Ứng phó với nước sông dâng cao
Sáng 10/9, mực nước sông Hồng tại Hà Nội là 9,5m, ở mức báo động 1; dự báo trong 12-24 giờ tới, mực nước sông tiếp tục lên nhanh, ở mức báo động 2 (10,5m).
Tại khu vực từ ngõ 114 Hàm Tử Quan đến bến Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm, nước sông dâng cao đã nhấn chìm bãi xe và sân chơi vườn rừng. 46 hộ dân tại đây chủ động di dời đến nơi an toàn. Hiện chính quyền đã đặt barie cấm người vào bến.
Kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó với lũ tại bến Chương Dương Độ, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, lũ trên sông Hồng ở mức cao nhất tính từ năm 2008 đến nay. Ông khuyến cáo người dân không nên chủ quan vì diễn biến mưa bão cực đoan bất thường.
Nước dâng cao đến ngọn cây khiến khu vực phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) chỉ có một đường duy nhất là đi thuyền theo đường dân sinh để tiếp cận được những hộ dân bên trong. Bà Nguyễn Hồng Diệp, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Phụ cho biết, nước sông dâng cao đã làm ngăn cách khu vực bãi giữa, đường dân sinh có chỗ ngập đến 7m, đa số người dân đã được di dời an toàn.
Mực nước sông Hồng lên nhanh, Hà Nội đã phát lệnh báo động tại 10 quận, huyện; hạn chế xe tải qua cầu Chương Dương, dừng tàu chạy qua cầu Long Biên; đắp đê ngăn nước tràn vào Quốc lộ 6 qua Chương Mỹ.
Tại đê Tả Bùi thuộc thôn Tinh Mỹ, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, nước cách mặt đê khoảng 30cm. Nếu nước tràn qua đê sẽ uy hiếp khu vực dân cư rộng lớn ở các xã Trung Hòa, Thanh Bình, khu công nghiệp Phú Nghĩa và quốc lộ 6. Đến 15 giờ ngày 10/9, sau khi chính quyền phát loa thông báo hộ đê, hàng trăm người người dân nơi đây đã tập hợp, xúc cát vào bao tải, đắp đê tại nhiều điểm.
Linh hoạt hình thức dạy học
Tính đến 11 giờ ngày 10/9, Hà Nội có 118 trường không thể tổ chức dạy học. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đã chỉ đạo các nhà trường khi bảo đảm tuyệt đối an toàn mới được tổ chức dạy học trực tiếp; sẵn sàng triển khai dạy học trực tuyến, không để ảnh hưởng đến thời gian năm học 2024-2025. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, các trường học linh hoạt hình thức tổ chức dạy học nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì, ngày 10/9, huyện có có 4 trường tạm dừng dạy học trực tiếp gồm: Mầm non Vật Lại (700 trẻ), Tiểu học Vật Lại (hơn 1.300 học sinh), Trung học Cơ sở Vật Lại (hơn 1.200 học sinh) và Mầm non Tiên Phong (360 trẻ). Ngoài ra, Trường Trung học Cơ sở Tiên Phong có 27 học sinh không thể đến trường do các học sinh này đều cư trú ở thôn Kim Bí, xã Tiên Phong, đường đến trường bị ngập sâu.
Trước mắt, các nhà trường tập trung khắc phục hậu quả bão, theo dõi thời tiết và tạm thời cho học sinh nghỉ học. Nếu thời tiết tiếp tục phức tạp, có nguy cơ xảy ra mưa lớn kéo dài, các trường học chuyển sang dạy học trực tuyến.
Ngày 10/9, tại huyện Chương Mỹ có 7 trường học chưa thể đón học sinh đến trường gồm: Mầm non Nam Phương Tiến, Mầm non Thủy Xuân Tiên, Tiểu học Thủy Xuân Tiên, Tiểu học Nam Phương Tiến A, Trung học Cơ sở Nam Phương Tiến A, Trung học Cơ sở Thủy Xuân Tiên, Trung học Cơ sở Xuân Mai B.
Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ Nguyễn Hữu Thìn, bảo đảm an toàn cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Căn cứ tình hình thực tế gia đình học sinh (có máy móc, đường truyền), giáo viên sẽ tổ chức dạy học trực tuyến. Nếu nhiều gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các nhà trường sẽ có kế hoạch khắc phục để bảo đảm kế hoạch năm học.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) Phương Thị Thìn cho biết, sáng 10/9, toàn trường chỉ có hơn 600 học sinh đi học trong tổng số 2.900 học sinh. Ngay từ sáng sớm, nhà trường đã thông báo tới tất cả phụ huynh, nếu gia đình vẫn có khả năng đưa con đến trường thì vẫn đưa đến trường. Các thầy, cô giáo vẫn quản lý học sinh và dạy học bình thường.
Với 3 trường học ở phường Phúc Xá (gần đê sông Hồng), Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đã yêu cầu tăng cường phương án bảo đảm an toàn cho học sinh, bám sát chỉ đạo của các cơ quan chức năng để kịp thời ứng phó nếu có bất thường.
Đảm bảo cung ứng đủ thuốc
Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản 4300/SYT-NVD chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh; cơ sở kinh doanh thuốc ở thành phố đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho phòng, chống bệnh, dịch có thể phát sinh trong mưa bão, lũ lụt. Các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát, kịp thời lập kế hoạch, chủ động liên hệ với cơ sở cung ứng, triển khai đặt hàng, mua sắm, dự trữ, đảm bảo có đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu, điều trị và đáp ứng các tình huống y tế bị ảnh hưởng do bão, lũ, dịch bệnh…; không để xảy ra thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Trong trường hợp có nguy cơ thiếu thuốc phục vụ phòng và điều trị các bệnh có thể phát sinh sau mưa bão, lũ lụt, các đơn vị báo cáo kịp thời về Sở để có phương án xử lý.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở kinh doanh thuốc cần chủ động kế hoạch dự trữ, chuẩn bị sẵn nguồn thuốc có chất lượng, đảm bảo cung ứng đủ thuốc theo đơn hàng, theo hợp đồng cung ứng đã ký kết với cơ sở khám, chữa bệnh và cho nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, đặc biệt đảm bảo thuốc phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh có thể phát sinh trong mưa bão, lũ lụt; tránh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc về nguồn cung, các đơn vị chủ động phản ánh về Cục Quản lý Dược để được hướng dẫn, giải quyết.
Trước đó ngày 17/6/2024, Sở Y tế Hà Nội cũng ban hành văn bản số 2663/SYT-NVD yêu cầu các đơn vị đảm bảo cơ số thuốc đáp ứng yêu cầu cấp cứu, khám chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai. Theo đó, Sở yêu cầu các cơ sở y tế chủ động xây dựng phương án cung ứng thuốc, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa; thường xuyên cập nhật diễn biến mô hình bệnh tật để phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị bệnh tại cơ sở, đảm bảo không để xảy ra thiếu thuốc cho công tác cấp cứu, điều trị khi xảy ra thiên tai, thảm họa, đặc biệt các bệnh có thể phát sinh sau mưa bão, lũ lụt… Cơ sở kinh doanh thuốc phải chuẩn bị sẵn nguồn thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý để ưu tiên cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa.