Chuyện cây cầu cổng vàng: Kỳ 1: Joseph Strauss - Người đam mê xây cầu

Xây dựng một chiếc cầu khổng lồ giữa một vùng hay có động đất? Không thể được, theo đánh giá của các chuyên gia. Nhưng Tổng công trình sư Joseph Strauss khẳng định: "Được chứ" và xây dựng cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge) tại San Francisco, bắc qua eo biển Cổng Vàng. Eo biển này được Thuyền trưởng John C. Fremont đặt tên là Cổng Vàng vào năm 1846, đúng thời kỳ cơn sốt vàng ở California, vì eo biển này gợi cho ông nhớ tới eo biển Sừng Vàng ở Ixtanbun (Thổ Nhĩ Kỳ). Chiếc cầu treo nổi tiếng nhất thế giới này đã khiến cho người kiến tạo ra nó kiệt sức và nhiều người mất mạng.


Tổng công trình sư Joseph B. Strauss (phải) thị sát công việc xây cầu ngày 6/5/1936.


Tổng công trình sư Joseph Baermann Strauss là một người nhỏ bé. Ông đã tỏ ra rất lạc quan khi công trình của mình được hoàn thiện vào ngày 19/4/1937. Khi những công nhân xây dựng đổ xô bê tông cuối cùng trên mặt cầu Cổng Vàng, thì cũng là lúc phóng viên túm lấy tay ông mà hỏi. Ông không sợ những kẻ chán đời sẽ dùng cây cầu này để kết liễu đời mình hay sao? Vị Tổng công trình sư lãnh đạm trả lời: "Ai mà lại muốn nhảy xuống từ cây cầu Cổng Vàng cơ chứ?". Nhưng chưa đầy 4 tháng sau, kẻ tự tử đầu tiên đã chứng minh rằng ông nhầm. Harold Wobber, một cựu chiến binh Mỹ trong Thế Chiến I đã nhảy qua lan can cầu chỉ cao có 1,2 mét, lao đầu vào chỗ chết. Riêng trong năm đó đã có 6 người tự tử theo gương Wobber.

Từ đó, hàng năm có hàng chục người nhảy từ cây cầu cao 67 mét xuống eo biển. Tới năm 1995, số người tự tử từ cây cầu này đã lên tới 1.000 và từ đó, các nhà chức trách không chính thức đếm số người chết từ cây cầu này nữa. Khả năng sống sót khi nhảy từ cây cầu xuống nước là rất thấp, vì mặc dù thời gian rơi xuống nước chỉ kéo dài 4 giây đồng hồ, nhưng cơ thể đập vào nước với tốc độ 120 km/giờ. Người ta ước tính, trung bình cứ hai tuần lại có một người nhảy từ cây cầu này xuống để tự tử.

Chiếc cầu treo nổi tiếng nhất thế giới này, được hoàn thiện cách đây đúng 75 năm đã trở thành nơi thu hút những người tự tử, hoàn toàn trái ngược hẳn với sự trông đợi của Joseph Strauss, người xây dựng cây cầu vốn tính rất lạc quan. Năm 1921, khi Strauss bắt tay vào việc biến công trình đồ sộ, cầu Cổng Vàng, trở thành hiện thực, tất cả những gì ông nhận được chỉ là những lời cười chê, nhạo báng.

Được xây bằng gần một triệu tấn thép và bê tông, nhưng cầu Cổng Vàng trông rất mảnh mai và thanh lịch.


Xây dựng một cây cầu trên eo biển, lối vào vịnh San Francisco ư? Một điều bất khả thi! Đó là nhận định chung của những người hoài nghi và các chuyên gia. Chưa bao giờ một cây cầu phải vượt qua một khoảng cách xa như vậy: Tại vị trí đó, eo biển "Cổng Vàng" giữa Thái Bình Dương và vịnh San Francisco có chiều rộng 1.600 mét và có độ sâu tới 90 mét. Nhưng trước hết, vị trí này chỉ nằm cách trung tâm địa chấn của trận động đất kinh hoàng tại San Francisco năm 1906 có 13 km. Trận động đất này là một trong những thiên tai tồi tệ nhất ở Mỹ, cướp đi khoảng 3.000 sinh mạng.

Các công trình sư khác của Mỹ sợ rằng thêm vào đó, sức gió tới 100 km/giờ, thường xuyên có sương mù và dòng chảy tới 7,5 hải lý (khoảng 14 km/giờ) sẽ cản trở công việc xây dựng. Nhưng ông Joseph Strauss từ Cincinnati, Ohio lại cho đó là sự bi quan, nhìn sự việc qua một cặp kính màu đen.

Strauss là một người đam mê, đắm đuối với những cây cầu, kể từ hồi sinh viên, sau lần bị tai nạn khi chơi bóng bầu dục phải nằm nhiều tuần lễ trong bệnh viện và hàng ngày nằm trên giường bệnh nhìn cây cầu Cincinati - Covington hùng vĩ.

Tấm biển treo trên cầu khuyên những người tuyệt vọng nên gọi điện nhờ tư vấn vì "Bao giờ cũng còn hy vọng. Hậu quả của việc nhảy cầu này là chết người và bi thảm".


Trong luận án tốt nghiệp ở trường đại học, Strauss, sinh trưởng trong một gia đình có cha mẹ là nghệ sĩ, đã đưa ra phác thảo về một cây cầu đường sắt qua eo biển Behring, dài 85 km, nối nước Nga với nước Mỹ. So với một cây cầu như vậy thì cây cầu Cổng Vàng chỉ là một việc hết sức dễ dàng. Với luận chứng "San Francisco đã nhiều lần làm cho những điều bất khả thi thành khả thi", vị tổng công trình sư đã gạt bỏ mọi nỗi lo ngại và nhận được nhiệm vụ xây dựng cây cầu.


Strauss không chỉ thuyết phục được những người chủ tuyến phà qua eo biển, những người do sợ mất công việc làm ăn ở Cổng Vàng đã phát đơn kiện đối với dự án này. Thậm chí, ông còn thuyết phục được nhà đầu tư, cấp kinh phí xây dựng cầu. Năm 1932, giữa cuộc Đại Suy thoái, người sáng lập Ngân hàng San Francisco đã tiếp quản phần lớn món nợ 35 triệu USD, mà theo kế hoạch của Strauss sẽ thu lệ phí qua cầu để hoàn trả. Đâylà một số tiền khổng lồ thời đó, nếu tính theo sức mua sẽ tương đương với 500 triệu USD bây giờ.
Tuy nhiên, công việc thuyết phục kéo dài hơn một thập kỷ đã làm vị tổng công trình sư kiệt sức. Đầu năm 1933, khi công việc xây cầu hầu như vừa được bắt đầu thì tổng công trình sư đột nhiên biến mất, không thể tìm thấy trong nửa năm trời.

Có tin đồn rằng sau khi bị suy sụp thần kinh, ông phải nằm an dưỡng trong bệnh viện. Mãi tới tháng 6/1933, Strauss mới trở lại San Francisco, mang theo một cô vợ mới cưới tên là Annette, trẻ hơn ông 16 tuổi, người đã đặt tên ông là "G.G", viết tắt của "Golden Gate" (Cổng Vàng).

Vũ Long (Tổng hợp từ báo chí Đức)

Đón đọc kỳ cuối: Kỳ tích xây cầu
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN