Hà Nội hoàn thành gieo cấy lúa Xuân sớm hơn khung thời vụ 

Để đảm bảo hoàn thành gieo cấy vụ Xuân trong khung thời vụ tốt nhất, tiết kiệm nguồn nước, không để hoang hóa đất đai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã triển khai đồng bộ kế hoạch, áp dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất; nhất là sản xuất gắn với nhu cầu của thị trường, không để xảy ra tình trạng "được mùa rớt giá".   

Chú thích ảnh
Nông dân huyện Thường Tín cấy tay được 2817 ha. Ảnh: TTXVN phát

Nhìn chung, sản xuất vụ Xuân năm nay tương đối thuận lợi. Đến nay, các địa phương đã lấy đủ nguồn nước gieo cấy và tưới dưỡng sau cấy. Đối với những diện tích khó khăn về nước sẽ được chuyển đổi sang trồng các loại rau màu phù hợp.

Vụ Xuân 2024, thành phố Hà Nội phấn đấu gieo trồng 101.498 ha; trong đó, có 79.876 ha lúa và 21.622 ha rau màu các loại. Đến nay, toàn thành phố cơ bản hoàn thành gieo cấy toàn bộ diện tích lúa Xuân (khoảng hơn 96-97%), sớm hơn trong khung thời vụ 4-5 ngày so với mọi năm. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tư vấn, hướng dẫn nông dân sử dụng những giống lúa thuần chất lượng tốt nhằm gia tăng giá trị kinh tế, như: khang dân, thiên ưu 8, BC15 (chiếm khoảng 30%) và đưa vào sản xuất các giống lúa chất lượng cao: BT7, HT1, J02, Đài thơm 8, TBR225... (chiếm 67%); các giống lúa lai và giống khác chiếm khoảng 3-4%.

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, để các địa phương gieo cấy hết diện tích lúa Xuân theo kế hoạch, trong khung thời vụ tốt nhất, sở đã đề nghị UBND các quận, huyện tuyên truyền nông dân tích cực xuống đồng, lấy nước đến đâu, làm đất, gieo cấy đến đó, chống thất thoát, lãng phí nguồn nước; đặc biệt, ưu tiên áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI, giúp cây lúa phục hồi nhanh, phát huy tối đa khả năng sinh trưởng.

Đối với những diện tích mới cấy, cần duy trì mực nước 2-3 cm trên mặt ruộng, tỉa rặm để bảo đảm mật độ; bón thúc kịp thời, bón cân đối và trọng tâm là giảm đạm, sử dụng phân bón NPK đa yếu tố, phân bón chuyên dùng; rút nước sau bón thúc đẻ nhánh 5-7 ngày để đạt số dảnh hữu hiệu cao, tạo tiền đề cho năng suất cao. Mặt khác, nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến của ốc bươu vàng, bệnh nghẹt rễ, bệnh đạo ôn, chuột hại trên lúa mới cấy để có biện pháp phòng trừ kịp thời - ông Phương nhấn mạnh.

Đến nay, nhiều huyện đã lấy đủ nước để phục vụ cho gieo cấy vụ lúa Xuân như huyện Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức... Những ngày này, trên khắp cánh đồng không khí sản xuất luôn nhộn nhịp. Người thì gia cố bờ vùng, bờ thửa, người thì làm đất, dẫn nước, tập trung cấy lúa.

Ông Nguyễn Văn Dũng ở huyện Thường Tín cho biết, vụ Xuân năm nay, gia đình dự kiến gieo cấy hơn 8 sào lúa, chủ yếu là giống khang dân, Q5 và một số giống lúa mới, chất lượng cao. Nguồn nước tương đối thuận lợi, gia đình cố gắng hoàn thành cấy lúa vụ Xuân trong tháng 2/2024.

Vụ Xuân 2024, huyện Thường Tín phấn đấu gieo cấy 3.810 ha, đến nay, các xã, thị trấn đã gieo cấy được 95% diện tích lúa xuân, phấn đấu hoàn thành gieo cấy toàn bộ diện tích lúa Xuân trong khung thời vụ - ông Từ Đức Mạnh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín thông tin.

Còn tại huyện Thạch Thất, gieo cấy 3.872 ha. Hiện đã nhiều xã hoàn thành cấy lúa Xuân như: Bình Yên, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, Đại Đồng... 

Chú thích ảnh
Nông dân huyện Thường Tín nhổ mạ cấy máy. Ảnh: TTXVN phát

Theo ông Lê Xuân Túc - Giám đốc Hợp tác xã Phú Phong (xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên) cho hay, vụ Xuân này, hợp tác xã gieo cấy 350 mẫu lúa, 100% diện tích lúa xuân trên địa bàn xã được áp dụng cơ giới hóa toàn phần từ làm đất, cấy máy... Chỉ 2-3 ngày sau ra quân sản xuất đầu năm, địa phương hoàn thành gieo cấy trước khung thời vụ. Nhiều năm qua, Nam Phong là một trong những xã có tỷ lệ cấy máy cao của Phú Xuyên, đạt 90-100% diện tích mỗi vụ, năng suất lúa luôn duy trì trên 60 tạ/ha/vụ.

Chị Nguyễn Thị Nụ ở xã Nam Phong cho biết, gia đình cấy hơn 7 sào lúa mỗi vụ. Nhờ cơ giới hóa từ làm đất, cấy máy, gặt máy, đến phun thuốc bảo vệ thực vật cũng dùng máy bay không người lái, nên làm nông hiện nay bớt vất vả hơn trước nhiều. Vì vậy, đồng ruộng tươi tốt quanh năm, không bị bỏ bỏ hoang. Ngoài ra, thời gian nông nhàn nhiều nên mọi người có thể làm thêm các nghề phụ giúp nâng cao thu nhập cho gia đình.

Tại huyện Mê Linh (Hà Nội), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các hợp tác xã cung cấp dịch vụ làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch cho bà con với giá hợp lý, góp phần làm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, tăng thu nhập cho người nông dân. Vụ Xuân 2024, tổng diện tích gieo trồng của huyện Mê Linh là hơn 6.000 ha; trong đó, riêng cây lúa chiếm 4.300 ha. Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh phối hợp với các hợp tác xã đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tổng diện tích gần 1.000 ha, riêng vụ xuân năm nay đạt 200 ha.

Thời điểm này, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã hoàn thành kế hoạch lấy nước, gieo cấy được 98% diện tích. Đến nay, huyện Mỹ Đức đã hoàn thành kế hoạch gieo cấy và chuyển trọng tâm sang chăm sóc, bảo vệ lúa xuân. Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, thời tiết những ngày tới có nhiệt độ và ẩm độ không khí phù hợp cho lúa, hoa màu sinh trưởng phát triển tốt.

Để vụ Xuân 2024 thắng lợi, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn và đơn vị liên quan tăng cường cán bộ bám sát đồng ruộng, chỉ đạo và hướng dẫn nông dân các biện pháp giữ nước trên ruộng, kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ lúa, rau màu. Các địa phương tăng cường vận động nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các đối tượng gây hại thời điểm này, nhất là chuột, ốc bươu vàng, đạo ôn trên lá...

Ông Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, để nâng cao giá trị nông sản gắn với nhu cầu thị trường, huyện đã xây dựng cơ chế hỗ trợ về nguồn giống, kinh phí cho các mô hình sản xuất chất lượng cao, đưa cây, con giống vào sản xuất ngay trong vụ xuân và định hướng nông dân sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị. Huyện cũng từng bước nâng diện tích sản xuất hữu cơ với các cây trồng chủ lực; mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, trang trại chăn nuôi an toàn; phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh..., 

Năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương nâng cao năng lực phân tích, dự báo nhu cầu tiêu dùng của thị trường, từ đó định hướng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp. Đồng thời, thành phố tập trung sản xuất cây, con giống; thúc đẩy nông nghiệp xanh, sinh thái, thông minh, gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn, giáo dục trải nghiệm. Mặt khác, nông dân được khuyến cáo thực hiện tốt các hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Các địa phương cần hướng dẫn cho người dân sản xuất theo định hướng vùng chuyên canh và công bố công khai quy hoạch các vùng sản xuất công nghệ cao, sản xuất hữu cơ để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Cùng đó là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, xây dựng mã vùng trồng, vùng sản xuất an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhằm nâng cao chất lượng và tăng sức cạnh tranh cho nông sản Hà Nội ở thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Nam Giang (TTXVN)
Ngày cuối cùng lấy nước đổ ải: Trên 98% diện tích đã có nước gieo cấy
Ngày cuối cùng lấy nước đổ ải: Trên 98% diện tích đã có nước gieo cấy

Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến 15 giờ ngày 21/2 (ngày cuối cùng lấy nước đổ ải đợt 2), tổng diện tích có nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2023 - 2024 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là 483.554 ha, đạt 98,1% (tăng 0,8% so với ngày 20/2).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN