Hà Nội cấm 'shipper' hoạt động trong thời gian giãn cách để phòng dịch COVID-19

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định, hoạt động giao hàng ("shipper") bị cấm hoàn toàn để phòng dịch COVID-19.

Sáng 24/7, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chủ trì hội nghị thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố, trong bối cảnh Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố từ 6 giờ ngày 24/7.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Y tế, Giao thông Vận tải (GTVT), Công Thương đã thông tin cũng như làm rõ các giải pháp của Thủ đô cũng như các vấn đề người dân quan tâm trong việc thực hiện giãn cách xã hội.

Chú thích ảnh
Từ 6 giờ ngày 24/7, TP Hà Nội chính thức thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày. 

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng, từ 18 giờ ngày 23/7 đến 7 giờ sáng ngày 24/7, trên địa bàn TP Hà Nội có thêm 9 ca mắc COVID-19, đều là F1. Hiện tại, các bệnh viện của TP đang điều trị 379 bệnh nhân tại 4 bệnh viện, trong đó, có 8 bệnh nhân nặng (1 bệnh nhân lọc máu).

Về diễn biến tình hình dịch đợt này, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trung bình 1 ngày Hà Nội phát hiện thêm từ 50 đến 60 trường hợp, dự kiến thời gian tới diễn biến tăng vì có nhiều trường hợp phát hiện trong cộng đồng, thông qua sàng lọc, các trường hợp mắc nhưng không có triệu chứng. Hơn nữa, đợt dịch này chủ yếu là biến chủng virus Delta và Delta+, lây lan nhanh, chu kỳ lây lan ngắn, từ 2-3 ngày.

Sở Y tế đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho 1.000 giường bênh; sắp tới, Sở xây dựng kịch bản cho 5.000, 10.000, 20.0000 giường và 50.000 giường... và chia 4 tầng điều trị.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chủ trì hội nghị thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố.

Tầng 1 bao gồm 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến, trên cơ sở thành lập từ các khu cách ly tập trung. Hiện, thành phố sẵn sàng có thể kích hoạt ngay Bệnh viện dã chiến tại Trường Quân sự Thủ đô và các bệnh viện dã chiến tại khu nhà ở sinh viên tại khu cách ly Pháp Vân – Tứ Hiệp với quy mô 3 tòa nhà, mỗi tòa nhà có thể kích hoạt một bệnh viện 700 giường.

Tầng thứ 2 sẽ điều trị các bệnh nhân có triệu chứng trung bình và có bệnh lý nền, Sở sẽ kích hoạt các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện để thu dung, điều trị. Dự kiến, mỗi bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện có thể đáp ứng 250 giường bệnh.

Tầng 3 và 4 gồm 5% bệnh nhân nặng, trong đó, có 1% bệnh nhân rất nặng phải thở máy hoặc lọc máu, nguy cơ tử vong cao thì kích hoạt ngay Bệnh đa khoa Đức Giang thành bệnh viện hồi sức tuyến cuối, trước mắt sẽ bố trí 250 giường.

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sáng 24/7 lượng khách mua tại các siêu thị tăng khoảng 15-30%, tuy nhiên hàng hóa vẫn bảo đảm bình thường; tại các chợ dân sinh, nguồn hàng cũng được tiểu thương bảo đảm, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá. Hà Nội cũng đang triển khai phương án để giúp doanh nghiệp thực hiện tốt lưu thông hàng hóa. Thành phố đã có chỉ đạo các sở, ngành để kích hoạt đồng bộ, thống nhất bảo đảm lưu thông hàng hóa tốt nhất cho người dân.

Liên quan đến các trường hợp được tham gia giao thông trong thời gian giãn cách, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, 3 đối tượng được ưu tiên đi lại là: Xe vận chuyển cung ứng hàng hóa theo “luồng xanh” quốc gia có lộ trình qua TP Hà Nội; xe chở hàng hóa thiết yếu cho TP Hà Nội; xe chở người và phương tiện phục vụ các cơ quan công vụ, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình xây dựng được phép hoạt động, các phương tiện vận chuyển hành khách khác được cấp thẩm quyền cho phép.

Sở GTVT cũng phối hợp với Công an TP Hà Nội duy trì 22 chốt kiểm soát hiện nay và sẽ tổ chức thêm để có 30 chốt toàn thành phố và 26 chốt kiểm soát ở các quận huyện.

Về việc vừa qua có tình trạng ùn tắc ở một số chốt, ông vũ Văn Viện cho biết, Thành phố sẽ tổ chức lại các chốt thành nhiều lớp, để kiểm soát chặt chẽ 100% xe đi vào Thủ đô theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy nhưng không gây ùn tắc.

Liên quan đến vấn đề dư luận quan tâm về việc “shipper” có được hoạt động hay không, ông Viện cho biết, trong sáng ngày 24/7, sở đã báo cáo UBND TP Hà Nội và quyết định cấm “shipper” hoạt động.

Ông Viện lý giải: “Đây là lực lượng lớn, chưa kiểm soát được dịch bệnh tốt nên tạm thời thành phố cấm hoạt động trên tinh thần phòng dịch trên hết để bảo vệ an toàn cho người dân. Sau hội nghị này Sở GTVT sẽ có văn bản chính thức công bố việc này, gửi đến các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối để thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 17 của UBND TP về việc giãn cách xã hội”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị.

Trước những báo cáo từ các Sở, ngành, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: “Nội dung trong Chỉ thị 17 của UBND TP chưa thể bao quát hết các tình huống thực tế và chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện ngay các biện pháp phòng dịch. Những vấn đề người dân băn khoăn muốn làm rõ, thành phố sẽ trả lời nhanh nhất. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai nhấn mạnh thành phố sẽ đồng hành, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cung cấp thông tin nhanh, chính xác nhất cho các cơ quan báo chí.

Sau khi nghe các đơn vị trao đổi, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, TP đã tham khảo xin ý kiến các chuyên gia và quyết định ban hành Chỉ thị 17 về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Lý giải vì sao Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, Phó Bí thư Thành uỷ cho biết: “Căn cứ diễn biến dịch bệnh ở thành phố, từ 27/4 đến nay đã có 675 ca mắc. Trong đó có 257 ca trong cộng đồng, nhiều ca F0 bị mất dấu, nguy cơ lây lan cao đòi hỏi các biện pháp mạnh mẽ hơn. Với tính chất Thủ đô là trung tâm của các nước, đầu mối giao thông trọng điểm, nếu không đảm bảo phòng dịch tốt sẽ tác động lớn với cả nước. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phải bảo vệ thành trì, thành quả chống dịch của Thủ đô”.

Trao đổi thêm về các vấn đề mà báo chí, dư luận quan tâm, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, các phương án, kịch bản theo từng cấp độ dịch đã được thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng chuẩn bị sẵn sàng. Sở Y tế đã chuẩn bị các phương án từ việc cách ly, điều trị tiêm chủng theo các mức độ dịch bệnh khác nhau.

“Ngành y tế Thủ đô đảm bảo được công tác phòng chống dịch, điều trị, tiêm chủng trong các tình huống. Trang thiết bị, vật tư đến nhân lực đã được chuẩn bị kỹ càng. Người dân yên tâm bởi ngoài nguồn lực l của TP Hà Nội còn có nguồn lực từ các cơ quan trung ương, quân đội, công an, các cơ sở y tế tư nhân”, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, khi thực hiện giãn cách xã hội ít nhiều sẽ có tác động đến đời sống người dân, hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và nhất là nhóm yếu thế như hộ nghèo, người lao động, khuyết tật… Thành phố đã có kế hoạch hỗ trợ cụ thể để từng xã, phường, thôn xóm. "Căn cứ thực tiễn, ngoài chính sách chung của Chính phủ, có thể thành phố sẽ có thêm chính sách riêng để hỗ trợ người dân. Trên tinh thần chống dịch như chống giặc; lấy sức khỏe, sự an toàn của người dân là mục tiêu hàng đầu”, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Hà Nội lên phương án đảm bảo điện cho cả tình huống xấu nhất
Hà Nội lên phương án đảm bảo điện cho cả tình huống xấu nhất

Ngay sau khi Chỉ thị số 17/CT-UBND do Chủ tịch UBND thành phố ban hành về việc thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg trên địa bàn thành phố trong vòng 15 ngày (kể từ 6 giờ ngày 24/7), để phòng, chống dịch COVID-19, EVNHANOI đã ngay lập tức xây dựng kịch bản để đảm bảo điện an toàn, liên tục cho địa bàn Thủ đô ngay cả trong tình huống xấu nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN