Công đoàn Hà Nội bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động

Công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động đã được các cấp công đoàn Hà Nội quan tâm trong nhiệm kỳ qua với phương châm hướng về cơ sở.

Góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định

Ông  Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết: "Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động của 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (trong đó có 12 LĐLĐ quận; 18 LĐLĐ huyện, thị xã; 8 Công đoàn ngành; 7 Công đoàn Tổng công ty) và 25 công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ Thành phố; với tổng số 9.208 công đoàn cơ sở và 664.031 đoàn viên; trong đó, khu vực sản xuất kinh doanh có 5.781 công đoàn cơ sở với 470.024 đoàn viên công đoàn".

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội thăm và tặng quà cho cán bộ, công nhân lao động trong ngày đầu làm việc của năm mới năm Nhâm Dần. Ảnh: TTXVN phát 

Trong 5 năm qua, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và lao động khu vực phi chính thức. Toàn Thành phố hiện có khoảng 270.000 doanh nghiệp, với trên 2,7 triệu lao động. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 70,3%. Nhìn chung, lực lượng lao động trong các doanh nghiệp là lao động trẻ tuổi, tiếp cận và làm chủ nhanh với khoa học công nghệ hiện đại và cơ chế thị trường.

Điều kiện làm việc, nhà ở, thu nhập, đời sống của người lao động luôn được các cấp, các ngành và tổ chức Công đoàn quan tâm; Thành phố từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động trên địa bàn Thành phố đạt 7 triệu đồng/tháng. Quan hệ lao động ổn định, số vụ tranh chấp lao động, ngừng việc giảm so với nhiệm kỳ trước.

Tuy nhiên, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề nhà ở cho công nhân lao động là yêu cầu cấp thiết nhưng còn thiếu so với sự gia tăng nhanh của lực lượng lao động. Hiện nay, Thành phố có 3 Khu công nghiệp có dự án nhà ở, đáp ứng gần 30% nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động (CNLĐ), còn khoảng 70% CNLĐ đang phải thuê nhà trọ ở trong khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo. Các công trình phúc lợi công cộng như: Trường mầm non công lập còn thiếu, nhà văn hóa, khu thể thao và khu vui chơi giải trí, các điểm sinh hoạt phục vụ CNLĐ ở các Khu công nghiệp còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của CNVCLĐ.

Tình trạng nợ lương, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn còn tiếp diễn, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Có gần 86.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH với số tiền nợ trên 5.154 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến đời sống, chế độ chính sách hơn 1,2 triệu người lao động, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động, đình công trên địa bàn Thủ đô.

Các cấp công đoàn Thủ đô đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn; tham mưu với Thành ủy, tham gia với UBND Thành phố ban hành các chính sách trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và hỗ trợ người dân, công nhân lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đối thoại để lấy ý kiến của đoàn viên, người lao động góp ý, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật; chủ động, tích cực đề xuất với cấp ủy, tham gia với chính quyền, cơ quan chuyên môn cùng cấp trong xây dựng cơ chế, chính sách, quy định thuộc ngành, địa phương và doanh nghiệp; tham gia xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xây dựng nội quy lao động, thang bảng lương, quy chế trả lương, quy chế khen thưởng, Thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động... Qua đó khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn trong đại diện, bảo vệ đoàn viên và người lao động.

LĐLĐ Thành phố đã chủ động ký kết chương trình phối hợp công tác với UBND Thành phố và các Sở, Ban, ngành, đoàn thể Thành phố. Kết quả trong 5 năm qua, LĐLĐ Thành phố và các Công đoàn cấp trên cơ sở đã phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn tại 3.713 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm với số tiền 16,37 tỷ đồng; phối hợp thanh tra, kiểm tra về công tác An toàn vệ sinh lao động, trong đó tập trung vào các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Từ đó, góp phần làm tốt hơn công tác An toàn vệ sinh lao động và giảm thiểu tình hình tai nạn lao động. Qua kiểm tra, giám sát đã có hơn 12 nghìn kiến nghị với doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với người lao động, đồng thời có 250 đề xuất, kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn tại cơ sở.

Công đoàn Hà Nội chủ động phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao chất lượng hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; hội nghị người lao động; phát hành 3 Video Clip hướng dẫn công đoàn cơ sở phối hợp tổ chức Hội nghị CBCC,VC, Hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc, với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng. Hàng năm 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 74% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động. Có 82% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng được Quy chế dân chủ ở cơ sở; 97% đơn vị bầu Ban Thanh tra nhân dân. Qua đó đã phát huy dân chủ, nắm bắt tâm tư, tình cảm và kịp thời giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ổn định và phát triển.

Hoạt động thương lượng, ký kết Thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) được tập trung chú trọng, có nhiều đổi mới và phát huy hiệu quả tích cực. Đặc biệt là Đề án thí điểm: “Nâng cao hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp” đã góp phần phần tăng nhanh về số lượng và nâng cao về chất lượng TƯLĐTT. Đã ký mới 2.449 bản, tăng 288% so với đầu nhiệm kỳ (1.250 bản). Đến nay, có 3.699 bản (đạt tỷ lệ 75,5%, trong đó TƯLĐTT loại A, B đạt 46%); được Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai nhân rộng, áp dụng trong cả nước. Công đoàn ngành dệt may Hà Nội đã chủ động phối hợp, thương lượng với hiệp hội dệt may ký kết được Thỏa ước lao động cấp ngành, Hà Nội là địa phương đầu tiên ký được TƯLĐTT cấp ngành; tuy chất lượng còn hạn chế song đã tạo tiền đề để ký kết TƯLĐTT cấp ngành, TƯTTLĐ nhóm doanh nghiệp trong thời gian tới.

Hàng năm, LĐLĐ Thành phố phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND Thành phố với CNLĐ. Trong 5 năm (2018 - 2023) đã có 2.745 ý kiến kiến nghị bằng văn bản và 99 ý kiến, kiến nghị trực tiếp của CNLĐ tập trung vào việc đề nghị giải quyết chế độ Bảo hiểm xã hội, nhu cầu nhà ở, vận tải công cộng, nhu cầu học trường công lập của con CNLĐ, lắp đặt wifi miễn phí, khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường trong các khu, cụm công nghiệp. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức 145 cuộc đối thoại với CNLĐ; có trên 68% công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại 3 bên giữa Công đoàn - Người sử dụng lao động - Người lao động để giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của đoàn viên và người lao động. Qua đó đã góp phần củng cố niềm tin giữa người lao động với chính quyền và tổ chức Công đoàn.

Các cấp công đoàn Thành phố đã đẩy mạnh việc khởi kiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, qua đó nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tập thể của tổ chức Công đoàn. Trong nhiệm kỳ, có 75/592 bộ hồ sơ Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH được Tòa án tiếp nhận; qua thủ tục thông báo khởi kiện của tổ chức Công đoàn đã có 121 doanh nghiệp trả hết nợ BHXH, 177 doanh nghiệp tự giác nộp một phần số nợ, với tổng số tiền thu nợ đọng BHXH là 115 tỷ đồng, giải quyết quyền lợi của 1.745 đoàn viên, CNLĐ.

Hoạt động chăm lo thiết thực

Trong nhiệm kỳ, các cấp Công đoàn Thành phố luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động với nội dung và hình thức đa dạng hơn theo hướng thiết thực, gắn với nhu cầu thực tế. Đối tượng chăm lo không chỉ là đoàn viên, người lao động gặp khó khăn mà đồng thời quan tâm chăm lo cả đoàn viên, người lao động có thành tích cao trong lao động, sản xuất, cán bộ công đoàn tiêu biểu… để khích lệ tinh thần vươn lên và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Giai đoạn 2018 - 2023, từ nguồn “Quỹ Xã hội Công đoàn” và ngân sách công đoàn, các cấp công đoàn Thành phố đã chi hỗ trợ cho 1,2 triệu lượt đoàn viên, người lao động, với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các hoạt động như: tổ chức chương trình “Tết sum vầy”; “Chuyến xe 0 đồng”; “Chợ tết công đoàn”, các hoạt động chăm lo nhân Tháng công nhân hàng năm… Đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 285 nhà “Mái ấm Công đoàn” với số tiền 9,8 tỷ đồng; Ủng hộ 41,6 tỷ đồng cho các Quỹ do Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội phát động.

Ngoài ra, các cấp công đoàn Thành phố đã làm tốt Chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”, tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên với giá ưu đãi, góp phần cải thiện đời sống đoàn viên, thông qua đó thể hiện rõ hơn vai trò của tổ chức Công đoàn - Là tổ ấm của người lao động. Đầu năm 2023, trước tình hình các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm; LĐLĐ Thành phố đã nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ của Tổng Liên đoàn để hỗ trợ kịp thười cho người lao động khó khăn ở các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, với số tiền 1,5 tỷ đồng.

Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình hiện đang quản lý 69 tỷ 306 triệu đồng. Trong nhiệm kỳ qua đã giải ngân 283,1 tỷ đồng cho 11.500 lượt đoàn viên, CNLĐ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Đặc biệt đã có gần 3.000 đoàn viên, CNVCLĐ tại 179 Công đoàn cơ sở lần đầu được tiếp cận nguồn vốn, với số tiền giải ngân 73 tỷ 590 triệu đồng.; xét duyệt 36 dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, với số tiền giải ngân 6,3 tỷ đồng cho 120 hộ gia đình đoàn viên, CNVCLĐ. Thông qua hoạt động của Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, CNVCLĐ, góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn Thủ đô.

Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh COVID -19, các cấp Công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô đã thể hiện được trách nhiệm, bản lĩnh, sự kiên cường; xứng đáng là lực lượng gương mẫu, tiên phong, đi đầu trong công tác phòng chống dịch và thực hiện thắng lợi “Mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa ổn định phát triển sản xuất kinh doanh.

Nhiều cán bộ Công đoàn đã không quản ngại vất vả, sẵn sàng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh để trực tiếp chăm lo, hỗ trợ, động viên đoàn viên, người lao động tại các khu cách ly, các khu nhà trọ bị phong tỏa; vận động chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê trọ cho công nhân. Từ đó, đã giúp đoàn viên, người lao động yên tâm, gắn bó với tổ chức công đoàn, gắn bó với doanh nghiệp; tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác phòng chống dịch, góp phần vào thành công chung của Thành phố và cả nước.

Với nỗ lực vượt bậc của của cả hệ thống, nhất là sự đoàn kết, đồng lòng của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động, các cấp Công đoàn thành phố đã linh hoạt, chủ động thích ứng với tình hình mới, có nhiều sáng tạo, đổi mới trong công tác triển khai thực hiện với phương châm lấy cơ sở là địa bàn hoạt động, lấy đoàn viên và người lao động là trung tâm, tập trung thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động. Nội dung hoạt động ngày càng tập trung hướng về cơ sở; một số nội dung hoạt động đặc trưng riêng có của Công đoàn Thủ đô tiếp tục được phát triển, nhân rộng và nâng cao hiệu quả.

XM/Báo Tin tức
Sớm có giải pháp để hạn chế thấp nhất tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH
Sớm có giải pháp để hạn chế thấp nhất tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH

Trong khuôn khổ Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023-2028, diễn ra từ ngày 16-17/10, nhiều ý kiến, kiến nghị của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Thủ đô gửi tới Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong đó có đề xuất sớm có biện pháp để giải quyết, hạn chế thấp nhất tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), chăm lo cải thiện điều kiện lao động, phòng, chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN