Đến nay, thành phố Hà Nội có 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới,l. Theo đó, 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 186 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (vượt 30 xã so với mục tiêu Chương trình 04 của Thành ủy đến năm 2025), 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận Huyện nông thôn mới nâng cao. Các huyện Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín đã hoàn thành tờ trình đề nghị thẩm tra, xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Thành phố Hà Nội đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (8/8 chỉ tiêu).
Phong trào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng phát triển sâu rộng, hướng tới nhiều vùng chuyên canh, chất lượng, năng suất cao để đáp ứng cho thị trường “sân nhà”.
Chương trình OCOP của thành phố đang đứng đầu cả nước, với 2.711 sản phẩm OCOP (bằng 89% so với mục tiêu giai đoạn đến hết năm 2025 là 3.054 sản phẩm); trong đó: 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao. Thu nhập người dân khu vực nông thôn năm 2023 đạt hơn 66 triệu đồng/người/năm. Công tác bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội được Thành phố và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện; việc xây sửa nhà ở hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo theo kế hoạch, hoàn thành trước ngày giải phóng Thủ đô. Tỷ lệ giải ngân vốn của Chương trình xây dựng nông thôn mới cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của toàn Thành phố. Các quận tiếp tục quan tâm hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới, trong 6 tháng đầu năm 2024, quận Bắc Từ Liêm hỗ trợ huyện Phú Xuyên 30,7 tỷ đồng; quận Hai Bà Trưng hỗ trợ huyện Phú Xuyên 5,5 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới.
Bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình 04 của Thành ủy cho biết, mặc dù kết quả đạt được rất tốt, nhưng Thành ủy luôn chỉ ra các khó khăn, bất cập, vướng mắc nhằm thúc đẩy chương trình hoàn thành xuất sắc hơn nữa, phấn đấu cán đích trước thời hạn đề ra.
Bà Tuyến cũng chỉ rõ những hạn chế như: Việc đầu tư, nâng cấp trường Trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1, 2 còn chưa đạt yêu cầu đề ra; Việc triển khai đấu nối hệ thống cấp nước sạch tập trung còn chậm, vẫn còn 113 xã chưa được cấp nước sạch nước tập trung; Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải khu vực nông thôn còn hạn chế; Chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; Chưa có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ quy mô lớn;... hợp tác xã nông nghiệp chưa phát huy hết vai trò, vị trí; chưa tương xứng với tiềm năng phát triển; số lượng hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ, GlobalGAP; liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ còn hạn chế; đời sống và thu nhập của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, thiếu ổn định.
Thành ủy Hà Nội đang đặt quyết tâm cao để hoàn thành mục tiêu năm 2024, phấn đấu về đích trước 01 năm so với mục tiêu Chương trình là được Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có thêm ít nhất 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy yêu cầu các ban, ngành chức năng, MTTQ và các đoàn thể của Thành phố, cũng như cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị xã, các xã tập trung chỉ đạo và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch.
Thành ủy giao Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành Thành phố, UBND 04 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức hoàn thiện hồ sơ theo góp ý của các Bộ, ngành Trung ương, gửi Văn phòng điều phối NTM Trung ương để trong tháng 7/2024 được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành Thành phố, UBND các huyện, thị xã hoàn thiện hồ sơ Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tổ chức thẩm tra 3 huyện (Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín) đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 8/2024.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành: Công Thương, Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn Thành phố, báo cáo Ban Chỉ đạo, UBND Thành phố trước 30/9/2024; triển khai hiệu quả Chương trình OCOP năm 2024; tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 400 sản phẩm mới dự thi. Sở Nông nghiệp chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã và các đơn vị liên quan rà soát, phấn đấu đánh giá năm 2024 từ 10-15 sản phẩm OCOP 5 sao.
Ban Cán sự UBND thành phố chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành thành phố, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024, phấn đấu năm 2024 công nhận từ 5-10 mô hình.
Sở Xây dựng tập tập trung cao độ, phối hợp với chủ đầu tư và các huyện đẩy nhanh việc đấu nối hệ thống cấp nước sạch đối với 113 xã chưa có nước sạch tập trung, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong năm 2024, đặc biệt là các huyện đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đặc biệt, tới đây Thành ủy lưu ý với các cấp cần tiếp tục thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh hàng năm.
Thành phố chỉ đạo các địa phương chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo hiệu quả hay Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022- 2025. Thành phố cũng xây dựng kế hoạch và đề xuất các giải pháp giảm nghèo thiết thực, hiệu quả, tác động trực tiếp đến nguyên nhân nghèo của các hộ gia đình và sát với thực tế của từng địa phương; tăng cường các chính sách, giải pháp hỗ trợ khuyến khích các hộ tự vươn lên thoát nghèo bền vững, giảm các hình thức hỗ trợ trực tiếp; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Thành phố phấn đấu hoàn thành và vượt Kế hoạch giảm nghèo của thành phố, đến cuối năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm, đảm bảo lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu, dịch vụ y tế cho người dân.