“Điệp viên” bên cạnh tổng thống - kỳ I

Nghe quan chức đứng đầu ngành phản gián báo cáo rằng Charles Hernu, người bạn thân thiết, từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, đã về nơi chín suối của mình, có thời làm gián điệp cho Đông Âu, Tổng thống Francois Mitterrand bàng hoàng. Vì danh dự đất nước, uy tín và tiền đồ chính trị của nhà lãnh đạo tối cao, báo cáo trên sau đó đã được xếp vào hàng “bí mật quân sự”. Tuy nhiên, hơn 4 năm sau, khi ông Mitterrand cũng thành người thiên cổ, vụ xìcăngđan này đã bị báo chí Pháp khui ra.


1. Bài báo chấn động “Xứ sở Gà trống Gaulois”


Hạ tuần tháng 10/1996, L’Express, tuần san chính trị có ảnh hưởng tương đối lớn ở Pháp, đã cho đăng tải thông tin gây chấn động. Đây là kết quả điều tra bí mật trong nhiều tháng của hai cây bút: Par Dupuis Jérôme và Pontaut Jean - Marie. Những chứng cứ họ thu thập được cho thấy Charles Hernu, nhân vật giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Pháp từ năm 1981 tới năm 1985 trong nội các nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Francois Mitterrand, từng làm gián điệp cho Bungari, Rumani và cuối cùng là Liên Xô. Người dân Pháp và nhiều chính trị gia nước này cảm thấy bàng hoàng vì ngay cả Bộ trưởng Quốc phòng cũng làm gián điệp cho nước ngoài thì an ninh quốc gia khó có thể vẹn toàn. Tuy nhiên, từ bốn năm trước, ở một phạm vi rất hẹp, thông tin trên không phải là quá xa lạ.


L’Express, tờ báo đã đăng bài cho rằng Hernu làm gián điệp cho Đông Âu.


Một sáng mùa thu năm 1992, ông Mitterrand đang đọc văn kiện thì Thư ký vào báo Cục trưởng Cục Giám sát Lãnh thổ (DST) Jacques Fournet xin gặp. Nghe vậy, ông Mitterrand biết có chuyện bất thường liên quan tới quan chức cấp cao của chính phủ vì DST là cơ quan phụ trách công tác phản gián và việc Fournet xin gặp rất đường đột, không có trong nhật trình. Bỏ tập văn kiện xuống, ông Mitterrand lập tức bảo Thư ký gọi Fournet vào.


Sau lời chào, Fournet nghiêm trang đặt lên bàn Tổng thống một tập tài liệu mật. Mở ra đọc lướt, chủ nhân Điện Elysee nghe như có sấm rền bên tai. Hóa ra, tập tài liệu đó là một báo cáo chi tiết về việc Bộ trưởng Quốc phòng Charles Hernu khi còn sống đã chấp nhận làm gián điệp cho nước ngoài và bán tin tức tình báo lấy tiền. Vị Tổng thống đương nhiệm của Pháp không tin đó là sự thật bởi lúc sinh thời, Hernu và Mitterrand là hai người bạn thân thiết, giữa họ có hơn 30 năm gắn bó. Hơn nữa, Hernu còn đóng vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp chính trị của Mitterrand. Do đó, vào năm 1981, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, chính Mitterrand đã chọn Hernu làm Bộ trưởng Quốc phòng.


Ông Mitterrand (trái) và đồng minh Hernu (phải) khi hai người còn tại nhiệm.


Lẽ nào một người bạn thân thiết trong cuộc sống, một đồng minh tin cậy trên chính trường của Tổng thống Mitterrand như Hernu lại làm gián điệp? Phải chăng đây là cái bẫy của cơ quan tình báo Đông Âu? Đọc tới đây, nhiều độc giả sẽ đặt ra câu hỏi như vậy và đó cũng là nghi hoặc của ông Mitterrand. Để giải tỏa sự hoài nghi của nhà lãnh đạo tối cao, Fournet đã đưa ra tài liệu của cơ quan tình báo một nước Đông Âu, trong đó có nhiều tờ biên lai ghi chi tiết từng lần Hernu lĩnh tiền từ cơ quan tình báo trên.


Nghe Fournet trình bày, ông Mitterrand bị chấn động mạnh. Bởi nếu Hernu đúng là hoạt động gián điệp cho Đông Âu, thì những thành tích ngoại giao mà chính phủ Pháp đạt được với một số nước Đông Âu, đặc biệt là Liên Xô, đều là kết quả sắp đặt trước của đối phương. Trong trường hợp thông tin này truyền ra bên ngoài, chắc chắn cả thế giới sẽ chế nhạo chính phủ Pháp. Người dân và các đối thủ chính trị cũng sẽ không để ông Mitterrand yên vị bởi “xìcăngđan bổ nhiệm gián điệp nước ngoài làm Bộ trưởng Quốc phòng”.


Cân nhắc hậu quả, ông Mitterrand vỗ vai thân mật và yêu cầu Fournet xếp bản báo cáo trên vào dạng “bí mật quân sự”. Sau này khi tâm sự với tờ Le Monde, Fournet cho biết việc nghe lệnh Tổng thống xếp báo cáo Hernu làm gián điệp nước ngoài vào dạng “bí mật quốc gia” luôn làm ông cảm thấy lo lắng. Nhưng với cách làm này, vụ xìcăngđan lớn nhất, đồng thời là vụ án gián điệp lớn nhất ở Pháp tính tới thời điểm đó đã bị phủ bụi trong tủ hồ sơ mật, chỉ có ông Mitterrand và giới chức tối cao của DST biết. Ngoài ra, một số nhân vật khác như Thủ tướng Édouard Balladur (giai đoạn 1993 - 1995), Bộ trưởng Nội vu Charles Pasqua (giai đoạn 1993 - 1995) và người kế nhiệm của họ cũng nghe phong thanh về sự kiện này, nhưng đều không có bình luận gì và giữ kín như bưng.


2. Nhẹ nhàng “sập bẫy”


Những tưởng bí mật “Hernu làm gián điệp” sẽ bị chôn vùi, nhưng rốt cuộc vẫn không chìm vào quên lãng. Bốn năm sau ngày Cục trưởng DST Fournet xách cặp lên báo cáo Tổng thống Mitterrand, Par Dupuis Jérôme và Pontaut Jean - Marie đã đưa vụ việc ra ánh sáng. Sau nhiều tháng điều tra tại Pháp và một số nước Đông Âu, hai phóng viên của tờ L’Express đã chứng minh rằng, chí ít Hernu đã làm gián điệp cho Đông Âu trong 10 năm và nhận được một lượng lớn tiền thù lao từ Mátxcơva.


Hernu (thứ 2 từ phải sang) chuẩn bị lên máy bay ở căn cứ không quân Adrews sau chuyến thăm Mỹ vào tháng 1/1983.


Tài liệu công khai cho thấy Hernu sinh năm 1924 tại Pháp, nhưng lại tốt nghiệp Đại học Catholic Leuven của Bỉ. Ngay từ khi còn là sinh viên, Hernu đã cho thấy thiên hướng chính trị khi cùng bạn bè sáng lập hội sinh viên có tên là “Reuzegom”. Trong suốt những năm tháng trên giảng đường, Hernu được biết đến với biệt danh “Charles - Ngài Không thể đánh bại” vì có tửu lượng đáng kinh ngạc và luôn kiên gan bền chí trong việc chinh phục người đẹp.


Ra trường, Hernu bắt đầu làm việc cho Trung tâm Ngoại thương Quốc gia (CNCE). Năm 1953, Hernu cùng một số nhân vật cấp tiến thành lập Câu lạc bộ Jacobins - một tổ chức cấp tiến nghiêng về cánh tả ở Pháp, ủng hộ chính trị gia Pierre Mendès France, người mà một năm sau trở thành Thủ tướng Pháp. Để đáp ứng nhu cầu cuộc sống và phục vụ cho các hoạt động chính trị, Hernu cần có tiền bạc khá lớn. Nhưng khi đó, Hernu vẫn còn trẻ, chưa tích lũy được là bao, vả lại đồng lương của một viên chức nhỏ cũng có hạn.


Đánh giá chung, theo Par Dupuis Jérôme và Pontaut Jean - Marie, Hernu là người hoạt bát, thông minh và cơ trí. Par Dupuis Jérôme và Pontaut Jean - Marie cho biết thêm khi Hernu trưởng thành, cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Đông và Tây đang diễn ra kịch liệt, cơ quan tình báo Đông Âu rất có nhu cầu xây dựng nguồn tin tình báo tương lai. Hernu đã lọt vào mắt của các nhà tuyển mộ thuộc cơ quan tình báo Đông Âu vì sở hữu những đức tính cần thiết của một điệp viên, có nền tảng phát triển sự nghiệp chính trị và đang khát khao có được nguồn tài chính hậu thuẫn. Mành lưới được giăng lên và Hernu hoàn toàn không biết rằng mình chuẩn bị “mắc lưới”.


Người được giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch tuyển mộ Hernu là Raiko Nikolov, một điệp viên Đông Âu hoạt động dưới vỏ bọc là Bí thư Thứ ba Đại sứ quán Bungari tại Pari (Pháp) với tên giả là Vinogrador. Ban đầu, hai người chỉ là bạn bè và yêu cầu của Nikolov đưa ra cũng xuất phát từ góc độ quan tâm của bạn bè đối với nhau. Câu chuyện của họ xoay quanh hoạt động của Câu lạc bộ Jacobins, nơi Hernu đóng vai trò ngày một quan trọng. Nội dung trao đổi tưởng chừng không có gì to tát đó lại mang lại cho Hernu những món hời lớn. Trong một bản tin phát đi từ Pari ngày 29/6/1996, hãng tin AP cho biết, ban đầu, mỗi tháng Hernu được cơ quan tình báo Bungari (và sau này là KGB - cơ quan tình báo Liên Xô) trả 550 USD. Số tiền dần được nâng lên 3.000 USD/tháng khi Hernu trúng cử Nghị sĩ Quốc hội. Từ vô tình, khi nhận tiền của Nikolov, Hernu dần vào thế tự nguyện làm người cung cấp tin cho tình báo Đông Âu và được đặt mật danh là “Andre”, “Dinou”.


Ngày 2/1/1956, sau khi Pierre Mendès France mất chức Thủ tướng, nhưng vẫn là nhân vật quyền lực trong nội các, Hernu trúng cử tại khu vực bầu cử số 6 ở Siene, trở thành Nghị sĩ thuộc Mặt trận Cộng hòa. Nhưng vào năm 1958, khi trở lại nắm quyền, Tướng Charles de Gaulle ra lệnh giải tán Quốc hội. Hernu tham gia tranh cử ở Pari. Để hậu thuẫn cho Hernu, cơ quan tình báo Đông Âu đã hỗ trợ cho nhân vật này khoản kinh phí trị giá hơn 25.000 USD. Đây là khoản tiền rất lớn vào thời đó.


Nhờ có sự hỗ trợ nêu trên, Hernu có điều kiện thực hiện chiến dịch tuyên truyền rầm rộ. Hòm thư của các cử tri trong khu vực bầu cử của Hernu tràn ngập tờ rơi kêu gọi ủng hộ nhân vật này. Trên những tờ rơi đó in khẩu hiệu: “Bỏ phiếu cho Hernu, bạn sẽ được bảo vệ!” Tuy nhiên, kết quả lại vượt qua sự dự liệu của nhiều người. Hernu đã thất cử vì chỉ giành được 5,3% số phiếu ủng hộ. Dù tiêu phí mất 3 triệu franc mà không đạt được mục đích đề ra, nhưng cơ quan tình báo Đông Âu vẫn đánh giá cao tiền đồ chính trị của Hernu. Chính vì thế, họ đã sắp xếp để Hernu gặp nhà lãnh đạo tối cao của Liên Xô.




Gia Hân (Tổng hợp)

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN