Chỉ qua một lúc để nhìn, nghe cũng đã phần nào hiểu và khâm phục năng suất làm việc của người phụ nữ được bà con gọi thân mật là “tỷ phú trong làng rau sạch hữu cơ” này.
Vừa thoăn thoắt cùng nhân viên chia rau, quả vào các túi nilon, bà Đặng Thị Cuối vừa kể: "Chuyện của tôi nghe như cổ tích ấy. Những gì tôi có được ngày hôm nay vốn chỉ là giấc mơ của hơn 20 năm trước”.
Bà Đặng Thị Cuối sinh năm 1971, gắn bó với nghề nông từ tấm bé, cấy lúa trồng rau quanh năm suốt tháng mà không đủ ăn. Không cam chịu hoàn cảnh, năm 2000, bà Cuối sang Đài Loan (Trung Quốc) để tìm cơ hội kiếm tiền, trả những khoản nợ đang chất chồng. Bà xin vào lao động trong một trang trại trồng rau hữu cơ và ngỡ ngàng khi thấy cách trồng rau của Đài Loan khác rất xa so với những gì bà vẫn làm trên đồng ruộng quê hương. Vừa làm thuê vừa học hỏi, bà dần đam mê với trồng rau hữu cơ và quyết định gắn bó lâu dài với ý định một ngày nào đó sẽ mang nghề về quê hương để làm giàu.
Hơn 16 năm đi làm thuê tại những trang trại trồng rau hữu cơ ở Đài Loan, mỗi ngày bà Cuối phải làm việc hơn 10 tiếng, trồng rau như chăm “con mọn”, kỹ lưỡng từ khâu làm đất đến gieo trồng, tưới nước. Sau này, bà rủ cả chồng là ông Nguyễn Đăng Quý cùng sang để học nghề.
“Bên đó họ nghiêm túc trong tất cả các khâu, đầu tư bài bản từ nhà màng, nhà kính, chọn giống rau đến sơ chế, làm sạch cho vào bao bì chở đến các siêu thị. Năng suất cao gấp 2-3 lần đã đành nhưng độ sạch còn gấp hơn thế rất nhiều. Nước trồng rau sạch được lọc qua máy rồi mới đưa vào hệ thống tưới tự động cho rau, còn sạch hơn cả nước uống. Trước mỗi mùa vụ, đất lại được diệt sạch mầm bệnh bằng lửa. Nếu rau có sâu thì công nhân phải bắt bằng tay chứ hiếm khi phải phun thuốc’, bà Cuối kể.
Sau khi đã tích lũy được những kiến thức, kinh nghiệm, tiền bạc, vợ chồng bà trở về quê hương với quyết tâm làm giàu bằng nghề trồng rau hữu cơ. Thế nhưng chồng bà vẫn băn khoăn khi cho rằng chưa thấy ai làm giàu bằng trồng rau cả. Bà thuyết phục chồng và quyết định đầu tư 500 triệu đồng xây dựng một khu nhà màng, nhà lưới trên diện tích 1.360m2 của gia đình. Để sản xuất rau sạch, bảo đảm chất lượng, toàn bộ giống rau được nhập từ Đài Loan, Nhật Bản, còn đất thì được bón phân hoai mục. Rau lên xanh tốt, lứa đầu tiên được thu hoạch sau hơn 4 tháng. Thế nhưng khi mang ra chợ bán thì không ai dám mua vì rau “đẹp” quá, họ sợ rau bị phun thuốc kích thích.
“Tôi bàn với chồng chịu thiệt để thuyết phục mọi người. Thế là hôm sau, vợ chồng tôi mang rau ra chợ tặng không. Vài lần như vậy, ban đầu chỉ ít người, rồi sau này nhiều người đã đến tận vườn để tìm mua rau của tôi. Một thời gian sau, rau tôi trồng đến đâu bán hết ngay tại ruộng đến đó”, miệng nói tay làm, bà Đặng Thị Cuối nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp đầy gian truân.
Khi hiệu quả rõ rệt hơn, bà Cuối mạnh dạn vay vốn ngân hàng, thuê thêm đất của các hộ dân để mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời thành lập Hợp tác xã Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý. Bà Cuối cho biết, việc áp dụng mô hình sản xuất rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tuy đầu tư ban đầu khá lớn nhưng mang lại những lợi ích lâu dài. Phương pháp này còn giúp rau tránh được những tác hại của thời tiết và không sử dụng thuốc hóa học trong quá trình canh tác.
Hiện trang trại của gia đình bà có tổng diện tích 46.292m2, sản xuất rau trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, an toàn, áp dụng công nghệ sản xuất hữu cơ. Sản lượng hằng năm đạt từ 50 - 80 tấn rau, củ, quả các loại; doanh thu từ 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng; lợi nhuận, thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm. Các sản phẩm rau hữu cơ của hợp tác xã được người tiêu dùng tin tưởng, tìm đến thu mua. Nhiều bếp ăn tập thể của các công ty, trường học trên địa bàn huyện cũng như thành phố đã đặt hàng và tiêu thụ ổn định qua hệ thống chuỗi cung ứng, qua hệ thống siêu thị…
Hợp tác xã rau Cuối Quý còn tạo công việc cho 25 lao động thường xuyên có việc làm thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng và 40 - 60 lao động thời vụ có nguồn thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều sản phẩm của hợp tác xã đã được thành phố cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Ngoài ra, hợp tác xã đã chủ động lập thông tin nguồn gốc sản phẩm, sử dụng dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khen thưởng là một trong số 125 mô hình sản xuất nông nghiệp toàn quốc năm 2017 và lọt tốp 1 trong 30 dự án xuất sắc được chọn vào chung khảo cuộc thi “Ông là nông dân 4.0” do Báo Nông thôn ngày nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, bà Đặng Thị Cuối còn tích cực phối hợp với Hội Nông dân hướng dẫn, phổ biến kiến thức kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho hàng trăm lao động gồm các hộ trong xã và ngoài địa phương đến tham quan học tập; chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho một số hộ ở các tỉnh có nhu cầu sản xuất rau hữu cơ. Bà nhiệt tình tham gia các hoạt động, các phong trào của Hội Nông dân; hỗ trợ giúp đỡ 8 hộ cận nghèo, hộ khó khăn về vốn, việc làm cây giống với số tiền trên 200 triệu đồng/năm. Đến nay, một số hộ đã thoát cận nghèo và ổn định phát triển đời sống. Trong đợt dịch COVID-19 diễn ra, hợp tác xã của bà đã tham gia kết nối hỗ trợ nông sản và ủng hộ công tác phòng, chống dịch, tiêu thụ giúp hội viên 8 tấn đu đủ, 7 tấn rau, củ, quả, ủng hộ 2 tạ rau củ các loại cho bếp ăn hỗ trợ lực lượng trực chốt.
Ghi nhận những đóng góp trên, bà Đặng Thị Cuối được nhận Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2017; của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội năm 2018; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 2019; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam năm 2020. Bà được trao tặng danh hiệu “Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu” năm 2020 và là đại biểu dự Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” toàn quốc. Năm 2022, bà Đặng Thị Cuối là một trong 10 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”.
Dám nghĩ dám làm, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tích cực hỗ trợ bà con nông dân cùng vượt khó thoát nghèo, đức tính đáng quý đó của bà Đặng Thị Cuối thật đáng trân trọng. Bà Cuối xúc động tâm sự: “Được vun đắp, xây dựng và phát triển trên chính quê hương, mảnh đất của mình chính là niềm vui và hạnh phúc nhất của người nông dân chúng tôi… Tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm và có nhiều sản phẩm hơn nữa đạt chuẩn OCOP phục vụ được tốt hơn cho người tiêu dùng. Trồng rau cũng phải bằng cái tâm mới bền vững được!”.