10 cái chết giả nổi tiếng thế giới (phần 1)

Với một số người sau khi qua đời, những người xung quanh thậm chí không tin đó là sự thật, chủ yếu là do tình yêu thương dành cho người đã khuất khiến họ không muốn tin đó là sự thật. Còn với những trường hợp kể ra dưới đây, khi người xung quanh tin rằng đó là sự thật thì câu trả lời trong thực tế lại không phải như vậy. Cá biệt, có trường hợp người tưởng như đã chết lại trở về dự đám tang, hoặc làm chứng tại phiên tòa xử về cái chết của mình.

 

1. Connie Franklin: Nhân chứng tại phiên tòa xử về cái chết của chính mình


Năm 1929, một ngư dân tên là Connie Franklin cùng bạn gái Tillar Ruminer đã bị một nhóm côn đồ chặn đánh tại khu vực chân núi Ozarks, bang Arkansas (Mỹ) khi họ đang trên đường đi kéo lưới. Theo lời cô bạn gái kể lại, những kẻ ác ôn đã chặt thi thể của Connie thành nhiều mảnh rồi đốt cháy, bản thân cô thì bị chúng cưỡng hiếp.


 

Không lâu sau đó, năm người đàn ông bị tình nghi phải ra hầu tòa nhưng vụ án man rợ này đã không kết thúc dễ dàng như vậy. Một phần vì năm người không nhận tội, mặt khác, người ta lại bắt gặp một Connie Franklin bằng xương bằng thịt đi tìm việc trong thị trấn. Khi được triệu tập để điều tra, ông Connie “bỗng dưng xuất hiện” này một mực không thừa nhận mình là người đánh cá bị sát hại, còn cô bạn Tillar cũng khẳng định chưa từng gặp người đàn ông này.


Phiên tòa xét xử cũng như dư luận Mỹ ngày đó đã rơi vòng xoáy luẩn quẩn đến nỗi Tạp chí Time nổi tiếng cũng đã tốn không ít giấy mực để đưa tin về vụ án. Sau điều tra, lời cam kết “chỉ nói sự thật” của Franklin trước tòa cũng có phần đúng. Thực chất, người đàn ông này có tên thật là Marion Franklin Rogers đã có 4 con và vừa trốn khỏi một trại tâm thần khu vực lân cận. Đổi tên một lần vẫn chưa đủ, Franklin đã dàn dựng vụ giả chết với mong muốn bắt đầu một cuộc sống mới nhưng lại làm liên lụy nhiều người khác. Các vị thẩm phán trong vụ án đã quá bực tức và ra lệnh đốt bỏ mọi tài liệu liên quan sau khi phát hiện tất cả tình tiết chỉ là lời thêu dệt, không có thực.

 

2. Timothy Dexter: 3.000 người đến dự đám tang giả của vị thương gia ít học


Sinh năm 1748 tại vùng Massachusetts (Mỹ), Timothy Dexter là một người có tính cách kì lạ, chẳng hạn như sở thích viết sách khi không thể đọc thông viết thạo. Phải làm việc vất vả tại nông trại từ 8 tuổi, sau này ông lại có một gia sản kếch xù nhờ gặp nhiều thuận lợi trong kinh doanh hàng hóa. Năm 50 tuổi, ông viết cuốn hồi kí về cuộc đời của bản thân có tựa đề “A Pickle for the Knowing Ones”.


 

Điều đáng chú ý, cuốn hồi kí có gần 9.000 từ nhưng lại không hề có dấu câu và được phân đoạn, viết hoa một cách tùy ý khiến người khác khó có thể đọc được. Lúc đầu, cuốn tự truyện về cuộc đời của Dexter được phát miễn phí cho mọi người cùng đọc nhưng sau đó một nhà xuất bản đã hợp tác với ông và khiến nó trở nên nổi tiếng với 8 lần cải biên và xuất bản.


Một ngày, vị thương nhân thành đạt bỗng dưng tự hỏi những người xung quanh sẽ hành xử ra sao nếu ông chết, liệu những kẻ lân cận có thương tiếc ông hay không. Ngay sau đó, Dexter cho người thông báo tin mình qua đời và khoảng 3.000 người đã đến tiễn đưa ông. Ngay tại lễ tang, đám đông đã được một phen thất vọng khi chứng kiến chính Timothy Dexter cầm gậy đánh vợ vì bà ta đã không đau buồn như ông mong đợi. Ngày Dexter thật sự “về thế giới bên kia” xảy đến năm 1806, lúc này ông đã không thể biết ai thật lòng thương tiếc mình.

 

3. Ken Kesey: Giả vờ tự sát, vượt biên trốn tội


Là thành viên của nhóm thanh niên nghiện ma túy Merry Pranksters (Mỹ), Ken Kesey còn được biết là tác giả cuốn tiểu thuyết “Bay qua tổ chim cúc cu”, đã tạo ra một vụ tự tử giả hòng trốn phải vào tù vì tội sử dụng thuốc phiện.

 

Năm 1965, Ken lái xe đến vùng Eureka, bang California và để lại một bức thư tuyệt mệnh có nội dung: “Đại dương, đại dương, cuối cùng tôi cũng được đến với đại dương” với âm mưu đánh lừa cảnh sát rằng anh ta đã nhảy xuống biển tự vẫn. Nhưng sự thực, nhà văn nghiện ngập này đã vượt biên trốn sang Mêhicô. Tuy nhiên, một năm sau đó, “cái kim trong bọc” của Kesey cũng đến ngày “lòi ra”. Trong một lần dại dột, Kesey đã mò về căn nhà của mình ở Mỹ và bị cảnh sát bắt gặp. Ngay lập tức, ông ta đã phải thi hành mức án 5 tháng tù cho những vi phạm của mình trước đó.

4. Corey Taylor: Giả chết để không phải trả tiền điện thoại


Chẳng mấy ai thích việc thanh toán những hóa đơn điện thoại dài dằng dặc, nhưng chắc chắn mọi người sẽ không “trốn nợ” theo cách của Corey Taylor, một tư vấn viên người Mỹ.

 

Năm 2007, khi biết đến thông tin người chết sẽ không phải trả tiền điện thoại, Taylor đã nhờ một người bạn gửi giấy báo tử của mình đến hãng điện thoại Verizon mà anh đang sử dụng dịch vụ. Nhưng với mạng lưới nhân viên đông đảo, Verizon đã kiểm tra và nhanh chóng phát hiện được màn kịch của Taylor. Rốt cuộc, anh tư vấn viên vẫn phải nộp đủ 175 USD phí điện thoại cho Verizon. Lí giải về hành động “ngớ ngấn” của mình, Corey nói: “Tôi cá là mình đã thay mặt nhiều người gửi đến Verizon một thông điệp không hài lòng đối với chất lượng dịch vụ tồi tệ của công ty này”.


(Còn tiếp)

 

Hoàng Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN