Ông chính là Rodrigo Duterte, người chính thức nhậm chức Tổng thống Philippines ngày hôm nay (30/6).
Khắc tinh của tội phạm
Trước khi đắc cử Tổng thống Philippines ở tuổi 71, ông Duterte là thị trưởng thành phố Davao lớn thứ ba Philippines. Ông có công biến thành phố này từ một nơi bị coi là “thủ phủ giết người” của Philippines thành nơi mà các tổ chức du lịch gọi là thành phố thanh bình nhất Đông Nam Á.
Khi mới nhậm chức Thị trưởng Davao, những gì mà ông Duterte tiếp quản là một thành phố bạo lực như vùng chiến sự. Vùng biển giữa đảo Mindanao nơi thành phố Davao tọa lạc và biển Sulu là nơi xảy ra nạn cướp biển nhiều nhất thế giới, chỉ sau Somalia. Davao nằm ở cực nam Mindanao với ngành công nghiệp đóng tàu quan trọng, là thiên đường cho những kẻ buôn lậu ma túy, vũ khí, rượu lậu và người.
Ông Duterte phát biểu trước những người ủng hộ trong cuộc mít tinh ở Manila ngày 7/5. |
Đảo Mindanao cũng là nơi hoạt động chính của Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro, nhóm khủng bố liên kết với mạng lưới al-Qaeda và hoành hành ở Davao trong suốt thời gian qua. Đây là một trong những nơi mà quân đội Mỹ phát động cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố. 600 lính đặc nhiệm Mỹ đang chiến đấu cùng binh sĩ Philippines chống khủng bố.
Là thị trưởng Davao trong bối cảnh đó là điều không dễ dàng. Và ông đã dùng bàn tay sắt để làm nhiệm vụ. Ông bắt đầu cuộc diệt trừ tội phạm bằng tuyên bố: “Nếu bạn có hoạt động phi pháp ở thành phố của tôi, nếu bạn là tội phạm của một băng nhóm lợi dụng những người vô tội trong thành phố, chừng nào tôi còn là thị trưởng, bạn sẽ là một mục tiêu ám sát hợp pháp”.
Thị trưởng Davao trên chiếc xe phân khối lớn. |
Quyết tâm diệt trừ tội phạm của ông Duterte tất nhiên là gây tranh cãi. Người ta gọi ông là kẻ giết người hàng loạt. Các tổ chức nhân quyền thế giới kêu gọi điều tra nhiều năm trời. Trong báo cáo “Bạn có thể chết bất kỳ lúc nào” năm 2009, tổ chức Giám sát Nhân quyền đã kêu gọi Tổng thống Philippines khi ấy là bà Gloria Arroyo điều tra. Tuy nhiên, bà Arroyo không quan tâm. Năm 2003, bà ca ngợi cách tiếp cận cứng rắn với tội phạm của ông Duterte và về sau bổ nhiệm ông Duterte vào một vị trí cấp nội các với nhiệm vụ chống tội phạm. Hành động đó khiến Giám đốc tổ chức Giám sát Nhân quyền Kenneth Roth phải thốt lên: “Bà Arroyo đang nhận những lời cố vấn về an ninh từ một người công khai ủng hộ giết người để mang lại hòa bình và thịnh vượng”.
Năm 2015, khi tranh cử tổng thống, ông Duterte đã cảnh báo nếu được bầu làm tổng thống, ông có thể sẽ giết tới 100.000 tội phạm. Ông thậm chí còn thách thức các tổ chức nhân quyền kiện ông nếu có thể chứng minh ông có liên hệ với các băng nhóm tội phạm như một số lời cáo buộc.
Khi là tổng thống đắc cử, ông Duterte cho biết sẽ tìm cách để trao cho lực lượng an ninh quyền bắn giết nghi phạm trốn lệnh bắt giữ và những kẻ tham gia tội phạm có tổ chức. Hiện chưa rõ ông có thể thực hiện được các đề xuất này hay không nhưng theo các nhà phân tích, với quan điểm sắt đá với tội phạm, dường như không gì là ông Duterte không dám làm và không làm được. Ông cũng từng nói: “Điều tôi sẽ làm là kêu gọi quốc hội khôi phục án tử hình bằng hình thức treo cổ”. Philippines bỏ án tử hình năm 2006.
Nấc thang chính trị
Trước khi bước chân vào chính trường, “kẻ trừng phạt” Duterte là một luật sư, làm việc với chức danh cố vấn đặc biệt tại Văn phòng Công tố thành phố Davao năm 1977. Chỉ trong vòng 6 năm, ông đã trở thành trợ lý thứ hai của công tố viên thành phố năm 1983.
Ông Duterte ký tên tặng người hâm mộ. |
Sau đó, ông Duterte nắm giữ chức phó thị trưởng Davao năm 1986 trước khi giành được ghế thị trưởng năm 1988. Khi thử sức với cuộc bầu cử Hạ viện, ông Duterte cũng chiến thắng vang dội khi trở thành nghị sĩ đại diện cho Davao. Thành công lại mỉm cười với ông Duterte khi ông được bầu làm thị trưởng Davao lần nữa năm 2001. Tổng số thời gian ông làm thị trưởng Davao là 22 năm trời với 7 nhiệm kỳ liên tiếp.
Bất chấp thành quả đã đạt được đó, ông Duterte đã từ chối nhận đề cử cho Giải Thị trưởng Thế giới do một cơ quan quốc tế bình chọn. Ông cho biết ông chỉ làm công việc của mình mà thôi. Trong bốn đời tổng thống Philippines, ông Duterte đều được đề nghị giữ chức bộ trưởng nội vụ nhưng ông đều từ chối.
Trong số những điều ông Duterte từng từ chối nhận cho Davao còn có một giải thưởng về phòng chống thuốc lá năm 2010 ở Singapore. Quyết tâm chống nạn hút thuốc lá ở Davao của ông Duterte cũng có hẳn một “giai thoại” ấn tượng. Đầu tháng 9/2015, một du khách bị bắt phải nuốt mẩu thuốc lá đang hút trong một quán bar ở Davao sau khi người này từ chối tuân theo sắc lệnh cấm hút thuốc nơi công cộng. Chủ quán bar đã đích thân liên hệ với ông Duterte và khi ông Duterte vào quán bar, ông đã buộc du khách này phải nuốt. Sau đó, ông đã bị Ủy ban Nhân quyền chỉ trích.
Khi tranh cử tổng thống Philippines, ông Duterte ngay từ đầu đã được dự báo là sẽ thắng cử. Và trong thực tế, từ ngày 30/6, ông đã chính thức trở thành tân tổng thống Philippines với nhiệm kỳ 6 năm.