Jordan nhắm đích gì khi lập phòng tác chiến chung với Nga?

Việc Jordan bất ngờ đồng ý thành lập một phòng tác chiến chung với Nga để tiến hành các chiến dịch phối hợp tại Syria là động thái thể hiện một sự đảo ngược hoàn toàn chính sách của Amman.

Mạng tin "Debka" ngày 14/1 đưa tin, cho đến nay, với một phòng tác chiến chung ở Bắc Amman có tên gọi Sở chỉ huy trung tâm Mỹ-Jordan, với sự tham gia của cả Saudi Arabia và Israel, Jordan vẫn tiến hành cuộc chiến chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad- người được Nga bảo trợ. Nhưng trong tuần qua, Jordan đã đột ngột chuyển sang một hướng đi mới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong cuộc gặp với Quốc vương Jordan Abdullah II (trái) tại Sochi ngày 24/11/2014. Ảnh: THX/ TTXVN

Các nguồn tin quân sự và tình báo của mạng tin này cho biết quyết định của Vua Jordan Abdullah hợp sức với Moskva đã mở ra một tình thế hoàn toàn mới trong việc hoạch định chính sách và chia sẻ tình báo. Mặc dù không có kế hoạch đóng cửa trung tâm chỉ huy chung với Mỹ và Israel, nhưng các nỗ lực quân sự và tình báo của Jordan sẽ chuyển hướng sang một trọng tâm mới là Nga, một quyết định tạo ra cơn địa chấn lớn trong những lĩnh vực này.

Amman đang cố sức giảm mức độ nghiêm trọng xung quanh sự hợp tác mới này, giải thích mục đích quan hệ này là nhằm thúc đẩy sự phối hợp tốt hơn giữa các nỗ lực quân sự của Mỹ và Nga tại Syria và cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tuy nhiên, trên thực tế, Vua Jordan Abdullah cùng quân đội và các cơ quan tình báo của ông không đủ khả năng đóng vai trò điều phối viên giữa hai cường quốc thế giới. Hai vị tổng thống Mỹ và Nga mới là những người trực tiếp giải quyết việc này.

Hình ảnh cuộc không kích nhằm vào IS của Jordan tại Iraq vào tháng 2/2015.

Đối với nhiều nhóm chiến binh nổi dậy đang kiểm soát những vùng lãnh thổ lớn ở miền Nam Syria, bao gồm các vùng biên giới với Israel, phòng tác chiến mới Jordan-Nga là một tin xấu. Cho đến nay, Jordan là kênh cung cấp chiến binh, vũ khí và tài chính quan trọng từ Mỹ, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) cho lực lượng nổi dậy.

Mỹ thậm chí tổ chức các trại huấn luyện cho các chiến binh nổi dậy Syria ở Jordan. Kênh cung cấp này có thể sẽ bị đóng cửa hoặc giảm xuống mức tối thiểu. Người Jordan bao biện sự chuyển hướng của họ rằng việc làm này nhằm buộc phe nổi dậy Syria ở phía Nam chấp nhận một lệnh ngừng bắn và tham gia đàm phán hòa bình với Mỹ và Nga về tương lai Syria.

Tuy nhiên, đây chỉ là cách nói ngoại giao để che giấu mục đích thực sự, đó là buộc quân nổi dậy từ bỏ cuộc chiến chống ông Assad và mở đường cho Moskva đạt được mục tiêu chính nhằm khôi phục sự kiểm soát của Chính quyền Assad đối với miền Nam Syria.

Kể từ khi can thiệp mạnh vào Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cố thuyết phục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngừng hoàn toàn sự trợ giúp đối với phe nổi dậy được Israel hậu thuẫn ở miền Nam Syria. Israel xem lực lượng này như vùng đệm cần thiết để đảm bảo an ninh biên giới phía Bắc và ngăn Chính quyền Assad tái kiểm soát khu vực đó.

Nội dung các cuộc trao đổi giữa Tổng thống Putin và ông Netanyahu chỉ được chia sẻ với một vài nhân vật thân tín với các nhà lãnh đạo hai nước nên rất ít người biết, song có điều chắc chắn là ông Netanyahu đã kiên quyết nói về mối lo ngại không suy chuyển của Israel rằng một khi giành lại quyền kiểm soát miền Nam, ông Assad sẽ mở toang cánh cửa tới biên giới Israel cho các đồng minh và kẻ thù của Israel là Hezbollah.

TTK
Bắt tay Jordan, Nga gây địa chấn Trung Đông
Bắt tay Jordan, Nga gây địa chấn Trung Đông

Nga đã tạo ra cơn “động đất” ở Trung Đông khi chính quyền Amman đồng ý cùng Moskva thiết lập trung tâm chỉ huy tác chiến đặt tại Jordan, phụ trách chiến trường miền nam Syria – tờ Debka (Israel) nhận định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN