Hiệu như chợt vui lên khi kể về những ngày ông tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông kể: "Từ cuối năm 1974, Sư đoàn 9 đã nhận được lệnh chuẩn bị lực lượng. Tháng 3/1975, sau chiến thắng ở Buôn Mê Thuột và một số nơi khác, cùng với niềm phấn khởi thắng lợi, Sư đoàn 9 lúc đó được phân công đánh mũi chọc sườn tiến vào Sài Gòn, chiếm Bộ Tham mưu của địch. Nhận được lệnh, tất cả đều quyết tâm đến cùng để giành thắng lợi".

"Đầu tháng 4/1975, chúng tôi bắt đầu cuộc tiến quân từ Tây Ninh và đánh ém dần về Sài Gòn theo tuyến: Tây Ninh- Long An- Bình Dương- dọc bờ đông sông Sài Gòn. Đó cũng là tuyến đường mà cách đó 7 năm, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, Sư đoàn 9 đã vào được đến sân bay Tân Sơn Nhất nhưng lại bị đánh bật ra vì Mỹ rải bom quá ác liệt. Nhưng lần này, Mỹ đã rút, không còn phải kháng cự với mục tiêu “trên trời”, chúng tôi chiến đấu với tinh thần rất phấn khởi và với một niềm tin chiến thắng mãnh liệt vì hầu như đi đến đâu“nhổ”được đồn bốt địch đến đấy và đồng đội cũng hi sinh ít hơn”.


Trong cuộc hành trình tiến về giải phóng Sài Gòn, với ông Hiệu, chặng khó khăn nhất có lẽ là lần hành quân vượt sông Vàm Cỏ Đông, vòng qua biên giới Việt Nam - Campuchia, tiến xuống khu tập kết ở vùng đồng bằng Long An. Bởi khi đó, lực lượng địch ở tây nam Sài Gòn vẫn còn rất đông và được trang bị vũ khí rất mạnh.

“Chúng luôn phải hành quân qua những cánh đồng lầy, qua những khúc sông, rạch rất vất vả; xúc động nhất là khi tới Long An, bà con ở đó đã từ lúc nào huy động hàng trăm chiếc thuyền để giúp bộ đội hành quân qua sông”, ông kể.

Ngày 30/4/1975, sau gần một tháng tiến quân, cùng với những thắng lợi liên tiếp, Sư đoàn 9 đã tiến thẳng vào Bộ Tổng tham mưu của địch. "Lúc đó, quân ta khí thế hừng hực, súng ống sáng lòa, xe một bên, lính một bên tiến thẳng vào trước sự khuất phục đầu hàng của địch, nhân dân cũng ùa ra, cầm cờ ăn mừng chiến thắng.

Trong giờ phút ấy, dường như bao nhiêu khó khăn, nhọc nhằn của cuộc chiến vừa trải qua đã tan biến đi cả. Sau giây phút đó, ai cũng xúc động vô cùng. Chúng tôi reo lên sung sướng vì biết mình còn sống trở về, nhưng lại bùi ngùi vì nghĩ tới đồng đội đã nằm lại chiến trường không được tận hưởng niềm vui ấy. Ai cũng nhớ tới gia đình...”, ông Hiệu xúc động.


Tạ Nguyên


Chiến dịch cuối cùng trong ký ức của Trung tướng Nguyễn Ân
Chiến dịch cuối cùng trong ký ức của Trung tướng Nguyễn Ân

Nhắc đến những trận đánh trong chiến dịch Hồ Chí Minh 40 năm trước, Trung tướng Nguyễn Ân vẫn say sưa kể lại từng chi tiết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN