Căn cứ không quân Khmeimeem tại tỉnh Latakia, Syria. Ảnh: Russian MoD |
Kết thúc Thiến tranh Thế giới thứ II, khi Anh và Pháp rút khỏi Trung Đông, năm 1948 lực lượng Không quân Syria chính thức được thành lập sau khi lứa phi công đầu tiên của nước này tốt nghiệp một trường dạy bay của Pháp ở đường băng Estabel tại Lebanon.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế (IISS), tính đến trước năm 2011, SFA sở hữu 461 máy bay chiến đấu và 76 máy bay huấn luyện các loại.
Khi cuộc nội chiến ở Syria bùng nổ năm 2011 và đặc biệt chiến sự leo thang từ tháng 3/2012, lực lượng Không quân Syria trực tiếp tham chiến và phải đối mặt với nhiều thách thức.
Tính đến năm 2017, lượng máy bay chiến đấu của Syria chỉ còn gần 200 chiếc, chủ yếu là các máy bay ném bom MiG-21 (53 chiếc), MiG-25 (2 chiếc), máy bay đa năng MiG-29 (20 chiếc), chiến đấu cơ Su-22 (42 chiếc) và Su-24 (20 chiếc)…
Không chỉ có vậy, số lượng máy bay vận tải và trực thăng sau một loạt vụ tai nạn đã giảm đáng kể, còn lại 2 chiếc Antonov An-26, 1 chiếc Ilyushin Il-76, 34 chiếc Mil Mi-17, 2 trực thăng Kamov Ka-27…
Chỉ riêng trong 3 năm tham gia chiến đấu tính đến tháng 9/2014, theo thống kê của Ủy ban Cách mạng Syria (SRGC), cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này đã khiến quân đội Syria thiệt hại 37 trực thăng và 24 máy bay chiến đấu. Trong số đó có 40 chiếc máy bay bị bắn hạ và 21 chiếc khác bị phá hủy khi phải hứng chịu các đợt tấn công của phe đối lập nhằm vào các sân bay quân sự.
Thiệt hại nặng nề nhất phải kể đến cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk của Hải quân Mỹ nhằm vào căn cứ không quân Shayrat ngày 7/4/2017. Cuộc tấn công được cho là hành động đáp trả của Mỹ sau cáo buộc Syria sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Khan Shaykhun.
Lầu Năm Góc đánh giá cuộc tấn công đó đã phá hủy 20% số lượng máy bay chiến đấu còn hoạt động thuộc phiên chế lực lượng SFA.
Tối 7/4/2017, Hải quân Mỹ đã phóng 61 quả tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào căn cứ al-Shayrat. Một quả tên lửa rơi xuống biển, trong khi một quả khác không hoạt động. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, tổng cộng có 50 quả tên lửa đã đánh trúng mục tiêu.
Lầu Năm Góc tuyên bố cuộc tấn công đó đã gây thiệt hại nặng nề cho căn cứ Syria cũng như cho những gì còn sót lại của lực lượng chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Trong một tuyên bố của Bộ Quốc phòng công bố ngày 10/4, Bộ trên khẳng định “vụ tấn công đã gây phá hủy các kho đạn dược, nhiên liệu, hệ thống phòng không và 20% máy bay hoạt động tại Syria”.
Theo nhà phân tích quân sự Michael Kofman làm việc cho Trung tâm Phân tích Hải quân, vụ tấn công bằng tên lửa Tomahawk của Mỹ đã đánh trúng 5 chiếc Su-22M3, 1 chiếc Su-22M4 và 3 chiếc MiG-23, tổng cộng là 9 chiếc máy bay bị phá hủy hoàn toàn.
Tuy nhiên, có thông tin cho rằng thời điểm mà Hải quân Mỹ nã tên lửa, phần lớn các máy bay của lực lượng Không quân Syria không có mặt trong căn cứ. Theo tờ National Interest, căn cứ Shayat là nơi tập kết của hai phi đội máy bay ném bom Su-22M3/M4 và một phi đội chiến đấu cơ MiG-23. Đường băng trong căn cứ vẫn nguyên vẹn, không bị thiệt hại. Điều này có nghĩa là một lượng lớn máy bay tại căn cứ đã thoát khỏi vụ tấn công.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang cân nhắc hành động đáp trả vụ tấn công bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ngày 6/4 vừa qua tại thị trấn Douma do phiến quân kiểm soát thuộc khu vực Đông Ghouta, Syria. Chính phủ Syria hoàn toàn bác bỏ cáo buộc trên. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ nhanh chóng đưa ra hành động, làm dấy lên đồn đoán về một chiến dịch quân sự mới của nước này ở Syria.