Chiến dịch Mincemeat – Màn kịch ngoạn mục đánh lừa bằng xác chết: Kỳ 1

Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill từng viết: “Trong thời chiến, sự thật quý giá đến mức lúc nào nó cũng cần một lời nói dối bảo vệ”. Trong suốt Chiến tranh Thế giới thứ hai, "nghệ thuật lừa dối" hết lần này đến lần khác đã trở thành một trong những vũ khí đáng gờm nhất của phe Đồng minh. Một trong những “nghệ thuật lừa dối” đó là Chiến dịch Mincemeat.

Kỳ 1: Quá trình chuẩn bị tinh vi

Chiến dịch Mincemeat có lẽ màn kịch táo bạo và kỳ lạ nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đây là một màn kịch xoay quanh thi thể chết đuối của Thiếu tá William Martin, một người chưa bao giờ tồn tại.

Vào cuối năm 1942, phe Đồng minh đã đẩy liên quân Đức và Italy ra khỏi Bắc Phi và đang cân nhắc bước đi tiếp theo. Thủ tướng Winston Churchill ủng hộ đưa quân vào Italy, nơi mà ông coi là điểm yếu của phe Trục. Bước đệm rõ ràng để chuẩn bị chiến dịch này là đảo Sicily. Chỉ có một vấn đề: tuyến đường này cũng rất có lợi cho quân Đức. Địa hình đồi núi của Sicily rất thuận lợi cho phe phòng thủ. Nhưng có một khả năng khác là đưa quân vào Sardinia và Hy Lạp, nơi sẽ giúp các lực lượng Đồng minh có khoảng cách thuận lợi khi tấn công các cơ sở dầu mỏ quan trọng của phe Trục ở Balkan. Nếu bằng cách nào đó khiến người Đức tin rằng quân Đồng minh đang thực sự đổ bộ vào Hy Lạp, thì cuộc tấn công Sicily có thể có cơ hội thành công lớn hơn.

Nhiệm vụ đánh lừa quân Đức được giao cho các sĩ quan tình báo hải quân là Thiếu tá Ewen Montagu và Thiếu tá Archibald Cholmondley (“Chum-lee”) thuộc Ủy ban Hai mươi. Đây là một tổ chức tình báo liên binh chủng và sở dĩ nó có cái tên này là vì hai mươi viết dưới dạng chữ số La Mã là “XX”.

Chú thích ảnh
Charles Cholmondeley và Ewen Montagu ngày 17/4//1943 trên đường chuyển thi thể tới Scotland. Ảnh: Wikipedia

Kế hoạch lừa dối kỳ lạ mà Thiếu tá Montagu và Cholmondley thực hiện được lấy cảm hứng từ một tài liệu có tên “Trout Memo” mà các nhân viên tình báo phe Đồng minh truyền tay nhau vào năm 1939. Mặc dù Trout Memo được cho là do Chuẩn đô đốc John Godfrey viết, nhưng giờ đây người ta nghĩ rằng bản ghi nhớ này thực sự do trợ lý của ông là Ian Fleming viết. Ian Fleming chính là người tạo ra nhân vật điệp viên James Bond.

Trong bản ghi nhớ, Fleming đã so sánh các âm mưu lừa gạt đối phương trong chiến tranh với trò câu cá bằng ruồi nhân tạo và kể ra 51 kế hoạch lừa gạt tiềm năng có thể được sử dụng để lừa kẻ thù. Trong đó, Fleming mô tả kế hoạch lừa gạt số 28 mà ông cho là một gợi ý “không hay ho lắm”. Theo kế hoạch này, người ta sẽ cài tài liệu giả lên một xác chết và thả nó vào lãnh thổ của kẻ thù.

Montagu và Cholmondeley cho rằng sử dụng xác chết ngụy trang phù hợp sẽ là cách lý tưởng để tiết lộ thông tin tình báo giả mạo cho kẻ thù. Họ nhanh chóng bắt đầu thực hiện kế hoạch phức tạp có mật danh là Chiến dịch Mincemeat.

Nhiệm vụ mà Montagu và Cholmondley phải đối mặt là rất lớn và cần phải hoàn thành nhiều tình tiết phức tạp. Lúc đầu, họ cân nhắc thả xác chết vào lãnh thổ của kẻ thù trên một chiếc dù mở hờ, nhưng nhanh chóng bỏ ý định này vì một số lý do. Thứ nhất là vì phi công quân Đồng minh không mang theo những tài liệu tuyệt mật. Thứ hai, máy bay vận tải quân sự không được phép bay qua lãnh thổ của đối phương để tránh bị bắn hạ. Thứ ba, nếu có xác chết để thực hiện kế hoạch thì cũng mất vài ngày và họ không thể làm cho thi thể trông như vừa mới chết.

Thay vào đó, Montagu và Cholmondley quyết định thả xác chết từ một tàu ngầm ngoài vùng biển do kẻ thù kiểm soát, khiến nó trông giống xác của một người bị rơi xuống biển và chết đuối. Hai thiếu tá không cải trang xác chết thành một sĩ quan hải quân, vì điều này sẽ cần có đồng phục được thiết kế riêng. Thay vào đó, họ biến người này thành một sĩ quan của Thủy quân lục chiến Hoàng gia, để có thể mặc trang phục chiến đấu tiêu chuẩn cho thi thể. Tây Ban Nha được chọn làm điểm thực hiện vì trên danh nghĩa quốc gia này trung lập, nhưng lại có khuynh hướng thân Đức và có một mạng lưới điệp viên Đức dày đặc.

Công việc tiếp theo là tìm một xác chết thích hợp. Mặc dù nước Anh trong Thế chiến II có nhiều người chết, nhưng gần như đều có thân nhân nhận và nếu đưa ra yêu cầu này mà không thận trọng thì sẽ gây nghi ngờ không đáng có.

Theo cuốn hồi ký “The Man Who Never Was” do Thiếu tá Montagu viết năm 1953, ông và Cholmondley đã suýt bỏ cuộc nhưng lại tình cờ biết một người đàn ông trẻ chết vì bệnh viêm phổi. Họ đã thuyết phục gia đình tặng thi thể của anh này với điều kiện không bao giờ tiết lộ danh tính người chết. Cơ thể của người này rất phù hợp với mục đích của hai thiếu tá vì phổi chứa đầy chất lỏng gần giống với cơ thể của một người chết đuối trên biển.

Tuy nhiên, năm 1996, nhà sử học nghiệp dư Roger Morgan xác định rằng thi thể thực sự là Glyndwr Michael, một người vô gia cư xứ Wales đã chết trong nhà kho bỏ hoang ở London sau khi vô tình ăn phải thuốc diệt chuột. Vì Michael không có người thân bên cạnh, Thiếu tá Montagu không gặp khó khăn gì khi thuyết phục Bentley Purchase, nhân viên điều tra của quận St. Pancras, giao thi thể và cất giữ trong nhà xác cho đến khi cần. Trong khi đó, các nhà sử học khác như Ben Macintyre và Anna Pukas nghi ngờ điều này vì cho rằng cơ thể không khỏe mạnh và hốc hác của một người vô gia cư sẽ không phù hợp với một sĩ quan thủy quân lục chiến trẻ và khỏe mạnh. Thay vào đó, họ cho rằng xác chết là John Melville, một thủy thủ trên tàu sân bay HMS Dasher đã phát nổ và chìm ở sông Clyde vào ngày 27/3/1943. Tuy nhiên, Montagu cho rằng không cần phải giống nhau hoàn hảo về hình dáng, chỉ cần là một sĩ quan tham mưu là được.

Chú thích ảnh
Giấy tờ trong lực lượng Hải quân của Martin. Ảnh: Wikipedia.

Khi đã có một xác chết để thực hiện kế hoạch, Montagu và Cholmondley bắt đầu tạo ra danh tính cho sĩ quan trong tưởng tượng. Điều quan trọng là thời gian, vì chỉ có thể giữ lạnh thi thể trong ba tháng, sau đó thi thể sẽ bị phân hủy quá nhiều và không thể làm cho kẻ thù tin. Glyndwr Michael nhanh chóng trở thành Đại úy (quyền Thiếu tá) William Martin của Thủy quân lục chiến Hoàng gia. Họ Martin được chọn vì đây là một trong những họ phổ biến nhất trong Hải quân. Điều này có nghĩa là cái chết của Martin giả có thể dễ dàng bị nhầm với của một Thiếu tá Martin có thật nào đó. Cấp bậc quyền Thiếu tá cũng được lựa chọn cẩn thận vì cấp bậc này vừa đủ để mang theo các tài liệu tối mật nhưng cấp bậc cũng không quá cao để không phải ai cũng biết.

Các tài liệu mà Montagu và Cholmondley định gài trên thi thể Thiếu tá Martin gồm một bức thư giả do Trung tướng Archibald Nye, Phó tổng tham mưu trưởng Hoàng gia, viết cho Tướng Harold Alexander ở Tunisia, vạch rõ ý định của quân Đồng minh là đưa quân vào Sardinia và Hy Lạp. Bức thư không trình bày rõ ràng về kế hoạch của phe Đồng minh mà nói theo cách không ai có thể bỏ qua nếu đọc được. Bức thư sẽ được viết theo hướng rằng cuộc tấn công vào Sicily thực sự là kế hoạch nghi binh để đánh lạc hướng cho cuộc tấn công thực sự. Để chứng thực bức thư này, họ cũng sẽ cho Thiếu tá Martin mang theo lá thư từ Louis Mountbatten, chỉ huy chiến dịch đổ bộ đường biển, gửi cho Đô đốc Andrew Cunningham, trong đó giới thiệu Martin là một chuyên gia về tàu đổ bộ và được phái sang hỗ trợ cho Đô đốc Cunningham. Bức thư thậm chí còn có một trò đùa liên quan cá mòi được phân phối khẩu phần ở Anh. Đây là cách chơi chữ của người Anh mà Montagu và Cholmondley tin rằng người Đức sẽ mắc câu ngay.

Montagu và Cholmondley cho xác chết mặc đồng phục tiêu chuẩn, áo khoác đi mưa và đội mũ bảo hộ. Lo sợ rằng phần lớn người Tây Ban Nha theo Công giáo sẽ do dự khi lục đồ trong túi của xác chết, Montagu và Cholmondley đã đặt các tài liệu vào một chiếc cặp da có khóa và kèm dây xích thường được người ở ngân hàng sử dụng khi vận chuyển những tài liệu quan trọng. Dây xích được quấn qua thắt lưng của Thiếu tá Martin để ngăn cặp tài liệu bị trôi đi.

Tuy nhiên, kế hoạch lừa gạt tình báo Đức sẽ không chỉ cần một cái tên và cặp tài liệu. Để kế hoạch này có hiệu quả, Thiếu tá Martin phải là một người từng thực sự tồn tại, có đầy đủ sở thích cá nhân, các mối quan hệ. Trong vấn đề này, Montagu và Cholmondley không bỏ qua chi tiết nào. Họ cẩn thận tạo ra một danh tính hoàn chỉnh thông qua nhiều chi tiết được gài vào trong túi của xác chết.

Theo đó, Thiếu tá Martin là người cẩu thả trong các vấn đề cá nhân. Điều này được thể hiện qua những bức thư giận dữ từ các chủ nợ, hóa đơn chưa thanh toán, một sao kê thấu chi từ ngân hàng và một bức thư gay gắt của bố khi nói về tình hình tài chính của con trai. Ngay cả giấy tờ tùy thân cũng chỉ là bản thay thế tạm thời cho giấy tờ đã mất.

Chú thích ảnh
Bức ảnh cô bạn gái tưởng tượng mà Martin mang theo người. Ảnh: Wikipedia

Martin cũng được Montagu và Cholmondley “vẽ” ra một cô bạn gái tưởng tượng tên là Pam. Montagu lấy ảnh thư ký của mình là Jean Leslie để cho vào túi Martin. Montagu nhờ các thư ký khác viết thư tình giả như là của Pam gửi cho Martin để tăng độ chân thực. Các thứ khác cũng đóng góp vào màn kịch này gồm huy chương St. Christopher, hộp diêm, thuốc lá, hóa đơn từ thợ may đo quần áo, hóa đơn nhẫn đính hôn, chìa khóa, vé nhà hát và mấy thứ linh tinh.

Tất cả đều cho thấy hình ảnh thực tế cuộc sống trong những ngày cuối cùng của Thiếu tá Martin ở London. Đối với giấy tờ tùy thân, lúc đầu, Montagu và Chomondley tìm cách chụp ảnh xác chết, nhưng điều này tỏ ra không thuyết phục và thay vào đó, họ sử dụng ảnh của Đội trưởng MI5 Ronnie Reed, người có nét giống với thi thể.

Tất cả đã xong. Chỉ còn khâu thực hiện và chờ xem kẻ thù có cắn câu không.

Đón đọc kỳ cuối: Thực hiện chiến dịch

Thùy Dương/Báo Tin tức (Theo todayifoundout)
Hành trình cuối của tàu sân bay Mỹ từng va đụng tàu ngầm Liên Xô, có giá 1 USD
Hành trình cuối của tàu sân bay Mỹ từng va đụng tàu ngầm Liên Xô, có giá 1 USD

USS Kitty Hawk từng là biểu tượng sức mạnh quân sự lớn nhất của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sống sót sau vụ va chạm với tàu ngầm Liên Xô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN