Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, vừa kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép dừng hoạt động 6 tuyến buýt có mức trợ giá cao trên 95% kể từ ngày 1/4 tới.
Các tuyến này bao gồm: tuyến số 14 (Bờ Hồ-Cổ Nhuế), 18 (Đại học Kinh tế Quốc dân- Đại học Kinh tế Quốc dân), 44 (Trần Khánh Dư-Bến xe Mỹ Đình), 45 (Times City-Bến xe Nam Thăng Long), 145 (Trung tâm thương mại Big C Thăng Long-Công viên nước Hồ Tây) và tuyến số 10 (Long Biên-Trung Mầu).
Nếu đề xuất này được thực hiện, theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tính toán sẽ tiết giảm được khoảng 11,45 triệu km hành trình/năm, tương ứng với chi phí tiết kiệm được khoảng 212,23 tỷ đồng/năm.
Sở Giao thông Vận tải cho biết, mức trợ giá của vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của thành phố trung bình giai đoạn 2020-2022 cao hơn so với giai đoạn 2015-2019 là 857,4 tỷ đồng; trong đó, năm 2022 cao nhất với mức trợ giá lên tới gần 3.000 tỷ đồng, cao hơn trung bình giai đoạn 2020-2022 khoảng hơn 670 tỷ đồng.
Giai đoạn 2020-2022 doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt bị sụt giảm, một phần do đây là giai đoạn chịu tác động ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; một số chính sách ưu đãi, miễn phí cho người dân được triển khai áp dụng sau Nghị quyết 07/2019 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội.
Bên cạnh đó, việc triển khai thi công một số công trình giao thông trọng điểm phải tổ chức giao thông điều chỉnh lộ trình làm giảm sản lượng hành khách, tăng số km hành trình tăng chi phí, giảm doanh thu kéo theo trợ giá tăng... Để không ảnh hưởng nhiều tới đi lại của hành khách, từ nay đến tháng 4/2024, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ điều chỉnh các tuyến buýt có lộ trình gần tương tự với tuyến dừng hoạt động để việc đi lại của người dân ít bị ảnh hưởng nhất.
Thành phố Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành; trong đó, có 132 tuyến trợ giá; 8 tuyến không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour. Hiện, có 11 đơn vị vận tải tham gia hoạt động buýt với hơn 2.300 phương tiện, mỗi ngày đảm nhận vận chuyển hàng chục nghìn hành khách.
Về định hướng phát triển mạng lưới buýt, bên cạnh việc điều chỉnh mạng lưới buýt hiện tại hiện nay, Sở Giao thông Vận tải và đơn vị tư vấn đang khẩn trương đưa ra kế hoạch phát triển trong thời gian tới.
Một số người dân cho biết, thời gian qua nhu cầu đi lại từ khu vực Nam Thăng Long vào trung tâm thành phố làm việc, học tập rất lớn, nếu các tuyến này dừng hoạt động mà không có giải pháp tốt trong điều chỉnh thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại bằng phương tiện công cộng cho nhân dân.
Ông Phạm Quang Ngãi ở khu vực gần công viên Hòa Bình cho biết, ông hàng ngày đi làm trên tuyến xe buýt số 45. Đây là tuyến chuyên chở khách nội và ngoại thành các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng... Trên tuyến này người dân có thể di chuyển tới khoảng 14 bệnh viện lớn trong toàn thành phố và đến rất nhiều cơ quan nhà nước. Đặc biệt, trên tuyến có đông hành khách là các cụ già, hưu trí thường xuyên đau ốm phải đi khám bệnh. Ngoài ra, xe tuyến 45 đưa khách du lịch mua bán, tham quan tại khu đô thị Times City, khu vực Bờ Hồ, Lăng Bác, Khu Hoàng Thành – Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội..... Vì vậy, khi chấm dứt tuyến buýt này để đảm bảo lợi ích hài hòa cho ngân sách thì thành phố cần sớm có giải pháp tương đồng để không gây xáo trộn cho người dân đi lại.
Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện song song nhiều giải pháp để cải thiện tình trạng giao thông chật chội như: tăng cường đẩy nhanh thi công các công trình trọng điểm, vành đai, xuyên tâm, hướng tâm và vùng ven đô thị. Cùng với đó, khuyến khích hạn chế phương tiện cá nhân; đồng thời, tăng theo lộ trình một cách hợp lý khoa học phương tiện vận tải công cộng.
Ông Nguyễn Thanh Nam -Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, năm 2023, công ty đã vận hành hơn 3,8 triệu lượt xe, đạt 98,5% kế hoạch đấu thầu – đặt hàng, vận chuyển trên 227,6 triệu lượt hành khách, tăng 35% so với năm 2022, sản lượng khách vận chuyển ước đạt 58% sản lượng toàn mạng. Năm 2023, nhu cầu và thói quen đi lại của người dân có nhiều thay đổi, một bộ phận lớn sử dụng phương tiện công cộng trước dịch có xu hướng chuyển sang các phương tiện cá nhân, dẫn đến sản lượng hành khách đi xe buýt phục hồi chậm so với thời điểm trước.
Các đơn vị hoạt động buýt đang phải đối diện với hiện tượng chảy máu lao động lành nghề, thiếu hụt lao động lái xe, nhân viên phục vụ, thợ kỹ thuật, tình trạng ùn tắc vào giờ khung cao điểm, tổ chức giao thông để thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật và phân luồng khi có các sự kiện lớn đã ảnh hưởng đến công tác vận hành tuyến.
Trong năm qua, Transerco đã rà soát, tham mưu, đề xuất Sở Giao thông Vận tải điều chỉnh lộ trình 8 tuyến buýt nhằm thuận tiện cho công tác vận hành, tăng cường kết nối mạng lưới xe buýt, mở rộng vùng phục vụ; 10 tuyến để tránh ùn tắc giao thông tạo thuận lợi cho hành khách; 39 tuyến buýt phục vụ tổ chức giao thông của thành phố phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Transerco đang chủ động đánh giá nhu cầu đi lại, rà soát biểu đồ chạy xe trên từng tuyến và báo cáo Sở Giao thông Vận tải điều chỉnh giảm dịch vụ giai đoạn 1 cho 25 tuyến, nhánh tuyến, thực hiện từ 1/1/2024. Để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân đi lại bằng xe buýt thuận tiện, văn minh hơn, Tổng Công ty vận tải Hà Nội đã tăng số lượng và chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng dịch vụ, kiên quyết không bao che và xử lý nghiêm các vi phạm dù trong bối cảnh thiếu hụt lao động trực tiếp.
Đối với 2 tuyến buýt sân bay không trợ giá đang dần phục hồi, hoạt động tương đối ổn định, được người dân đánh giá cao về chất lượng. Doanh thu 2 tuyến ước đạt 89% kế hoạch năm, lợi nhuận ước vượt 24,6% kế hoạch. Tuyến buýt City tour là tuyến du lịch nội thành được nhiều người lựa chọn trải nghiệm, năm 2023 đã vận hành 7.866 lượt xe, bình quân 19 khách/lượt, doanh thu ước đạt 131,7% kế hoạch.
Để nâng cao chất lượng, tạo lòng tin và sự tiện nghi cho nhân dân đi xe buýt, năm qua lực lượng kiểm tra, giám sát của Tổng công ty đã thực hiện kiểm tra trực tiếp trên 130.000 lượt xe, phát hiện và lập biên bản xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.