20 năm cuối đời Eugene Vidocq vẫn bận rộn như những năm trước đó. Ông chưa bao giờ từ bỏ nguyên tắc của mình và luôn sống tích cực, năng động đến tận lúc qua đời ở tuổi 81.
Ông viết một loạt tiểu thuyết dựa trên những kinh nghiệm làm thám tử của mình. Một trong những cuốn đáng nhớ nhất là Les Voleurs (Kẻ trộm) - một cái nhìn cận cảnh về thế giới ngầm ở Pari qua con mắt của một thám tử. Những tác phẩm khác mà ông sáng tác có hàng loạt nhân vật tiểu thuyết mang những nét tính cách và trải nghiệm sống của chính tác giả, như cuốn “Les Vrais Mysteres de Paris” (Bí ẩn thực sự của Pari) và “Les Chauffeurs de Nord” (Người lái xe miền bắc).
Nơi an nghỉ cuối cùng của Vidocq. |
Vidocq đã trở thành nguồn cảm hứng để nhà văn Edgar Allen Poe xây dựng nhân vật thám tử Daupin và đại văn hào Honore de Balzac xây dựng nhân vật Vautrin. Vidocq cũng được nhà văn Victor Hugo tái hiện qua hai nhân vật nổi tiếng Jean Valjean và Javert trong tác phẩm “Những người khốn khổ”. Sau này, các tác phẩm của Vidocq được coi là nền tảng ra đời của thể loại tiểu thuyết trinh thám châu Âu.
Mặc dù các tác phẩm của Vidocq được hoan nghênh ở Pháp nhưng chính nước Anh mới có công lớn trong việc tôn vinh những tác phẩm đó. Các hiệu sách và báo chí ở Anh đã biến Vidocq thành người hùng khi ông thăm Anh trong một chuyến đi quảng bá sách năm 1845. Các nhà hát ở Anh cũng nhấn mạnh tên tuổi Vidocq khi trình chiếu một số vở kịch dựa trên cuốn hồi ký của ông.
Không chỉ thế, trung tâm triển lãm Cosmorama ở Anh còn mở một cuộc triển lãm nhân chuyến thăm Anh của Vidocq, trong đó trưng bày những tác phẩm nghệ thuật liên quan đến Vidocq và một bộ sưu tập cá nhân của Vidocq gắn liền với thế giới tội phạm, như những đồ cải trang ông mặc khi còn ở Sở cảnh sát Pari cùng với những vũ khí, trang phục, vật dụng mà Vidocq thu được của những tên tội phạm khét tiếng. Với 5 shilling mỗi vé, người Luân Đôn xếp hàng dài xem triển lãm Cosmorama trong nhiều ngày liền.
Khác với Pháp, lực lượng cảnh sát được tôn trọng ở Anh. Những điều tra viên mặc thường phục luôn được trọng vọng vì tài năng và lòng trung thành dành cho Nữ hoàng Victoria. Do đó, Vidocq được Sở cảnh sát Luân Đôn rất tôn sùng.
Cái chết của Vidocq được ghi lại ngày 12/5/1857 trong cuốn sổ báo tử của nhà thờ Saint-Denys ở Pari. |
Khi trở về Pari, Vidocq quyết định nghỉ hưu nhưng vẫn nhận giải quyết các vụ mà một ông già 70 tuổi có thể xử lý. Ông thậm chí còn nhận điều tra cho tầng lớp thượng lưu ngoài nước Pháp. Nhưng khi vợ ông qua đời tháng 9/1847, ông cảm thấy mình không còn đủ nhiệt huyết nữa. Ông đã đóng cửa công ty thám tử trên phố Galerie Vivienne, bán ngôi nhà ở quê và chuyển đến một ngôi nhà bé hơn ở quận Marais thuộc Pari.
Ông vẫn sống để chứng kiến những biến động trên chính trường Pháp. Một cuộc nổi dậy năm 1848 đã lật đổ chế độ quân chủ Pháp và đất nước mà Vidocq yêu quý đã trở thành một nước cộng hòa. Trong vài năm sau đó, Vidocq lại cống hiến cho nước Pháp và trở thành một mật vụ của Bộ Nội vụ Pháp dù đã sang tuổi thất thập.
Cuối tháng 4/1857, Vidocq bị đột quỵ và bị liệt. Bác sĩ Dornier, một người bạn và hàng xóm của Vidocq, cùng với linh mục Pere Orssant đã đêm hôm chăm sóc ông trong quãng thời gian đó. Ngày 11/5, Vidocq xưng tội với linh mục rằng ông đã không đi nhà thờ khi còn bé. Vị linh mục trấn an ông rằng Chúa sẽ tha thứ cho ông.
Thế rồi, người đàn ông hấp hối chạm vào tay của bác sĩ Dornier và thì thầm những lời cuối cùng “Ông...ông... bác sĩ duy nhất của tôi”.
Đám tang Vidocq được tổ chức ngày hôm sau tại nhà thờ Basilica de Sainte-Denys. Phần lớn bạn bè ông đã về với Chúa trước ông nên chỉ còn một số ít tham dự tang lễ Vidocq.
Ngày hôm đó, người dân tưởng nhớ ông, nước Pháp tưởng nhớ ông. Nước mắt đã rơi trên gò má nhiều người. Thậm chí cả một số tên tội phạm chưa bị ông bắt cũng nhỏ lệ tiếc thương!
Thùy Dương