Trước thềm năm mới 2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về những cách làm, hướng đi của thành phố.
Xin chào Bí thư Thành ủy, đồng chí có thể cho biết bức tranh khái quát của kinh tế thủ đô trong năm qua?
Năm 2022, một năm thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Song có thể tự hào, những lúc khó khăn thì Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực để về đích khá thành công.
Tất cả 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 5 chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch là: Tăng trưởng GRDP; GRDP/người; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu; giảm số hộ nghèo so với năm trước. Trong đó, kinh tế tăng trưởng khá cao, ước đạt 8,8%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (khoảng 8%)…
Một vấn đề người dân khá quan tâm là công tác quy hoạch và xây dựng các công trình trọng điểm, xin đồng chí chia sẻ rõ hơn về lĩnh vực này?
Công tác quản lý, phát triển đô thị chuyển biến tích cực; tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch xây dựng được đẩy nhanh; nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt trong năm 2022. Hạ tầng khung về giao thông tiếp tục được quan tâm đầu tư. Các công trình giao thông trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ như:
Dự án đường Vành đai 2 trên cao đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở gần thông xe; dự án cầu Vĩnh Tuy 2 cũng sắp sửa hoàn thành; dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư và đang được đẩy nhanh tiến độ. Thành phố đang quyết liệt chỉ đạo để tuyến đường quan trọng bậc nhất này được khởi công xây dựng trong năm 2023, hoàn thành đưa vào vận hành năm 2027…
Khối lượng công việc rất lớn, thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức khi thực hiện. Đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn về những điều này?
Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố vẫn còn nhiều, khó khăn, thách thức.Trong đó, việc phát huy lợi thế, tiềm năng, huy động nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương còn chưa đạt yêu cầu, nhất là trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Ùn tắc giao thông, úng ngập còn xảy ra ở một số nơi. Việc thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải, nhất là tại một số làng nghề; quản lý quy hoạch đô thị còn hạn chế. Vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm và xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng còn xảy ra, chưa được ngăn chặn, xử lý hiệu quả gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm còn chậm và nhiều vướng mắc. Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục khó khăn và có xu hướng chậm dần qua các năm; công tác phòng cháy, chữa cháy hiệu quả chưa cao.
Khâu tổ chức thực hiện chủ đề năm "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển" vẫn còn hạn chế; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm; cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc đi sâu, đi sát thực tiễn cơ sở để giải quyết nhanh, gọn các vấn đề khó khăn, vướng mắc còn hạn chế. Tình hình khiếu kiện, tập trung đông người trên địa bàn còn diễn biến phức tạp; việc đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống các tệ nạn xã hội còn chưa tốt và còn để xảy ra một số vụ việc đáng tiếc.
Đồng chí có thể cho biết định hướng phát triển các vùng ngoại thành Hà Nội trong tương lai?
Thủ đô Hà Nội trong tương lai sẽ phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai). Đây sẽ là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội đối với các khu vực phía Bắc, phía Đông và phía Tây của thành phố. Thành phố cần tiếp tục nghiên cứu định hướng phát triển đối với khu vực nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng quê Bắc Bộ; bên cạnh đó cần quan tâm phát triển các huyện phía Nam, vùng xa, giáp ranh với các tỉnh khác như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì (vốn là các địa phương còn nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội), tránh để hình thành các "vùng trũng" về phát triển của thành phố.
Theo đồng chí, năm 2023 sẽ có ý nghĩa như thế nào đến sự phát triển của thành phố?
Thành ủy Hà Nội nhận định, năm 2023 - năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2020-2025 có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Năm đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Thành phố thực hiện nhiệm vụ năm 2023 trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến khả năng huy động nguồn lực cho sự phát triển của Thủ đô; áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực… tác động trực tiếp đến đất nước và Thủ đô.
Đồng chí có thể cho biết về Chiến lược phát triển văn hóa của Thủ đô?
Lĩnh vực này thành phố đặc biệt quan tâm, đã có chiến lược, kế hoạch rất công phu, tỉ mỉ. Thành phố xác định phát triển văn hóa - xã hội tương xứng với phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô; tiếp tục triển khai Kế hoạch đầu tư xây dựng ba lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa…; chú trọng xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả 2 bộ quy tắc ứng xử tại cơ quan và nơi công cộng; tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bám sát tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thành uỷ Hà Nội luôn xác định, văn hóa là nền tảng, động lực, phát triển văn hóa xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô thông qua nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chương trình "Hội tụ tinh hoa và cộng hưởng sức mạnh văn hóa Quốc gia"với nhiều nội dung, cách thức thể hiện phong phú.
Vậy thành phố sẽ có những quan điểm, định hướng lớn như thế nào để chỉ đạo thực hiện tập trung trong năm tới, thưa đồng chí?
Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy năm 2023 là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phát huy những kết quả đạt được, kinh nghiệm đã có, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp; huy động cả hệ thống chính trị để tham gia thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ công tác. Thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2023 là "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển".
Một số nhiệm vụ lớn, các cấp, ngành và địa phương cần tập trung thực hiện như: Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng; thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy phát triển làng nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Cùng với triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thương mại - dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá và phát triển du lịch, các địa phương, đơn vị tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp theo chiều sâu; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, kiểm soát an toàn thực phẩm và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,0% trở lên, tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn 10,5-11%, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7,5-8%.
Thành phố sẽ hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó cần lưu ý quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, giữ được văn hóa nông thôn Bắc Bộ gắn với làng nghề, di tích văn hóa, lịch sử,... Thành phố tiếp tục hoàn thành phê duyệt các quy hoạch chung, quy hoạch vùng huyện và quy hoạch phân khu còn lại, đi đôi với tăng cường quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường.
Hà Nội tăng cường chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè, quản lý phương tiện giao thông, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm, nhất là hoàn thành đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao Tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội; hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phòng mặt bằng và khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Thành phố xây dựng, ban hành quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; tiếp tục rà soát, xử lý hơn 400 dự án có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn theo Nghị quyết của HĐND Thành phố…
Trước thềm năm mới, đồng chí có những gửi gắm và mong muốn ở các cấp?
Với truyền thống đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, bản lĩnh, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, tôi tin tưởng, mong muốn các cấp, ngành sẽ chủ động bắt tay ngay vào xây dựng các chương trình, kế hoạch, tập trung cao độ, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2023. Mặc dù nhiều khó khăn, nhưng với những kết quả đạt được của năm qua, Thủ đô Hà Nội sẽ khẩn trương, hứng khởi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ của năm tới. Kính chúc toàn thể cán bộ, nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán 2023 mạnh khỏe, vui tươi và nhiều thắng lợi!
Trân trọng cảm ơn đồng chí!