Hội nghị do ông Trần Sỹ Thanh Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì, với sự tham dự của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại Du lịch (HPA); đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội; thủ trưởng các sở, ngành của TP Hà Nội; lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã; các hội, hiệp hội doanh nghiệp và 136 doanh nghiệp đại diện, HTX, hộ sản xuất đại diện cho các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội.
Mục tiêu của Hội nghị là cung cấp thông tin về tình hình thực hiện và các giải pháp thúc đẩy thu hút đầu tư vào bảo tồn và phát triển làng nghề, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu của TP, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, và đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, công tác bảo tồn và phát triển làng nghề luôn được TP Hà Nội quan tâm. Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh phát triển làng nghề là nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Các chính sách đã triển khai bao gồm thí điểm phát triển 6 làng nghề gắn với du lịch, xây dựng 9 điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề, tập trung phát triển các cụm công nghiệp, tạo điều kiện phát triển làng nghề bền vững.
Trong quá trình chuẩn bị Hội nghị, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã tiếp nhận, tổng hợp và sàng lọc hơn 70 lượt kiến nghị của 59 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, được tổng hợp theo 15 cụm câu hỏi thuộc 3 nhóm vấn đề: quy hoạch, hạ tầng, du lịch và môi trường làng nghề; cơ chế chính sách hỗ trợ làng nghề; khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, thương hiệu và liên kết vùng nguyên liệu.
Kế hoạch của UBND TP Hà Nội là đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX, các cơ sở ngành nghề nông thôn để phát triển chung của Thủ đô Hà Nội và cả nước. Tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề là hướng đi đúng để thành phố Hà Nội có kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề bền vững.
Thành phố Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được công nhận, hội tụ bởi 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước, thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã. Doanh thu của các làng nghề ước đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm. Một số làng nghề có doanh thu cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng, làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù, làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai, làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá, làng nghề đồ mộc - may thôn Hữu Bằng, làng nghề truyền thống mỹ nghệ Thiết Úng, và 2 làng nghề giày da thôn Giẽ Thượng, Giẽ Hạ, xã Phú Yên.
Thành phố Hà Nội cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp; đặc biệt là tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống chính quyền và hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo UBND TP Hà Nội, các nghề truyền thống và làng nghề truyền thống của Hà Nội có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ lành nghề qua từng sản phẩm đặc trưng như: mây tre đan Phú Vinh, nón Chuông, sơn mài Hạ Thái, hoa Tây Tựu, thêu Quất Động, lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, tò he Xuân La, cốm Mễ Trì, quạt Chàng Sơn, rối nước Đào Thục, chuồn chuồn tre Thạch Xá, đúc đồng Ngũ Xã, đậu bạc Định Công.
Việc bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với du lịch văn hóa - nông nghiệp - nông thôn mang lại hiệu quả kinh tế đa giá trị cho người dân là hướng đi quan trọng của Hà Nội trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.