Điệp viên nguy hiểm nhất trong lịch sử(Kỳ 2)

Richard Sorge dường như được sinh ra để hoạt động tình báo và... quyến rũ phụ nữ.


Kỳ 2: Náu mình nơi lộ liễu

Mạng lưới gián điệp của Sorge ở Tôkyô còn có hai người khác cũng do Mátxcơva cử đến. Branko Vukelic - người Nam Tư, làm việc cho một hãng thông tấn của Pháp – chịu trách nhiệm xử lý những bức ảnh chụp dưới dạng vi phim cho Sorge và Max Clausen, người Đức, phụ trách liên lạc vô tuyến của nhóm. Clausen gửi các báo cáo đã được mã hóa dưới dạng các con số. Phương pháp này hơi cồng kềnh nhưng thực chất là một hệ thống khóa mã mà hầu như người ta không thể phá được. Giới chức trách Nhật Bản phát hiện ra tín hiệu vô tuyến lạ được phát đi nhưng họ không thể định vị được nguồn phát, và cũng không thể giải mã được các bức điện này.

Hotsumi Ozaki – nhân vật số hai trong nhóm của Sorge.

Thành viên quan trọng thứ hai, sau Sorge, trong nhóm gián điệp này là Hotsumi Ozaki, một nhà báo người Nhật Bản có xu hướng thiên tả. Ozaki là một chuyên gia về Trung Quốc rất uy tín, có những mối quan hệ chính trị nhiều ảnh hưởng. Một trong những người bạn của Ozaki là thư ký trưởng của nội các Nhật Bản, Thái tử Fumimaro Konoye. Sau này, Konoye đưa Ozaki vào làm cố vấn nội các. Ozaki chuyển đến làm việc trong dinh thự của Thủ tướng, nơi anh ta được tiếp cận những tài liệu mật và chuẩn bị những báo cáo về chính sách đối ngoại và các đề xuất cho chính phủ. Những thông tin và đánh giá của Ozaki là nội dung chính trong các báo cáo của Sorge gửi về Mátxcơva.

Richard Sorge.

Sorge thuê một ngôi nhà nhỏ ở một khu vực yên tĩnh để ở. Ngôi nhà nằm gần đồn cảnh sát địa phương. Theo Sorge, “náu mình nơi lộ liễu nhất” là cách ẩn mình an toàn nhất. Anh thường phóng như bay qua những khu phố đông đúc của Tôkiô trong tình trạng nửa tỉnh nửa say. Mùa hè năm 1936, anh tán tỉnh một nhân viên phục vụ tại một trong những nhà hàng mà anh thường xuyên lui tới - cô Hanako Iishi, 26 tuổi. Chẳng bao lâu sau, Iishi dọn đến sống trong ngôi nhà của Sorge. Đây có lẽ là mối tình kéo dài nhất trong cuộc đời của anh.

Mùa xuân năm 1936, công sức xây dựng cơ sở của Sorge ở Tôkyô trong 3 năm bắt đầu được đền đáp. Từ những cuộc hội đàm bí mật giữa Đức và Nhật Bản ở Béclin, tùy viên quân sự Đức ở Tôkyô Eugen Ott nắm được thông tin về Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản. Sứ quán Đức ở Tôkyô được lệnh giữ kín chuyện này, nhưng Ott vẫn chia sẻ với Đại sứ Dirksen và Sorge! Kết quả là GRU đã kịp thời nắm được toàn bộ thông tin này.

Năm 1938, Ott, lúc này đã được thăng quân hàm thiếu tướng, được bổ nhiệm làm Đại sứ Đức tại Nhật Bản. Điều này càng góp phần nâng cao chỗ đứng của Sorge trong sứ quán Đức. Ott cho anh xem tất cả các bức điện, kể cả các báo cáo của ông ta và đề nghị anh cho ý kiến trước khi chuyển chúng về Béclin. Ott thường nói với Sorge: “Chúng tôi phát hiện thấy điều này, anh đã nghe đến chưa và anh đánh giá ra sao?”. Tùy viên cảnh sát của sứ quán, Đại tá thuộc cơ quan mật vụ của Đức quốc xã (Gestapo) Joseph Meisinger, khẳng định rằng, mối quan hệ giữa Ott và Sorge “gần gũi đến mức tất cả các báo cáo thông thường gửi từ phòng tuỳ viên về Béclin chỉ là phần rất nhỏ trong số những báo cáo do chính tay Sorge viết và được đại sứ ký tên”!

 

Hanako Iishi – người tình một thời của Sorge.

Tháng 6 năm đó, Trung tướng Genrikh Lyushkov, Giám đốc NKVD (tiền thân của KGB) ở khu vực Viễn Đông của Nga, vượt qua biên giới vào vùng Mãn Châu (Trung Quốc) xin tị nạn chính trị. Mátxcơva mong muốn được biết viên tướng này đã tiết lộ những gì cho người Nhật. Béclin đã cử một sĩ quan tình báo đến Tôkyô để thẩm vấn Lyushkov và ngay sau đó, Sorge nhận được bản copy báo cáo tối mật của sứ quán. Nhờ vào những bức điện khẩn của Sorge, Mátxcơva đã kịp thời ngăn chặn được hậu quả từ những tiết lộ của Lyushkov.

Sáu tuần sau đó, xung đột Xô-Nhật đã bùng nổ ở khu vực biên giới mà Lyushkov đào thoát khi Liên Xô muốn bịt lại lỗ hổng này. Nhóm của Sorge đã nắm được thông tin cho biết, giới lãnh đạo Nhật Bản, do bị chi phối bởi cuộc chiến ở Trung Quốc, quyết định không để vụ va chạm này phát triển thành một cuộc xung đột trên quy mô lớn. Vì thế, sau 2 tuần giao tranh, trận đánh Hồ Khasan chấm dứt với việc Tôkyô chấp nhận những điều khoản do Mátxcơva đưa ra.

Kịch bản tương tự cũng diễn ra một năm sau đó trong cuộc chiến không được tuyên bố trước trên biên giới Mông Cổ - Mãn Châu. Quy mô và phạm vi của cuộc chiến này lớn hơn rất nhiều so với trận đánh lần trước nhưng chiến thắng lại một lần nữa đến với Mátxcơva, mà công lớn thuộc về Sorge nhờ những tin tức tình báo mà anh thu thập được.

Sorge cũng chính là người đã cung cấp cho Mátxcơva thông tin về việc Nhật Bản đang cố lôi kéo Đức vào liên minh quân sự chống Liên Xô. Để hóa giải mọi nỗ lực của Nhật Bản, vào tháng 8 năm đó, Liên Xô đã ký với Đức Hiệp ước không xâm lược Đức-Xô. Các tin tức tình báo mà Sorge chuyển cho Mátxcơva đóng góp rất nhiều vào việc hoạch định chiến lược này, song đó vẫn chưa phải là cống hiến to lớn nhất của anh cho Liên Xô.

Đình Vũ (Tổng hợp)

Điệp viên nguy hiểm nhất trong lịch sử(Kỳ cuối)
Điệp viên nguy hiểm nhất trong lịch sử(Kỳ cuối)

Tháng 10/1941, cảnh sát Nhật Bản thẩm vấn một thợ may - người này trước đây được một điệp viên cấp dưới của Ozaki tên là Yotoku Miyagi tuyển dụng. Người thợ may này đã khai ra tên của Miyagi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN