Cuộc truy tìm "dã nhân" Thần Nông Giá(Kỳ 2)

Tháng 7/2010, câu chuyện về "dã nhân" Thần Nông Giá lại rộ lên khi anh nông dân Đinh Phi ở thôn Bàn Thủy vào rừng sâu hái thuốc vô tình nhặt được một chùm lông rối kỳ lạ, pha trộn cả màu trắng lẫn màu đen và màu nâu, được cho là của "dã nhân" Thần Nông Giá. Sau đó, Đinh Phi đã dẫn các nhân viên điều tra tới hiện trường. Họ bất ngờ phát hiện thêm những dấu chân khổng lồ với chiều dài lên tới hơn 30 cm in trên mặt đất xốp gần đó. Hiện các mẫu vật thu thập được đã được cơ quan chức năng đưa đi nghiên cứu làm rõ nguồn gốc. Trong khi chờ đợi câu trả lời từ phía các nhà khoa học, "dã nhân" Thần Nông Giá một lần nữa trở thành chủ đề truyền khẩu của nhiều người.


Kỳ 2: Động lực từ quá khứ

Kỳ thực, không phải bước vào thế kỷ 20 “dã nhân” Thần Nông Giá mới xuất hiện. Nguyên phó Cục trưởng Cục Tuyên truyền khu ủy Vân Dương, Hồ Bắc, ông Lý Kiện phát hiện hình ảnh miêu tả trong bài thơ “Sơn Quỷ” của Khuất Nguyên (một nhà thơ lớn thời Chiến quốc, khi nhỏ sống gần khu vực núi Thần Nông Giá) rất giống với những gì mà dân gian truyền khẩu về “dã nhân” Thần Nông Giá. Qua nhiều thư tịch cổ của Trung Quốc, người ta còn biết rằng Tây Di từng tặng Hoàng đế Lưu Tống của Nam Bắc triều một đôi “dã nhân”.

Khu vực núi Thần Nông Giá được cho là nơi sinh sống của "dã nhân".

Ngoài ra, theo cuốn “Phòng huyện chí” viết dưới thời nhà Thanh, khu vực Thần Nông Giá (trước đây là Phòng Sơn) núi cao hiểm trở âm u, có nhiều hang động, là nơi trú ngụ của một loại động vật cao lớn, người đầy lông, thỉnh thoảng lại ra tấn công người, bắt gà, bắt chó… Loài động vật đó đương nhiên không thể là khỉ Kim Ti hay khỉ Macác hiện sinh sống ở Thần Nông Giá được. Những ghi chép đầu thế kỷ XX cũng cho thấy trong giai đoạn từ 1925 đến 1942, người dân huyện Phòng đã nhiều lần bắt sống và đánh chết “dã nhân”.

Có nhân chứng còn kể lại rằng trước đây quân đoàn số 75 của Quốc dân đảng cũng bắt được một đôi “dã nhân”, một đực một cái ở Bàn Thủy (Thần Nông Giá). Thân chúng mọc đầy lông màu đỏ, đầu chúng to hơn đầu người, mặt chúng dài hơn mặt người và cũng có lông. Đặc biệt, chúng đi bằng hai chân giống như người. Quân Quốc dân đảng dùng dây thép trói chúng lại dẫn đi. Một số người dân địa phương bạo gan còn mang ngô tới, chúng chìa tay ra với lấy và gặm ngon lành.

Bắt đầu từ năm 1976, Trung Quốc đã nhiều lần tiến hành khảo sát về “dã nhân” Thần Nông Giá, phát hiện một lượng lớn dấu chân của “dã nhân”, thu thập được hàng nghìn sợi lông của “dã nhân”. Đặc biệt, đội khảo sát còn tìm được cả “ổ” bện bằng cây trúc cao 76 cm, có đường kính vòng ngoài là 94 cm, rất thích hợp cho việc nằm, ngồi của “dã nhân”. Kết quả nghiên cứu sau đó cho thấy dấu chân của “dã nhân” tìm thấy ở Thần Nông Giá không giống dấu chân của bất cứ loại động vật linh trưởng nào được biết tại đây, “lạc hậu” hơn so với chân người, nhưng “tiến bộ” hơn so với chân sau của động vật linh trưởng bậc cao hiện đại.

Kết quả giám định nguyên tố vi lượng và kiểm tra vi sinh vật học những chiếc lông của “dã nhân” thu thập được cũng cho thấy ở khu vực Thần Nông Giá tồn tại một loại động vật linh trưởng to lớn, có thể đứng thẳng để đi và tiến bộ hơn loại người vượn đã biết trên thế giới. Dẫu vậy, công tác tìm kiếm vẫn không đạt được bước đột phá vì không tìm thấy một “phiên bản sống”, xương cốt hay chụp được ảnh của “dã nhân” Thần Nông Giá. Tới giữa năm 1981, các đội khảo sát được lệnh giải tán. Việc tìm kiếm “dã nhân” Thần Nông Giá về mặt chính thức tạm dừng lại.

Bước sang thế kỷ 21, chuyện “dã nhân” Thần Nông Giá lại rộ lên khi nhiều người kể lại rằng họ đã nhìn thấy chúng. Rạng sáng 6/9/2000, chiếc xe chở nhân viên Cục Điện tín thành phố Thập Yến (nằm ở phía tây bắc tỉnh Hồ Bắc) tới gần chỗ ngoặt trong khu bảo tồn tự nhiên quốc gia Thần Nông Giá. Tám người ngồi trên xe nhìn thấy ở phía trước, cách họ khoảng 50 mét có hai “dã nhân” với bộ lông màu nâu đen đang đi trên đường, một trước một sau. Nhưng cũng bất ngờ như lúc xuất hiện, chúng đột ngột lao xuống vệ đường và biến mất vào rừng để lại những vết chân to lớn in hằn trên nền đất xốp bên đường.

Gần hai năm sau, đến lượt Phó Chủ tịch thị trấn Hồng Bình ở Thần Nông Giá, ông Khâu Hổ và trạm trưởng trạm lâm nghiệp Hồng Bình, ông Phó Truyền Kim nhìn thấy “dã nhân” trên đường đi công tác. Đó là đêm 28/1/2002. Ngoài trời tuyết đang rơi. Ánh đèn pha ô tô phản chiếu trên nền đường tuyết trắng khiến mọi vật trông rõ như ban ngày. Khoảng 23 giờ 40 phút, xe cách đường Nguyên Kiều Động Câu khoảng 250 mét. Chỗ này đường dốc và có hai chỗ ngoặt gấp, nên trạm trưởng Phó Truyền Kim chỉ dám đi với tốc độ chậm. Tới chỗ ngoặt thứ hai, qua ánh đèn pha ô tô, trạm trưởng Phó Truyền Kim nhìn thấy ở cách xe khoảng 20 mét có một động vật giống người, không phải là khỉ đang đi bằng hai chân sau.

Khi ánh đèn pha ô tô chiếu vào người, nó vội vàng băng qua đường, chạy như bay vào rừng nguyên sinh ở hướng sông Âm Dụ, mấy giây sau thì bặt dạng. Nhưng trạm trưởng Phó Truyền Kim vẫn kịp ghi nhận hình ảnh của sinh vật lạ bởi sự lừng lững của nó. Theo hồi ức của trạm trưởng Phó Truyền Kim, sinh vật này có bộ lông màu vàng tro, không có đuôi, có thể nặng trên 100 kg, nhưng rất nhanh nhẹn, bước đi có sải rất rộng. Lái xe thêm được khoảng 100 mét, trạm trưởng Phó Truyền Kim vẫn cứ lẩm bẩm: “Không biết mình vừa gặp người hay ma?”. Ngồi bên cạnh, phó Chủ tịch Khâu Hổ cũng cảm thấy lạ lùng không kém: “Rốt cuộc, đó là người hay ma?”. Khi xe tới đường quốc lộ số 209, phó Chủ tịch Khâu Hổ mới giật mình tỉnh ngộ: “Lẽ nào đó chính là “dã nhân” mà mọi người hay nói tới?”

Nghĩ vậy, ông liền bảo trạm trưởng Phó Truyền Kim lái xe quay trở lại. Lúc đó đã là 1 giờ sáng 29/1/2002. Tới nơi, xuống xe, hai người quả nhiên phát hiện một số dấu chân lớn, 4 ngón chụm, ngón cái chìa ra ngoài. Phó Chủ tịch Khâu Hổ đo chiều dài được 2 gang (khoảng 40 cm) và ước lượng bề rộng của dấu chân khoảng 15-17 cm. Cự ly giữa dấu chân trước với dấu chân sau khoảng từ 2-2,2 mét. Trạm trưởng Phó Truyền Kim thốt lên: “Đây chính là vết chân của “người nọ”. Tôi khẳng định đây không phải là dấu chân của gấu. Bao nhiêu năm làm lâm nghiệp ở Thần Nông Giá, tôi thuộc lòng vết chân của từng loại gấu”.

Minh Thành (tổng hợp)

Cuộc truy tìm "dã nhân" Thần Nông Giá (Kỳ cuối)
Cuộc truy tìm "dã nhân" Thần Nông Giá (Kỳ cuối)

Trong số những thông tin liên quan đến “dã nhân” Thần Nông Giá, li kỳ nhất phải nói đến chuyện xảy ra vào năm 1915 đối với chàng thợ săn Vương Lão Trung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN