Cùng với quá trình kết thúc của Chiến tranh Lạnh, ảnh hưởng của Mátxcơva ở khu vực Mỹ Latinh giảm xuống nhanh chóng. Dựa vào thực lực kinh tế và sức mạnh quân sự, nhân cơ hội này, Oasinhtơn đã mở rộng, tăng cường sự hiện diện của mình tại đây, đưa Mỹ Latinh vào phạm vi ảnh hưởng truyền thống. Nhưng gần đây, tình hình đã có sự thay đổi đáng kể. Ngày càng có nhiều nước Mỹ Latinh chủ trương xây dựng một thế giới đa cực, tỏ ra bất mãn với chính sách của Mỹ. Bên cạnh đó, từ năm 2003 đến 2007, các nước Mỹ Latinh đã có một thời kỳ phát triển kinh tế “vàng son”.
Các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 23/5/2008 thành lập UNASUR. |
Xét về tổng thể, mức độ phụ thuộc về kinh tế của các nước Mỹ Latinh ngày càng ít đi. Trong khi đó, mấy năm qua, do vướng bận vào cuộc chiến chống khủng bố, sa lầy ở Irắc và Ápganixtan, nên Oasinhtơn đã phần nào coi nhẹ lợi ích và nhu cầu của các nước Mỹ Latinh. Ngược lại, quan hệ giữa một số nước Mỹ Latinh có ảnh hưởng tương đối lớn như Braxin, Áchentina và Chilê với “Tam giác sắt” chống Mỹ gồm Cuba, Vênêxuêla và Bôlivia ngày một chặt chẽ. Quyền phát ngôn tuyệt đối của Mỹ ở “sân sau” đang bị thách thức nghiêm trọng.
Bản đồ địa lý khu vực Mỹ Latinh. |
Trong khi đó, gần một thập kỷ qua khu vực này đã chứng kiến sự lớn mạnh của phong trào cánh tả trong một hiện tượng mà dư luận thế giới gọi là “sự hồi sinh của phong trào cánh tả Mỹ Latinh”. Chỉ đơn cử trong năm 2006, trong số 10 nước Mỹ Latinh tiến hành bầu cử tổng thống có 7 nước gồm: Braxin, Vênêxuêla, Chilê, Pêru, Nicaragoa, Êcuađo và Côxta Rica, chiến thắng thuộc về những người cánh tả hoặc trung tả. Cộng với thắng lợi của những ứng cử viên cánh tả, trung tả trong các cuộc tổng tuyển cử trước đó ở Áchentina, Bôlivia, Urugoay, Panama, Cộng hòa Đôminicana và cả Cuba (từ năm 1959), tính đến nay, trong 33 quốc gia độc lập ở Mỹ Latinh có tới 13 nước do cánh tả hoặc trung tả nắm quyền. Dân số những nước này chiếm 70% tổng dân số của cả khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribê, còn con số về diện tích là 80%.
Mỹ Latinh là khu vực địa lý trải dài từ Mêhicô ở Bắc Mỹ xuống hết Nam Mỹ, với tổng diện tích trên 20,5 triệu km2 và dân số trên 500 triệu người, có 33 quốc gia độc lập và 14 vùng lãnh thổ (các đảo nhỏ thuộc Anh, Pháp, Hà Lan và Mỹ...). |
Đặc biệt, ngày 23/5/2008, tại thủ đô của Braxin, nguyên thủ 12 nước Mỹ Latinh: Braxin, Áchentina, Vênêxuêla, Chilê, Bôlivia, Êcuađo, Paragoay, Pêru, Urugoay, Côlômbia, Xurinam và Guyana đã ký hiệp ước thành lập Liên minh các nước Nam Mỹ (UNASUR) theo mô hình của Liên minh châu Âu (EU). Sự ra đời của diễn đàn đối thoại chính trị này cho thấy gió đã đổi chiều trên “sân sau” của Mỹ. Bởi theo tinh thần của hiệp ước, UNASUR là một tổ chức uyển chuyển, có vai trò tư vấn, hòa giải phòng ngừa tranh chấp để tránh đưa ra Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) mà Mỹ là thành viên.
Khi tình hình Bôlivia tiếp tục diễn biến xấu, các cuộc bạo loạn chống chính phủ ngày càng tăng, Tổng thống Chilê, Michelle Bachelet, Chủ tịch lâm thời của UNASUR đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào ngày 15/9/2008 tại Xantiagô đê Chilê. Chín tổng thống trong số 12 nước thành viên đã chính thức lên tiếng kiên quyết ủng hộ chính phủ hợp pháp của Tổng thống Evo Morales cũng như toàn vẹn lãnh thổ của Bôlivia; lên án những hành động bạo loạn, xung đột do các lực lượng đối lập gây ra; kêu gọi các lực lượng đối lập chấm dứt ngay các hành động bạo lực, phá vỡ nền dân chủ của Bôlivia và ngồi vào đàm phán với chính phủ trong khuôn khổ tôn trọng luật pháp và hiến pháp. UNASUR cũng sẽ lập một ủy ban mở rộng cho mọi thành viên tham gia để thúc đẩy quá trình đối thoại và giúp đỡ chính phủ Bôlivia theo yêu cầu của chính phủ Bôlivia.
Đó là chưa kể đến nhiều nước Mỹ Latinh, với sự khởi xướng và tham gia tích cực của Vênêxuêla, đang thúc đẩy các dự án: Ngân hàng Phương Nam, Đài phát thanh Phương Nam, Đài truyền hình Phương Nam, Sự lựa chọn Bôliva cho châu Mỹ (ALBA), Hợp tác năng lượng vùng Caribê (PETROCARIBE)… Tất cả đều nhằm giúp đỡ lẫn nhau và chống lại sự thống trị của Mỹ và phương Tây trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, thông tin tuyên truyền. Nói tóm tại, từ Bôlivia đến Vênêxuêla, rồi Áchentina, Chilê, Braxin… chưa khi nào Mỹ bị các nước “sân sau” của mình đồng loạt thách thức như lúc này. Nếu đó chỉ là ba nước thuộc “Tam giác sắt”, mọi việc không có gì ngạc nhiên. Nhưng, với sự tham gia của Áchentina, Braxin (hai nước có ảnh hưởng lớn ở Mỹ Latinh) vào làn sóng phản đối Mỹ thì rõ ràng đây là điều rất đáng chú ý và nó một lần nữa cho thấy cái thời Mỹ Latinh bị xem là “sân sau” của Mỹ đã qua. Oasinhtơn giờ đã không thể muốn làm gì thì làm đối với nội tình các nước trong khu vực này.
Thành Nam (Tổng hợp)
Đón đọc kỳ sau: Cuộc đấu đã tăng nhiệt