Về việc nữ giới đăng ký chạy đua Tổng thống Mỹ, ngoài Victoria Woodhull, còn có những người khác, như Belva Lockwood, nhưng phải đợi đến gần một thế kỷ sau mới có những phụ nữ dũng cảm bước theo con đường của Woodhull.
Victoria Woodhull, nữ ứng cử viên tổng thống đầu tiên của Mỹ. |
Năm 1964, Thượng nghị sĩ tiểu bang Maine, Margaret Chase Smith tuyên bố chạy đua để trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa nhưng không thành. Năm 1972, Hạ nghị sĩ của New York Shirley Chisholm cũng tìm kiếm vị trí ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. Nỗ lực tương tự của Hạ nghị sĩ Patsy Mink của Hawaii cũng thất bại. Danh sách này dài hơn trong những năm gần đây, trong đó phải kể đến Hạ nghị sĩ Patricia Schroeder.
Các Thượng nghị sĩ Elizabeth Dole, Carol Moseley Braun và Michele Bachman cũng là những chính khách từng tham vọng trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ, song ước mơ đó vẫn chưa thể thành hiện thực, thậm chí chưa có nữ chính khách nào chiến thắng trong cuộc đua trở thành ứng viên tổng thống của hai đảng lớn tại Mỹ, mặc dù thực tế là tỷ lệ cử tri nữ của Mỹ chiếm đa số trong các cuộc bầu cử. Ngay trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 sắp tới, trong số khoảng 20 ứng viên tiềm năng của đảng Cộng hòa, chỉ có TNS Carly Fiorina là nữ.
Bà Hillary Clinton trong chiến dịch vận động trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ năm 2008. |
Nhìn lại con đường của Victoria Woodhull, nhiều người nghĩ tới bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống tiềm năng nhất hiện nay của đảng Dân chủ. Giữa hai người phụ nữ này có những nét tương đồng thú vị: cựu Ngoại trưởng Clinton trưởng thành từ vùng ngoại ô của Chicago, là con gái của một doanh nhân làm ăn nhỏ chuyên bán hàng may mặc và có mẹ là một người nội trợ với một tuổi thơ không êm đềm. Chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton cũng từng dính vào bê bối tình ái.
Là một luật sư, Thượng nghị sĩ và một nhà ngoại giao, bà Hillary Clinton là một trong những chính khách nổi tiếng trên thế giới. Tại bang Arkansas, bà là luật sư tại một trong những công ty luật hàng đầu của Mỹ, trong khi chồng bà, Bill Clinton làm Thống đốc tại bang này. Bà nhanh chóng trở thành cố vấn của chồng sau khi ông Bill Clinton bước vào Nhà Trắng năm 1992. Trên vai trò Thượng nghị sĩ, bà duy trì một quan điểm hài hòa giữa hai đảng – một cách tiếp cận có thể sẽ được tiếp tục trong đợt tranh cử năm 2016 sắp tới. Việc bà bỏ phiếu thuận cho Mỹ xâm lược Iraq năm 2002 trở thành một điểm bất đồng với Tổng thống Mỹ Barack Obama, người luôn phản đối cuộc chiến này. |
Cả hai người phụ nữ khi còn trẻ đều đã đặt ra cho mình những tham vọng to lớn. Với Victoria, đó là thoát khỏi cảnh nghèo đói và thực hiện những điều to lớn cho sự bình đẳng nam nữ. Với Hillary Clinton, ngay từ tuổi 20, bà đã cùng bạn trai Bill Clinton đặt mục tiêu sẽ bước vào Nhà Trắng, không phải với tư cách là đệ nhất phu nhân mà là tổng thống nữ đầu tiên của Mỹ.
Về quan điểm chính trị, xã hội, hai bà đều muốn thúc đẩy việc chăm sóc y tế toàn dân, bảo vệ quyền trẻ em, ủng hộ hoạt động của các nghiệp đoàn, quyền của người lao động, tạo điều kiện cho các lao động nữ đang nuôi con nhỏ, chấm dứt tình trạng bạo hành gia đình, phản đối tử hình, cải cách thuế… Phát biểu tại Hội nghị LHQ lần thứ 4 về vấn đề Phụ nữ, bà Clinton tuyên bố “nhân quyền là nữ quyền, và nữ quyền chính là nhân quyền”.
Bài phát biểu nhấn mạnh vấn nạn lạm dụng phụ nữ trên thế giới. Song tính cách hai người phụ nữ đặc biệt này lại có những nét trái ngược, trong khi Hillary Clinton là một người cẩn trọng, luôn suy tính kỹ mọi hành động, Victoria lại có một cá tính mạnh mẽ. Victoria Woodhull là người phụ nữ đầu tiên dũng cảm mở đường cho nữ giới tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng nhưng có lẽ sẽ phải đợi đến thế hệ của Hillary Clinton mới là người có thể biến ước mơ của hàng triệu người Mỹ này thành hiện thực.
Thái Nguyễn(Tổng hợp)