“Cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy”, người đảng viên vẫn được coi là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Nhắc đến đảng viên không chỉ nhắc đến vai trò dẫn dắt, lãnh đạo, mà đi liền với đó còn là đòi hỏi về sự gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, trong mọi nhiệm vụ. Gần đây, trách nhiệm nêu gương của đảng viên, nhất là với cán bộ cấp cao, lại càng được nhấn mạnh hơn bao giờ hết. Trên có đúng, dưới mới phục, mới theo. Đảng viên mà làm sai thì không chỉ gây xói mòn niềm tin của dân vào Đảng mà còn có thể tác động đến sự tồn vong của chế độ.
Mặc dù Đảng ta luôn chú trọng xây dựng Đảng như là nhiệm vụ then chốt, trong đó xác định xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt”, tuy nhiên, thực tế vẫn có không ít cán bộ, đảng viên không vượt qua được sự cám dỗ, mắc những khuyết điểm, sai phạm nghiêm trọng như tham ô, tham nhũng, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng đã thi hành kỷ luật trên 1.000 tổ chức đảng và trên 87.000 đảng viên; không có vùng cấm và cũng không có chuyện “hạ cánh an toàn” với bất kỳ ai, trong đó có cả các cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Dù đau xót, “nhưng chúng ta phải kỷ luật vài người để cứu muôn người” - như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh. Ở đây, “cứu muôn người” có thể hiểu rộng ra là chính là cứu sự xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Ngay trong thời gian đầu của nhiệm kỳ Đại hội XIII này, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được đẩy mạnh. Theo đó, Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương khóa XIV; khai trừ ra khỏi Đảng ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương… Gần đây nhất, Ban Bí thư đã quyết định cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển nhiệm kỳ 2015 - 2020; khai trừ ra khỏi Đảng đối với 2 sỹ quan cấp tướng và cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với 7 tướng lĩnh Cảnh sát biển Việt Nam… Vi phạm của tổ chức và các cá nhân nêu trên đều rất nghiêm trọng, gây thất thoát, thiệt hại rất lớn tiền và tài sản của Nhà nước, trong đó một số cán bộ, người đứng đầu được xác định đã suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Nói cách khác, họ đã vi phạm những điều đảng viên không được làm.
Dù đây chỉ là những trường hợp cá biệt, nhưng các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng nói trên đã gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức đảng, hình ảnh của người cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, những vụ việc này đã gây bức xúc trong dư luận, ít nhiều ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào Đảng, nhất là trong bối cảnh đất nước gặp không ít thách thức trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội với 4 nguy cơ vẫn hiện hữu, đời sống nhân dân có nhiều khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh liên tục ập xuống. Các thế lực thù địch cũng chỉ chờ những kẽ hở như vậy để tiếp tục rêu rao những luận điệu sai trái về đội ngũ cán bộ, đảng viên, chĩa “mũi dùi” công kích, chống phá Đảng, chống phá Nhà nước ta.
Chính vì vậy, việc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương và đến ngày 28/10/2021 vừa qua đã ban hành quy định mới - Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, là phù hợp với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới. Trong số những điều “cấm” mới đối với đảng viên, có một số nội dung đáng chú ý, như: Không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; "tư duy nhiệm kỳ", đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng (Điều 3)… Đồng thời, quy định cũng bổ sung một số nội dung mới liên quan đến hành vi, như: Không được “có hành vi chạy chức, chạy quyền”, “tham ô” hay “thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội”…
Sau 10 năm, việc thay thế quy định về những điều đảng viên không được làm có thể được xem là một đợt chấn chỉnh mới của Đảng, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bối cảnh đời sống chính trị - xã hội đang có nhiều thay đổi. Việc sửa đổi, bổ sung quy định cũng nhằm mục đích gia tăng phòng ngừa, cảnh tỉnh để đảng viên có ý thức “không dám vi phạm”, làm tiền đề cho việc “không muốn vi phạm”. Hơn thế, Đảng thực sự cần một đội ngũ cán bộ, đảng viên không chỉ “trong sạch” mà còn “ngang tầm nhiệm vụ” để có thể lãnh đạo đất nước hoàn thành những mục tiêu lớn đã đề ra nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước trong thời gian tới.
Thêm quy định “cấm” đối với đảng viên một mặt cho thấy Đảng ngày càng nghiêm khắc hơn với chính mình, mặt khác cũng đã mở rộng hơn quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân đối với Đảng. Tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, “lấy dân làm gốc” để xây dựng Đảng, đó cũng chính là cách tốt nhất để củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, để nhân dân tin tưởng vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước ta.