Các nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý trong vòng 10 năm qua

Năm 1999: Hai nhà khoa học Hà Lan là Gerardus 't Hooft và Martinus J. G. Veltman đã dành giải Nobel Vật lý với công trình làm sáng tỏ cấu trúc lượng tử của các tương tác điện yếu trong vật lý.

Hai nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý năm 1999.


Công trình của hai nhà khoa học đoạt giải Nobel năm 1999 đã giúp đưa ra một cơ sở toán học vững chắc hơn cho lý thuyết vật lý hạt cơ bản. Đặc biệt họ đã chỉ ra lý thuyết này có thể được sử dụng cho các tính toán chính xác đối với các đại lượng vật lý như thế nào. Các thực nghiệm trên các máy gia tốc ở châu Âu và Mỹ gần đây đã xác nhận nhiều kết quả tính toán.

Năm 2000:  Ba nhà vật lý Zhores I. Alferov (Nga), Herbert Kroemer (người Mỹ gốc Đức) và Jach S. Kilby (người Mỹ) được trao giải Nobel Vật lý với những công trình cơ bản của họ về công nghệ thông tin và viễn thông.

Bằng những phát minh của mình, các nhà khoa học đoạt Giải Nobel Vật lý năm 2000 đã đặt nền móng cho công nghệ thông tin hiện đại. Các phát minh sáng chế các linh kiện quang điện tử, vi điện tử, mạch tích hợp - chip điện tử đã đem lại sự phát triển tột bậc cho ngành công nghệ thông tin. Chẳng hạn như trường hợp của máy tính và các bộ vi xử lý với công suất lớn. Chúng cho phép nắm bắt và xử lý thông tin nhanh và kiểm soát mọi thứ xung quanh ta từ máy giặt, ô tô, máy thăm dò vũ trụ cho đến các thiết bị chẩn đoán y tế như máy chụp cắt lớp bằng tia X, máy camera cộng hưởng từ.

Năm 2001: Ba nhà vật lý Eric A. Cornell, Carl E. Wieman (người Mỹ) và nhà khoa học người Đức Wolfgang Ketterle đã đoạt giải Nobel Vật lý với công trình nghiên cứu về hiện tượng ngưng tụ Bose-Einstein (BEC) trong các khí loãng của các nguyên tử kiềm và đặt nền tảng nghiên cứu cơ bản đầu tiên về tính chất của các chất ngưng tụ.

Ba nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý năm 2000.


Nhờ nghiên cứu về hiện tượng ngưng tụ BEC, các nhà khoa học sau này có thể đạt được những ứng dụng mang tính cách mạng trong kỹ thuật in litô, công nghệ nanô và phép toàn ảnh.

Năm 2002: Ba nhà khoa học Raymond Davis Jr (Mỹ). Riccardo Giacconi (người Mỹ gốc Italia) và Masatoshi Koshiba (Nhật Bản) được trao giải thưởng Nobel Vật lý do những đóng góp tiên phong cho vật lý thiên văn, đặc biệt là việc khám phá ra các nơtrino vũ trụ và việc phát minh ra các nguồn tia X trong vũ trụ.

Nhờ những phát hiện của ba nhà vật lý học thiên văn này, chúng ta mới biết rằng vũ trụ thực tế là hiện trường của các vụ nổ phát ra nguồn năng lượng khổng lồ, nhưng chỉ kéo dài chưa đầy một giây. Thiên văn học X-quang, lĩnh vực do Giacconi mở đường, đã cho phép nghiên cứu hiện tượng này chặt chẽ hơn.

Năm 2003: Ba nhà khoa học Aleksei A. Abrikosov (mang hai quốc tịch Mỹ, Nga), Vitaly L. Ginzburg (người Nga), Anthony J. Leggett (mang hai quốc tịch Anh và Mỹ) được trao giải thưởng Nobel Vật lý do những đóng góp có tính tiên phong trong lý thuyết về hiện tượng siêu dẫn và siêu chảy.

Nghiên cứu về hiện tượng siêu dẫn được ứng dụng trong công nghệ truyền tải điện năng và dữ liệu không bị tổn hao, nam châm siêu dẫn với từ trường siêu mạnh, cảm biến siêu nhạy dựa trên hiện tượng giao thoa lượng tử, máy chụp cắt lớp cộng hưởng từ hạt nhân. Còn việc khảo sát hiện tượng siêu chảy cho phép đi sâu nghiên cứu những quá trình xảy ra bên trong vật chất khi nó ở trạng thái có năng lượng thấp nhất và có trật tự cao nhất.

Năm 2004  Ba nhà khoa học Mỹ Davis J. Gross, H. Davis Politzer và Frank Wilczek đoạt giải Nobel Vật lý do phát minh ra “sự tự do tiệm cận trong lý thuyết tương tác mạnh”.

Phát hiện này có tác động lớn đến việc thiết kế và tiến hành các thực nghiệm tại các thiết bị máy gia tốc lớn trên thế giới vì nó cho phép các nhà vật lý tính toán được các kết quả mà các thực nghiệm thu được. Phát minh tự do tiệm cận mang lại cho vật lý một bước tiến gần hơn đến việc thực hiện ước mơ vĩ đại là thống nhất tất cả các lực của tự nhiên vào trong một lý thuyết. Lý thuyết thống nhất này là lý thuyết cho tất cả các hiện tượng trong tự nhiên.

(còn nữa)

Quang Tuyến (tổng hợp)

Các nhà khoa học đoạt Nobel Hóa học trong vòng 10 năm qua
Các nhà khoa học đoạt Nobel Hóa học trong vòng 10 năm qua

Năm 1999: Nhà hóa học mang hai quốc tịch Mỹ và Ai Cập là Ahmed Zewail được trao giải thưởng Nobel Hóa học với công trình nghiên cứu sử dụng tia lade cực nhanh để quan sát các phản ứng hóa học.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN