Chuyến thị sát định mệnh
Khi phi đội của Mỹ đến gần Bougainville, họ bắt đầu nâng độ cao. Ở độ cao 600 m, họ thoát khỏi làn sương mù mờ ảo và nhìn rõ các đỉnh núi cao 2.300 m của Dãy Thái tử trên đảo Bougainville và Vịnh Nữ hoàng Augusta cong hình lưỡi liềm, nhưng không thấy chiếc máy bay nào. Mitchell nhìn đồng hồ, 9 giờ 34 phút. Họ đến sớm hơn dự định 1 phút. Giờ này Yamamoto chắc sẽ phải ở vị trí cách mạn trái của họ gần 5 km.
Đúng vào lúc này, đội trưởng đội yểm trợ, trung úy Doug Canning, người nổi tiếng với cặp mắt “cú vọ” trong đội, hô lên “máy bay địch, hướng 11 giờ phía trên”.
Mitchell không nghĩ là có tới 2 chiếc máy bay ném bom. Vậy là đội đi săn phải bắn hạ cả hai. Dẫn đầu đội yểm trợ bay lên cao, Mitchell nói qua radio với Lanphier, đội trưởng đội tấn công: “Được rồi Tom, hãy chén đi, hắn ta là con mồi của cậu”.
Kenji Yanagiya, một phi công kỳ cựu với 100 nhiệm vụ bay và cảm thấy tràn đầy vinh dự khi được hộ tống Yamamoto, sau này nhớ lại: “Rõ ràng chúng tôi đã phát hiện ra họ (người Mỹ) quá muộn. Các máy bay P - 38 đã thả các thùng nhiên liệu dự trữ và sẵn sàng tấn công 2 máy bay ném bom của chúng tôi. Để giảm bớt trọng lượng, các máy bay Zero không gắn thiết bị radio, nhưng khi chiếc máy bay dẫn đầu lắc cánh và bổ nhào chiến đấu thì các máy bay yểm trợ chúng tôi tăng tốc lao đến tả xung hữu đột với nhóm P - 38 đầu tiên”.
Máy bay ném bom G4M chở Yamamoto bị bắn hạ. |
Yanagiya cho biết thêm họ đã đẩy lùi được nhóm P - 38 đầu tiên nhưng một chiếc P - 38 khác lại tấn công những chiếc máy bay ném bom chở các vị đô đốc từ phía sau. Đó chính là trung úy Rex Barber, người nhận được Huân chương Sao Bạc vì thành tích xâm nhập một đội hình Zero và bắn hạ một oanh tạc cơ trong đó. Barber đã bay vòng ra đằng sau 2 máy bay ném bom, sau khi chúng đã bổ nhào để tham chiến. Barber bắt đầu xử lý chiếc máy bay ném bom ở ngay phía trước anh ta bằng một khẩu 20 li trên mũi máy bay và bốn khẩu 50 caliber (12,7 li).
Cuộc không chiến chỉ diễn ra trong vòng vài phút, bởi đây là một cuộc chiến không cân sức. Máy bay của Ugaki đã thực hiện một vài cú nhào lượn né đạn trước khi nhận ra chiếc G4M của Yamamoto đang bốc cháy và rơi tự do. Ông lúc đó tự nhủ: “Thôi rồi, mọi thứ đã chấm dứt”. Vài phút sau, một cột khói đen bốc lên từ khu rừng rậm phía dưới.
Các phi công Mỹ trong chiến dịch báo thù Yamamoto. |
Sau đó, Barber cùng 2 phi công khác truy đuổi chiếc G4M còn lại trên vùng trời quanh đảo Bougainville. Bị săn lùng ráo riết trong những làn đạn dày đặc, Ugaki chỉ có thể dõi theo dấu vết của Yamamoto trong tuyệt vọng và chẳng thể thấy gì khác ngoài vệt khói bốc lên từ khu rừng phía dưới. Chiếc “Betty” (tên máy bay ném bom Mitsubishi G4M1 theo cách gọi của phe Đồng minh) bay hết tốc lực hướng ra vùng biển ngoài khơi mũi Moila (trên đảo Bougainville), sau đó nó bị rơi xuống biển do hư hại nặng nhưng Ugaki đã được cứu sống.
Mitchell tuyên bố “nhiệm vụ đã hoàn thành. Mọi người hãy trở về nhà thôi”. Những chiếc P - 38 quay trở về Guadalcanal, từng chiếc hoặc 2 chiếc một do mất liên lạc với nhau. Được Canning hộ tống, trung úy Besby Holmes thuộc đội yểm trợ đáp xuống một căn cứ tiền tiêu trên quần đảo Russell khi bình nhiên liệu trên máy bay chỉ còn lại đúng 15 lít. Ray Hine, người tham gia nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên với P - 38, đã không bao giờ trở về. Lần cuối cùng đồng đội nhìn thấy Hine là khi máy bay của anh bốc khói ở động cơ. Lanphier và Barber hạ cánh xuống Henderson trước buổi trưa. Một trong 2 chiếc P - 38 của họ dính hơn 100 vết đạn lỗ chỗ trên thân máy bay.
Ngay sau khi hạ cánh, Lanphier lập tức tuyên bố chính tay bắn hạ Yamamoto, nhưng điều này đã bị Barber bác bỏ thẳng thừng. Cuộc tranh cãi đã khiến tình bạn của họ rạn nứt và kéo dài gần cả ngày hôm đó. Mitscher đánh điện về sở chỉ huy thông báo “ngày 18/4 dường như là ngày của chúng ta” và các phi công mở một bữa tiệc thâu đêm linh đình.
Người Mỹ tuyên bố đã bắn hạ được 4 chiếc Zero, trong khi theo báo cáo của phía Nhật Bản thì cả 6 máy bay hộ tống của họ đều đã trở về căn cứ với việc bắn rơi 3 chiếc P - 38.
Các cánh rừng trên đảo Bougainville quá dày và Yamamoto gặp nạn ở một vị trí hẻo lánh khiến các máy bay tìm kiếm của Nhật Bản chỉ có thể quần thảo trên bầu trời trong nỗ lực vô vọng nhằm phát hiện bất cứ dấu vết nào của người sống sót. Tuy vậy, một nhóm cứu hộ rốt cuộc đã băng qua được khu rừng rậm để đến vị trí chiếc G4M rơi vào ngày hôm sau. Thi thể vị đô đốc được tìm thấy gần xác máy bay, ngồi thẳng trên ghế nhờ thắt dây đai và vẫn nắm chặt thanh kiếm trong tay. Một số người tin rằng ông vẫn sống sau khi máy bay rơi và đáng lẽ đã có thể được cứu sống. Một khả năng lớn nữa là thi thể ông được một phi công lúc sắp trút hơi thở cuối cùng dựng lên, nhằm thể hiện sự sùng kính mà các binh sĩ dành cho ông.
Tokyo đã không công bố mất mát này cho đến ngày 21/5. Yamamoto được truy tặng Huân chương Hoa cúc hạng nhất, Huân chương Thập tự Hiệp sĩ với lá Sồi và Kiếm của Đức. Đến tháng 6, Nhật Bản tổ chức quốc tang đưa tiễn ông.
Cái chết của Yamamoto đã làm nhụt nhuệ khí của hải quân Nhật Bản (theo mô tả của sử gia Mỹ, Chuẩn Đô đốc Samuel Eliot Morison, thì sự kiện này tương đương với một thất bại nặng nề trong chiến tranh), và nâng cao sĩ khí của quân Đồng minh. Hạ sát Yamamoto còn là một chiến dịch của các nhà lãnh đạo Mỹ nhằm báo thù nhân vật mà họ quy kết chịu trách nhiệm về cuộc tấn công Trân Châu Cảng, sự kiện kích hoạt tình trạng chiến tranh chính thức giữa Đế quốc Nhật Bản và Mỹ.
Huy Lê