Trong bối cảnh lực lượng lao động của Nhật Bản nay chỉ ở mức dưới 80 triệu người và được dự báo sẽ tiếp tục giảm, robot đang được xem như những "người đóng thế" tiềm tàng bên cạnh sự tham gia nhiều hơn của nữ giới vào lực lượng lao động, trong khi biện pháp nhập cư ồ ạt được đánh giá là không khả thi xét về khía cạnh chính trị. Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp hiện nay ở Nhật Bản chỉ là 3,3%, mức thấp nhất trong 18 năm qua, trong khi số việc làm bị bỏ trống lại đang ở mức cao nhất trong 20 năm qua, các nhà sản xuất như hãng chế biến thực phẩm Ajinomoto được cho là sẽ đẩy mạnh cơ giới hóa hoạt động sản xuất do không thể thuê mướn nhân viên.
Theo Giám đốc Cơ quan phụ trách mảng công nghệ tối tân thuộc Bộ Kinh tế Nhật Bản Kyuuichiro Sano, thiếu hụt lao động đang là một vấn đề mang tính cơ cấu mà nước này phải đối mặt trong dài hạn do tình trạng xã hội già hóa, và những đơn vị như cơ quan của ông có thể là chìa khóa cho câu trả lời.
Robot công nghiệp trong một dây chuyền sản xuất xe hơi ở Nhật Bản. |
Sự kỳ vọng vào robot ở Nhật Bản trái ngược hoàn toàn với những hồi chuông cảnh báo đang được các phương tiện truyền thông phương Tây gióng lên về nguy cơ thất nghiệp do robot. Theo một nghiên cứu của Australia, gần một nửa tổng số việc làm hiện nay có thể được thực hiện bằng tự động hóa vào năm 2020, mà thậm chí cả những công việc văn phòng như kế toán, nhân viên ngân hàng hay thư ký cũng được cho là có nguy cơ bị "thế chỗ".
Mặc dù vậy, báo cáo công nghiệp Australia năm 2014 cũng chỉ ra lợi ích của việc nâng cao năng suất nhờ sử dụng robot, mà rốt cuộc sẽ giúp hạ giá thành sản phẩm và tăng thu nhập sau thuế. Theo nhà kinh tế học Mark Cully của Australian, điều này cũng sẽ giống với cuộc Cách mạng Công nghiệp, khi việc phát minh ra máy dệt đã khiến hàng loạt công nhân dệt vải bị thất nghiệp, song lại mang đến các sản phầm quần áo rẻ hơn cho người dân.
Nhà tư vấn quản lý ở Tokyo Lem Fugitt, người sáng lập trang web “Robots Dreams”, khẳng định cuộc cách mạng robot chắc chắn sẽ diễn ra ở Nhật Bản, mặc dù có thể theo một cách thức nằm ngoài dự tính của chính phủ nước này. Ông cho rằng chính phủ có thể sẽ chỉ đóng vai trò cổ vũ mà không có nhiều quyền kiểm soát trực tiếp đối với ngành công nghiệp robot và hoạt động đầu tư vào ngành này.
Các máy tính tiền tự động ở một siêu thị Nhật Bản . |
Khi được hỏi về mối đe dọa chính đối với vị thế dẫn đầu của Nhật Bản trong ngành công nghiệp robot, ông Fugitt nhận định “Trung Quốc còn ở quá xa, bởi họ có một thị trường nội địa đủ lớn để không cần phải tính đến việc xuất khẩu… Hàn Quốc có thể là mối đe dọa nếu các tập đoàn của họ cởi mở và chia sẻ công nghệ nhưng khả năng đó cũng khó xảy ra. Còn Mỹ, chắc chắn nước này sẽ nổi lên và khiến trật tự thay đổi”.
Theo chuyên gia này, điểm yếu của Nhật Bản là ứng dụng và triển khai các công nghệ tân tiến của mình. Người Nhật luôn muốn các nước khác và người khác đánh giá cao công nghệ của họ, nhưng họ lại có xu hướng phát triển một cách biệt lập. Họ thường không làm một điều gì đó chỉ vì nó không có ý nghĩa đối với họ, chứ không phải vì thị trường hay một yếu tố kinh doanh nào khác. Ông dẫn ra một ví dụ cụ thể như những chiếc xe lăn hiện đại của Nhật Bản chỉ giới hạn trọng lượng ở mức 100 kg.
Fugitt cũng dự báo trong tương lai, ngành tự động hóa sẽ phổ biến hơn là người máy. Ông nói: “Tôi không nghĩ là chúng ta sẽ được thấy nhiều người máy hơn tại các cửa hàng tạp hóa thay thế nhân viên phục vụ khách hàng, mà sẽ có nhiều hơn những máy tính tiền tự động và các thiết bị tự động hóa kiểu này đã đang làm thay đổi nhiều thứ ở đây.
Với Nhật Bản, việc sử dụng các cỗ máy thông minh và tăng tỷ lệ tự động hóa có thể là một cú huých lớn đối với nề kinh tế. Theo Tổ chức tư vấn Boston, các robot ở Nhật Bản có thể giúp nước này cắt giảm 25% chi phi nhân công nhà xưởng vào năm 2025 và thu được nhiều lợi ích từ việc nâng cao năng suất trong ngành dịch vụ, hiện được ước tính chỉ hiệu quả bằng 60% so với ở Mỹ.
Về vấn đề người máy trong tương lai sẽ là mối đe dọa đối với con người, ông Fugitt cho rằng mối nguy hiểm đến từ chính những quyết định của xã hội và sự quản lý chứ không phải bản thân robot. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không cần phải lo sợ công nghệ, mà hãy lo sợ chính khả năng của chúng ta trong việc giải quyết các vấn đề. Nếu bạn không làm việc chăm chỉ, bạn sẽ không đóng góp cho xã hội. Nhưng nếu bạn không có việc gì để làm, hay nếu điều hữu ích nhất mà bạn có thể làm, trong một công việc chưa bị các hệ thống tự động thay thế, chỉ là vẽ tranh chẳng hạn, thì đó cũng có thể là một rắc rối. Do đó, có những vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta chưa bắt đầu phải đối mặt, song trong vòng 10 năm tới sẽ có tác động chóng vánh tới xã hội của chúng ta”.