Phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng thư ký NATO Mark Rutte, ông Mitsotakis nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển một ngành công nghiệp quốc phòng vững mạnh, tăng cường nguồn lực đầu tư và thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa EU và NATO để đối phó với các thách thức an ninh trong khu vực.
Trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp, EU đã đẩy mạnh triển khai các dự án quan trọng về phòng thủ không quân và an ninh mạng. Theo báo cáo của Cơ quan Quốc phòng châu Âu, chi tiêu quốc phòng của EU trong năm 2024 ước tính đạt khoảng 326 tỷ euro (tương đương 342,66 tỷ USD), chiếm 1,9% GDP của toàn khối. Dù mức chi tiêu này đã tăng so với những năm trước nhưng vẫn được đánh giá là chưa đủ để đáp ứng hiệu quả các yêu cầu về an ninh toàn diện.
Hy Lạp, một quốc gia thành viên EU đồng thời là đồng minh của NATO, hiện chi khoảng 3% GDP hàng năm cho quốc phòng và nằm trong nhóm các quốc gia có mức đầu tư cao nhất cho quốc phòng. Chính phủ Hy Lạp cũng đã trình lên EU các đề xuất nhằm tăng cường không gian tài chính cho các quốc gia thành viên, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc đầu tư vào các dự án quốc phòng chung. Động thái này thể hiện quyết tâm của Hy Lạp trong việc cải tổ quân đội và đổi mới ngành công nghiệp quốc phòng sau giai đoạn kinh tế khó khăn kéo dài hàng thập kỷ.
Bên cạnh đó, Hy Lạp đang đàm phán với Israel để phát triển hệ thống phòng không và tên lửa trị giá 2 tỷ euro. Dự án này được kỳ vọng sẽ không chỉ củng cố khả năng bảo vệ không phận của Hy Lạp mà còn góp phần ổn định an ninh khu vực và tăng cường khả năng phối hợp trong EU.
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Mitsotakis cũng khẳng định rằng việc hỗ trợ Ukraine cần được duy trì trong bối cảnh hiện nay. Tổng thư ký NATO Mark Rutte đánh giá cao vai trò của Hy Lạp trong việc hỗ trợ đào tạo phi công và kỹ thuật viên máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng NATO vẫn là nền tảng quan trọng bảo vệ an ninh và toàn vẹn lãnh thổ cho các thành viên.
Ông Rutte cũng kêu gọi các quốc gia thành viên đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất quốc phòng để nâng cao khả năng răn đe và bảo vệ chung. Theo ông sự phối hợp chặt chẽ giữa EU và NATO là yếu tố then chốt để tận dụng hiệu quả nguồn lực và ứng phó tốt hơn với các thách thức an ninh ngày càng phức tạp.
Hy Lạp kỳ vọng rằng việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng sẽ mang lại lợi ích kép, không chỉ đảm bảo an ninh mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế từ ngành công nghiệp quốc phòng. Các sáng kiến hợp tác giữa EU và NATO được xem là nền tảng quan trọng giúp châu Âu chuẩn bị tốt hơn trước các nguy cơ tiềm tàng và tạo điều kiện cho sự ổn định trong dài hạn.
Thông điệp từ Athens một lần nữa khẳng định cam kết của Hy Lạp đối với an ninh khu vực, đồng thời thể hiện vai trò tích cực của nước này trong việc góp phần xây dựng một châu Âu vững mạnh và ổn định hơn.