Diễn viên Hedy Lamarr và phát minh cách mạng trong viễn thông

Diễn viên Hedy Lamarr và phát minh cách mạng trong viễn thông-Kỳ cuối: Quả bom tình dục và hệ thống điều khiển ngư lôi

Được MGM quảng cáo là "Người phụ nữ đẹp nhất thế giới", chẳng bao lâu sau Lamarr đã trở thành một trong những người phụ nữ được ưa chuộng nhất ở Hollywood, "nhà máy sản xuất những giấc mơ".

Nhạc sĩ người Mỹ George Antheil, người đã cùng Hedy Lamarr phát minh phương pháp nhảy tần số, được ứng dụng rộng rãi trong công nghệ viễn thông ngày nay.

Cô thường xuyên được mời đóng các vai quyến rũ xinh đẹp, kỳ lạ, ví dụ như người tình của trùm trộm cắp Pepe Le Moko trong phim "Algiers", người đẹp Ai Cập Tondelayo đã làm cho những ông chủ thực dân da trắng phải quay cuồng trong phim "White Cargo", hoặc nhân vật Delilah xinh đẹp, nhưng lừa đảo, ham mê vật chất trong phim "Samson và Delilah". Thậm chí, người ta đã cân nhắc việc mời cô thủ vai chính trong phim "Casablanca". Trong đời tư, diva màn bạc này cũng nổi tiếng là một người mồi chài, là "sát thủ" đối với giới mày râu, là quả bom tình dục. Trên con đường công danh của mình, Hedy Lamarr đã trải qua 6 lần kết hôn và ly hôn, vô số cuộc tình với các diễn viên, nhà sản xuất phim, nhạc sĩ và một ông trùm dầu mỏ ở Texas.

Một người đàn ông đã tạo ra bước ngoặt bất ngờ trong đời cô là nhạc sĩ tiên phong George Antheil. Lamarr làm quen với ông trong một bữa tiệc tối ở Hollywood năm 1940. Người nữ diễn viên rất quan tâm tới âm nhạc này đã nhanh chóng kết thân với Antheil và thường tới thăm ông. Họ cùng chơi đàn dương cầm và nói chuyện về âm nhạc, nghệ thuật và việc làm thế nào để hỗ trợ Mỹ trong cuộc đấu tranh chống chính quyền Đức Quốc xã. Antheil cũng phải chạy trốn khỏi châu Âu vì Hitler, nên cũng giống như Lamarr là những người chống đối mạnh mẽ chủ nghĩa Quốc xã cũng vì lý do cá nhân.

Được MGM quảng cáo là "Người phụ nữ đẹp nhất thế giới", chẳng bao lâu sau Lamarr đã trở thành một trong những người phụ nữ được ưa chuộng nhất ở Hollywood, "nhà máy sản xuất những giấc mơ".


Tại một trong những cuộc gặp gỡ này, Lamarr đã nhớ lại những buổi nói chuyện của người chồng cũ về việc sử dụng hiệu quả ngư lôi. Những tàu chiến của kẻ thù khi đó có thể dễ dàng tránh những quả ngư lôi không được điều khiển và những quả ngư lôi được điều khiển qua sóng vô tuyến có thể bị kẻ thù gây nhiễu bằng cách phong tỏa những tần số vô tuyến điều khiển ngư lôi. Antheil và Lamarr chợt nảy ra ý tưởng: Nếu ngư lôi và hệ thống điều khiển có thể cùng nhau thay đổi tần số thì không thể phong tỏa tần số của chúng được. Chỉ cần việc thay đổi tần số được thực hiện một cách đồng bộ.

Antheil lại nảy ra một ý tưởng nữa: Trong những năm 1920, ông đã soạn thảo "Ballet Mecanique", một tác phẩm âm nhạc do 16 đàn dương cầm tự động hoàn toàn trình diễn. Những chiếc đàn dương cầm này được điều khiển qua những cuộn băng đục lỗ và chơi hoàn toàn đồng bộ theo nhịp điệu. Chỉ cần chuyển nguyên tắc này sang ngư lôi và thay vì thay đổi phím đàn, giờ đây cùng lúc thay đổi tần số vô tuyến của hệ thống điều khiển và, như vậy không thể phong tỏa, làm nhiều được sự điều khiển ngư lôi từ xa. Lamarr và Antheil bắt đầu tìm cách cụ thể hóa ý tưởng của mình. Họ bắt đầu tiếp xúc với hải quân. Lúc rảnh rỗi, Lamarr thường tới căn cứ hải quân ở San Diego để thử nghiệm phương pháp nhảy tần số. Cuối cùng, họ gửi bản thảo ý tưởng của mình tới Hội đồng Phát minh Quốc gia, tổ chức bao trùm của những nhà phát minh Mỹ. Charles Kettering, Giám đốc Hội đồng đã trực tiếp viết thư trả lời và khuyên họ nên đăng ký bản quyền phát minh nguyên tắc này.

Hedy Lamarr trong ngày cưới với người chồng thứ ba - diễn viên John Loder.


Ngày 11/8/1942, bằng phát minh Mỹ mang số hiệu 2.292.387 dành cho "Một hệ thống viễn thông bí mật", thay đổi giữa 88 tần số vô tuyến (tương ứng với 88 phím đàn dương cầm) đã được cấp. Lamarr và Antheil tình nguyện cung cấp miễn phí cho hải quân Mỹ. Nhưng hải quân tỏ ra thờ ơ, không quan tâm, cho rằng ý tưởng áp dụng việc điều khiển đàn dương cầm vào điều khiển vũ khí là vớ vẩn. Vì vậy, ý tưởng của họ đã không được áp dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Mãi tới năm 1957, quân đội Mỹ mới tiếp tục nghiên cứu về phương pháp nhảy tần số. Năm 1962, công nghệ vô tuyến mới này lần đầu tiên được đưa ra áp dụng trong cuộc khủng hoảng Cuba, nhưng khi đó bản quyền phát minh của Lamarr và Antheil đã hết hạn, nên họ không được hưởng lợi gì về tài chính.

Nhưng phải tới những năm 1980, khi quân đội Mỹ cho giải mật công nghệ của phương pháp nhảy tần số, tiềm năng cách mạng thực sự của phát minh này mới được phát huy. Bởi vì không chỉ ngư lôi, mà việc liên lạc viễn thông giữa các điện thoại di động, các mạng vô tuyến và Internet di động mới được an toàn, không bị phá rối và nghe trộm thông qua phương pháp này. Trên thực tế, mỗi một máy điện thoại thông minh, mỗi một máy tính xách tay và mỗi một hệ thống định vị ngày nay đều hoạt động dựa trên phát minh của diva điện ảnh xinh đẹp Hedy Lamarr. Từ đó, phát minh của Lamarr mới được công nhận và năm 2006, một sáng kiến của Béclin đã kêu gọi lấy ngày 9/11, ngày sinh của Hedy Lamarr, làm "Ngày của các nhà phát minh", để vào ngày này, tôn vinh những nhà tư tưởng sáng tạo nhất ở châu Âu.

Nhưng Lamarr không còn được hưởng những vinh quang muộn màng nữa: Sau khi hợp đồng của bà với MGM hết hạn, bà hầu như chẳng nhận được lời mời tham gia đóng phim nào. Cuối những năm 1950, bà lui về ở ẩn. Bằng vô số các cuộc phẫu thuật thẩm Mỹ, Lamarr mong muốn giữ lại sắc đẹp và tuổi trẻ của mình, nhưng ngay cả con trai bà là Anthony Loder cũng phải thú nhận rằng bà đã biến thành một dạng "Frankenstein". Lúc cuối đời, ngay cả với bạn bè thân, Lamarr cũng chỉ giao tiếp qua điện thoại. Ngày 19/1/2000, bà qua đời tại nhà riêng ở Florida (Mỹ).

Trên con đường công danh sự nghiệp, Hedy Lamarr đã được tôn vinh với một ngôi sao trên Đại lộ danh vọng (Walk of Fame) của Hollywood và năm 2006, tên của bà đã được đặt cho một con đường tại Viên, quê hương bà.

Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN