Hà Nội: Nghiên cứu điểm nhấn để xem xét nâng tầng trên đất ‘vàng’

Ngày 9/12, tại kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội, các đại biểu thực hiện tái chất vấn kết quả thực hiện các kết luận chất vấn, những cam kết, lời hứa của UBND thành phố và các cơ quan tại kỳ họp trước liên quan đến các dự án đầu tư.

Đặt câu hỏi chất vấn, các đại biểu nhắc lại cam kết tập trung chỉ đạo rà soát không gian khu vực đối với dự án trụ sở văn phòng tại số 31, 33, 35 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm). Bởi lẽ, đây là dự án nằm trên “đất vàng” cần sớm thực hiện đầu tư xây dựng.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội trả lời chất vấn.

Trả lời vấn đề này, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, khu đất này có quy mô hơn 2.200m2, khu đất đặc biệt có 3 mặt phố, đang thuộc sử dụng của Ngân hàng SHB. Năm 2017, UBND thành phố có báo cáo Thủ tướng cho phép SHB được đầu tư xây dựng trụ sở quy mô cao hơn 13 tầng (trước đó theo quy hoạch cao 8 tầng).

Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản giao nhiệm vụ cho UBND thành phố thống nhất với Bộ Xây dựng để giải quyết nhu cầu của chủ đầu tư.

Ngày 30/9/2020, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn chủ đầu tư lựa chọn 2 phương án: Phương án 1 nếu nghiên cứu điểm nhấn thì phải nghiên cứu thiết kế đô thị. Phương án 2 thì theo quy định cũ (không cao quá 8 tầng).

Trên cơ sở đó, SHB đề xuất phương án 1 nên thành phố đã giao các sở nghiên cứu thiết kế đô thị. Đơn vị tổ chức lập là UBND quận Hoàn Kiếm, đơn vị nghiên cứu là Viện Quy hoạch - Kiến trúc. Dự kiến tháng 12 mới báo cáo nhiệm vụ thiết kế đô thị, sau đó mới có đồ án.

“Nếu nghiên cứu mà không thể cao hơn 8 tầng thì phải tuân thủ theo quy định cũ”, ông Dương Đức Tuấn nói.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, 8 tầng là tiêu chí chung, nếu thiết kế đô thị cao chưa chắc đã là điểm nhấn nên có thể hạ tầng xuống. Nếu chỉ cho phép 3 tầng thì cũng phải xuống. Hội đồng kiến trúc thành phố mời các chuyên gia hàng đầu tham gia. Cam kết đang trình nhiệm vụ lên Ủy ban nhân dân trong tuần tới phê duyệt xong, nộp hồ sơ chỉnh sửa xong thì hết Quý 1/2023 sẽ hoàn thiện đồ án này.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đối với dự án trên tuyến phố Lý Thường Kiệt, sau khi có thông báo từ TP, đơn vị đã nhận nhiệm vụ và phối với nhà đầu tư nghiên cứu để trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc lên phương án thiết kế riêng cho khu đất này. Đơn vị cũng đã thông tin việc lập khu đô thị ở đây do quận Hoàn Kiếm chủ trì, đồng thời quận cũng đã phối hợp với nhà đầu tư lên phương án, lập kế hoạch để trình TP phê duyệt trong tháng 12/2022.

Dự kiến, đối với công tác chuẩn bị gồm 3 bước, đến nay quận Hoàn Kiếm cơ bản hoàn thành xong việc thu thập số liệu, lên phương án thiết kế cho từng khu vực. Sau khi xong dữ liệu ban đầu và phê duyệt thiết kế thì quận Hoàn Kiếm sẽ tiến hành báo cáo TP phương án cụ thể.

Căn cứ trên quyết định của TP, đối với các công trình quan trọng sẽ giữ lại, tiến hành triển khai theo kế hoạch phê duyệt. Muộn nhất đến quý II/2023 UBND quận Hoàn Kiếm phải hoàn thành thủ tục để xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học trong các phương án thiết kế và triển khai.

Chỉ đạo thêm đối với dự án, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội yêu cầu lãnh đạo quận Hoàn Kiếm mời nhà đầu tư vào “định lượng cụ thể” để đẩy nhanh tiến độ.

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Lãng phí ba tòa nhà tái định cư 'bỏ hoang' trên đất vàng giữa lòng khu đô thị
Lãng phí ba tòa nhà tái định cư 'bỏ hoang' trên đất vàng giữa lòng khu đô thị

Ba tòa nhà tái định cư N3, N4, N5, cao 6 tầng, với 150 căn hộ nằm trên "đất vàng" trong Khu đô thị Sài Đồng (phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) được xây dựng và hoàn thiện thiện từ năm 2001 - 2006 để tái định cư tại chỗ cho người dân khi giải phóng mặt bằng mở rộng phố Sài Đồng, nhưng bỏ hoang phế đến nay không bóng người ở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN