Chiều 6/8, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” do bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm Trưởng ban về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn Hà Nội.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận về định hướng, mục tiêu phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiêu biểu giai đoạn 2021-2025; giải pháp xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa và định hướng triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hà Nội.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, mặc dù năm 2020, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song giá trị nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 của Hà Nội đã tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 79.454 ha; cấp 617.964/622.861 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền đổi thửa (đạt 99,21%). Hà Nội đã có 164 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 141 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo sự chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, bước đầu các mô hình đã tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bảo đảm đầu ra cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định.
Về xây dựng huyện nông thôn mới, thành phố có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2020, Hà Nội phấn đấu có thị xã Sơn Tây và 6 huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Về xây dựng xã nông thôn mới, Hà Nội có 355/382 xã (chiếm 92,9%) đạt chuẩn nông thôn mới, 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong số 27 xã còn lại chưa đạt chuẩn nông thôn mới có 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí; 3 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí. Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình 02 từ đầu năm 2016 đến hết tháng 6-2020 là 56.512,8 tỷ đồng.
Song song với việc chỉ đạo đồng bộ các xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định, thành phố đã lựa chọn xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô theo hướng đồng bộ và toàn diện.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá cao những kết quả xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nhấn mạnh, mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Hiện nay, dù đã và đang đạt chuẩn nông thôn mới nhưng thu nhập bình quân giữa khu vực huyện và quận còn chênh lệch. Việc làm thế nào để nâng cao thu nhập cho người dân có vai trò quan trọng với Hà Nội.
Do đó, xây dựng nông thôn mới đối với các huyện ven đô cần chú ý đến tiêu chí an ninh trật tự. Đối với các huyện sắp tới phát triển lên quận như Đông Anh, nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa, huyện cần chú trọng phát triển hạ tầng đồng bộ để không lãng phí công trình đầu tư.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, qua tìm hiểu thực tiễn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu Chính phủ trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới với các địa phương đang trong quá trình đô thị hóa.