Quận Đống Đa (Hà Nội) được xem là địa phương có nhiều khu chung cư, khu tập thể cũ nhất của thành phố với 507 nhà; trong đó, tập trung nhiều tại địa bàn phường Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng. Các chung cư cũ đều có thời gian sử dụng trung bình 50 - 60 năm.
Ghi nhận thực tế, nhiều công trình nhà chung cư cũ đã xuất hiện hư hỏng một số vị trí kết cấu chịu lực, các khu vực xuống cấp tại tầng mái, tầng 1 nhất là những bộ phận cơi nới phía trước, phía sau, gây ảnh hưởng đến công trình. Đáng chú ý, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước, đường giao thông, điều kiện đảm bảo phòng chống cháy nổ tại các chung cư cũ trên địa bàn không đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Theo ông Hà Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, quận đã xây dựng và tổ chức công khai nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo xây dựng lại các khu tập thể Khương Thượng, Trung Tự, Kim Liên. Cùng với việc lập quy hoạch bước đầu, cần xác định các yêu cầu, nội dung nghiên cứu, cơ sở để thực hiện nghiên cứu lập đồ án quy hoạch. Quy hoạch được niêm yết công khai, tạo mã QR và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của UBND quận theo link http://dongda.hanoi.gov.vn và cổng thông tin điện tử của các phường Trung Tự, Khương Thượng, Phương Liên, Kim Liên để các tổ chức, cơ quan, công đồng nhân dân tra cứu.
Việc công khai lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, nhà đầu tư quan tâm cũng có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo tính khả thi, thực tế của đồ án quy hoạch. Do đó, UBND quận yêu cầu các phường tập trung tăng cường công khai tuyên truyền, vận động và gửi phiếu lấy ý kiến đến từng cơ quan, đơn vị, hộ gia đình. Các ý kiến sẽ được Phòng Quản lý đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận, phòng, đơn vị chức năng, phường, đơn vị tư vấn, tổng hợp, nghiên cứu.
Đây là cơ sở để UBND quận tổng hợp, báo cáo, trình UBND thành phố phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Sau khi nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt, các đơn vị có chức năng sẽ tổ chức công khai lựa chọn đơn vị nghiên cứu lập đồ án quy hoạch và UBND quận tiếp tục công khai lấy ý kiến đóng góp của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư với đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 theo quy định.
Cũng theo ông Hà Anh Tuấn, để việc cải tạo chung cư cũ hiệu quả, thời gian qua, quận đã thành lập Ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ cấp quận và cấp phường với thành viên là các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội để tạo sự đồng bộ trong khâu lãnh đạo và tổ chức thực hiện.
Cùng đó, quận đã biên tập, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, kế hoạch, tài liệu về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; tổ chức tập huấn, công khai phổ biến, tuyên truyền đến từng khu dân cư, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, hộ gia đình thuộc các khu tập thể, chung cư cũ.
Quận đã phối hợp với các đơn vị chức năng, thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, hoàn thành kiểm định 316 nhà chung cư (đạt 65%); tiếp tục hoàn thành công tác kiểm định trong năm 2024, 2025.
Qua tìm hiểu tại địa bàn quận Đống Đa, đa số người dân đồng tình với việc công khai quy hoạch, kế hoạch cải tạo chung cư cũ trên địa bàn. Ông Nguyễn Hữu Vượng nhà D5 khu tập thể Trung Tự bày tỏ sự nhất trí với chủ trương cải tạo lại nhà chung cư cũ. “Trước đây, khu tập thể Trung Tự đã có thông tin cải tạo, lãnh đạo thành phố thời điểm đó đã về kiểm tra thực tế, tuy nhiên do vướng mắc của các hộ dân tầng 1 nên kéo dài đến bây giờ. Người dân mong muốn, thời điểm hiện nay, cơ quan chức năng sẽ quyết tâm để có thể sớm xây dựng, cải tạo lại khu tập thể” - ông Vượng bày tỏ.
Không chỉ tại quận Đống Đa mà các quận khác như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân cũng đang đẩy mạnh triển khai cải tạo chung cư cũ. Cụ thể như quận Ba Đình đã hoàn thành di dời được người dân tại 3/5 chung cư xuống cấp nguy hiểm cấp độ D (cấp độ nguy hiểm).
Để tạo sự đồng thuận cao, ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, quận sẽ công khai, minh bạch nội dung liên quan đến cải tạo chung cư cũ trên địa bàn để người dân theo dõi, giám sát. Trường hợp hộ dân chưa chịu di dời khỏi nơi ở xuống cấp nguy hiểm, UBND quận Ba Đình cho biết sẽ tiếp tục vận động các hộ dân trên nhận tiền tạm cư và bàn giao căn hộ. Sau vận động, nếu các hộ dân vẫn cố tình không chịu phối hợp với chính quyền di dời ra khỏi nhà xuống cấp nguy hiểm, quận sẽ giao ngành chức năng, chính quyền phường quyết liệt hoàn thiện hồ sơ để thực hiện biện pháp xử lý hành chính phù hợp.
Thành phố Hà Nội xác định, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của Thủ đô trong lộ trình xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; đồng thời, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản, ổn định đời sống cho nhân dân.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ, thành phố yêu cầu sở, ngành liên quan phải phối hợp chặt chẽ với các quận trong triển khai bước cải tạo chung cư cũ, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cơ quan chức năng của thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đối thoại, vận động dưới nhiều hình thức; kịp thời giải quyết các kiến nghị chính đáng của người dân trong cải tạo chung cư cũ.