Theo quy định mới, các nội dung quy định về quy hoạch, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp và quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này.
UBND thành phố nêu rõ nguyên tắc quản lý đối với các dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất là phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật liên quan khác về quy hoạch. Dự án đầu tư được quản lý theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ, kế hoạch phát triển ngành, tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng và pháp luật liên quan; đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội và bảo vệ môi trường.
UBND thành phố Hà Nội quản lý theo thẩm quyền đối với các nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án và quản lý quá trình thực hiện, vận hành khai thác dự án theo quy định của pháp luật. UBND các cấp thực hiện quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư theo quy định về phân cấp quản lý kinh tế - xã hội của thành phố.
Các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND thành phố và các ngành có liên quan thực hiện quản lý nhà nước đối với các dự án theo chức năng nhiệm vụ, quy định pháp luật liên quan và nội dung của quy định mới này.
Cũng theo quy định mới, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành trực thuộc UBND thành phố làm bên mời thầu tổ chức thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư có quy mô tổng vốn đầu tư từ 2.500 tỷ đồng trở lên hoặc có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên trong khu vực các quận và từ 25 ha trở lên tại các khu vực còn lại.
UBND quận, huyện, thị xã làm bên mời thầu tổ chức thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư còn lại. Trường hợp đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố quyết định cụ thể giao đơn vị mời thầu khi phê duyệt Danh mục dự án lựa chọn nhà đầu tư.
Đối với trường hợp dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, của Thủ tướng Chính phủ trong văn bản chấp thuận chủ trương giao cho UBND thành phố Hà Nội tổ chức thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, báo cáo Chủ tịch UBND thành phố giao đơn vị tổ chức đấu thầu theo quy định.
Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc UBND thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Các cơ quan chuyên môn phải thường xuyên rà soát, nắm bắt các tồn tại, khó khăn vướng mắc thuộc lĩnh vực chuyên ngành, phạm vi quản lý báo cáo thành phố và chủ động báo cáo, làm việc với các bộ chuyên ngành để được hướng dẫn, xử lý giải quyết.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu cơ quan nhà nước cấp trên ban hành văn bản có quy định khác nội dung quy định này, thực hiện theo văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên ban hành. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các nhà đầu tư dự án phản ánh kịp thời về Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.